Còn 'khuya' Trung Quốc mới sao chép được S-400, Su-35S của Nga

Việc bán S-400 và Su-35S cho Trung Quốc không đe dọa nước Nga vì 'đồ rởm' luôn kém đồ thật.

Trong năm 2014, quan hệ Nga-Trung đã có sự phát triển mạnh trong trong bối cảnh EU và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga đe dọa tất cả các mối quan hệ kinh tế được thiết lập từ năm 1991.

Nga đã ký với Trung Quốc hợp đồng tuyến đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia và hợp đồng bán 38 tỷ m3 khí đốt/năm trong vòng 30 năm trị giá gần 400 tỷ USD. Nhiều khả năng, sắp tới hai bên sẽ ký các hợp đồng quan trọng nhất trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, cụ thể là bán các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tiêm kích Su-35S cho Trung Quốc.

Một ý kiến phổ biến là bất kỳ vũ khí trang bị nào bán sang Trung Quốc cũng đều bị sao chép, làm nhái nhanh chóng, đe dọa an ninh của Nga trong tương lai, đồng thời gây tổn hại cho các nhà sản xuất vũ khí Nga vì các vũ khí hàng giả của Trung Quốc sẽ có giá rẻ hơn nhiều trên thị trường vũ khí quốc tế.

Su-35S của Nga sản xuất.

Thoạt nhìn thì tình hình có vẻ đúng như thế thật, nhất là khi xét đến thực tế là phần lớn vũ khí trang bị của Trung Quốc là các loại sao chép làm nhái các mẫu vũ khí Liên Xô và Mỹ. Nhưng liệu các sản phẩm tinh vi như hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tiêm kích Su-35S có thực sự có thể bị sao chép trong một quãng thời gian chấp nhận được hay không? Để trả lời câu hỏi này, cần chú ý đến lịch sử hợp tác kỹ thuật-quân sự Trung-Nga.

Một trong những hợp đồng quân sự lớn nhất giữa hai nước là Nga bán các hệ thống tên lửa phòng không S-300. Nga bắt đầu chuyển giao cho Trung Quốc loại vũ khí này vào năm 1993 và đến nay, Trung Quốc đã có ít nhất 24 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300 thuộc các biến thể PMU, PMU-1 và PMU-2.

Theo các nguồn tin Trung Quốc, con số này đã đạt đến 40 tiểu đoàn, gồm 32 bệ phóng S-300PMU, 64 bệ phóng S-300PMU1 và 64 bệ phóng S-300PMU2. Để hình dung những khả năng của một hệ thống phòng không quy mô lớn như thế, cần lưu ý đến các tính năng chiến-kỹ thuật của chúng - ví dụ của biến thể tối tân nhất là S-300PMU-2. Hệ thống này có tầm phát hiện tối đa 300 km, tầm bắn tối đa đối với mục tiêu máy bay là 200 km, đối với tên lửa đường đạn là 40 km. Một tiểu đoàn (6-12 bệ phóng) có thể đồng thời bám đến 100 mục tiêu và bắn 36 trong số đó.

Cần lưu ý rằng, Trung Quốc quả thực đã và đang rất nỗ lực sao chép hệ thống tên lửa phòng không này, và thậm chí đã đạt được thành công nhất định khi chế tạo được hệ thống tên lửa phòng không “nội địa” HQ-9. bề ngoài, nó gần như giống S-300, các tính năng công bố hơi kém hơn S-300PMU-2, nhưng cũng khá tương đồng - tầm bắn tối đa là 200 km, nhưng chỉ có thể bắn cùng lúc 6 mục tiêu, nhược điểm nghiêm trọng nhất là độ cao tiêu diệt mục tiêu tối thiểu là 500 m (ở S-300PMU-2 là 10 m). Tuy vậy, các tính năng đó khiến người ta rất ngờ vực - nếu như các tính năng đó quả thực là thật thì với giá không đắt, HQ-9 đã phải có mặt trong trang bị của nhiều nước trên thế giới.

Hiện thời, thành công cục bộ duy nhất trên thị trường vũ khí là trong cuộc đấu thầu mua tên lửa phòng không tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó HQ-9 đã vượt qua các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ, Nga và châu Âu. Song việc trì hoãn vô tận đưa ra quyết định cuối cùng của cuộc đấu thấu khiến người ta ngờ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản là đang tìm cách chơi trò nhằm phá giá của hệ thống Patriot của Mỹ.

Cũng cần nhớ rằng, từ năm 1993 đến nay đã 21 năm trôi qua - trong khoảng thời gian này, S-300 đã kịp trở nên lạc hậu, còn số tiền kiếm được trong thập niên 1990 đã được đầu tư để phát triển hệ thống S-400 hiện đại, thêm vào đó, có thể nói, khoản tiền đó đã cứu sống tập đoàn Almaz-Antei khỏi bị phá sản và tan vỡ vì thiếu đơn đặt hàng của nhà nước.

Do đó, có thể tự tin nói rằng, thương vụ bán S-300 cho Trung Quốc là thành công - hệ thống này chỉ bị sao chép sau hai thập kỷ sau lần giao hàng đầu tiên (nhưng vẫn còn đầy nhược điểm), khi nó đã lạc hậu, còn Nga đã có các hệ thống hoàn thiện hơn.

