Còn một cơn bão khác khốc liệt hơn Doksuri?

Bão tan rồi, nhưng dư âm của nó là một cơn bão mới dập tắt hết dòng chảy yêu thương nhân ái luôn cuộn trào trong dòng máu người Việt?

Đúng như cơ quan khí tượng đánh giá, Doksuri là cơn bão quá mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất từ năm 