Giờ chúng ta chuyển sang ví dụ thứ hai - đó là với các tiêm kích Su-27/Su-30. Các đợt giao hàng đầu tiên loại máy bay khi đó rất hiện đại này bắt đầu vào năm 1991 - Nga chuyển sang Trung Quốc 24 tiêm kích theo hợp đồng hàng đổi hàng lấy thực phẩm và hàng tiêu dùng. Năm 1996, Nga đã ký hợp đồng bán cho Trung Quốc 200 Su-27, việc lắp ráp tiến hành ở Trung Quốc.

Nga đã kịp cung cấp gần 100 máy bay, sau đó Trung Quốc dừng mua vì nghĩ rằng, biến thể Su-27 bán cho họ không còn thỏa mãn họ nữa (ngoài ra, có lẽ họ nghĩ rằng, họ sẽ tự sản xuất được chúng). Trê cơ sở Su-27SK, người Trung Quốc đã chế tạo mẫu nội địa là J-11B trang bị thiết bị điện tử hàng không của Trung Quốc.

Ban đầu, họ đã định trang bị cho J-11B loại động cơ nội địa WS-10A Taihang, nhưng đến nay động cơ này vẫn không ra hồn và vẫn có độ tin cậy cực thấp và tuổi thọ cực ngắn so với động cơ AL-31F của Nga. Do đó, Trung Quốc đành phải sản xuất J-11B, nhưng lắp cho chúng động cơ mua từ Nga.

Ngoài ra, từ năm 2000-2004, quân đội Trung Quốc đã nhận được 73 Su-30MKK và 24 Su-30MK2 - đây là các biến thể hai chỗ ngồi của Su-27, có khả năng tác chiến chống mục tiêu mặt đất cao hơn. Trung Quốc cũng đã làm nhái máy bay này và cho ra đời J-16 với cùng những nhược điểm như J-11B. Trong khi đó, cả J-11B lẫn J-16 đều không được sản xuất số lượng lớn và trụ cột của không quân tiêm kích Trung Quốc vẫn là các máy bay Nga và các biến thể của chúng.

Qua đó, có thể thấy, với việc Trung Quốc sao chép các máy bay tiêm kích, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn với các hệ thống tên lửa phòng không vì đã 23 năm trôi qua mà Trung Quốc đã và vẫn chưa có các động cơ máy bay khả dĩ.

Còn giờ, chúng ta trở lại với các hợp đồng dự kiến bán S-400 và Su-35S.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện tại là hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới. Hiện tại, S-400 có tầm bắn tối đa 250 km, nhưng sắp tới, Nga sẽ đưa vào trang bị tên lửa 40N6Е có tầm bắn đến 400 km và độ cao diệt mục tiêu 185 km. Hệ thống có khả năng phòng thủ tên lửa mạnh. Nga sẽ bắt đầu bán S-400 ra thị trường thế giới sớm nhất là từ năm 2016, hiện thời S-400 đang được trang bị với cường độ cao cho quân đội Nga.

Trên cơ sở kinh nghiệm bán S-300, có thể kết luận rằng, để sao chép được S-400 tinh vi hơn nhiều, Trung Quốc sẽ mất ít nhất một khoảng thời gian như thế, tức là 20 năm. Mà trong thời gian đó, Nga sẽ có nhiều thời gian để trang bị hệ thống tiên tiến hơn nữa là S-500, có khả năng chặn đánh tên lửa ở không gian vũ trụ gần (tên lửa chống tên lửa của S-500 đã được thử nghiệm thành công trong năm 2014).

Tình hình cũng tương tự với tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S. Nếu như Trung Quốc đã sao chép khá tốt về mặt thiết bị điện tử và khung thân máy bay, thì khó khăn với động cơ vẫn còn đó. Mà việc sao chép động cơ AL-41F1S có hệ thống thay đổi vector lực kéo toàn phương độc đáo và duy nhất trên thế giới có thể hoàn toàn là nhiệm vụ bất khả thi. Hơn nữa, trong khi quân đội Trung Quốc hì hụi làm việc sao chép công nghệ lạc hậu của tiêm kích thế hệ 4++, Nga chỉ vài năm nữa sẽ bắt đầu nhận vào trang bị các máy bay thế hệ 5 PAK FA của Viện thiết kế Sukhoi.

Từ tất cả những điều nêu trên, có thể rút ra những kết luận sau đây:

1) Các công nghệ hiện đại không thể sao chép ngay được mà cần nhiều năm làm việc.

2) Kẻ đi sao chép luôn tụt hậu.

3) Hàng nhái thường kém hàng thứ thiệt.

Do đó, những sợ hãi liên quan đến các hợp đồng tương lai là không có căn cứ nặng ký. Nếu như Trung Quốc thực sự muốn trở thành đối thủ của Mỹ và Nga trên thị trường vũ khí thế giới thì họ phải bắt đầu phát triển các dự án của riêng mình như Liên Xô từng làm khi sử dụng các công nghệ của Mỹ và Đức trong lĩnh vực chế tạo máy bay và tên lửa trong những năm sau chiến tranh làm cú hích phát triển công nghiệp quốc phòng của mình.

Còn hiện thời, bán vũ khí cho Trung Quốc chỉ là cách kiếm tiền tốt để chế tạo các loại vũ khí mới cho quân đội Nga.

Theo Vietnamdefence/Regnum

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/con-khuya-trung-quoc-moi-sao-chep-duoc-s400-su35s-cua-nga-post146682.info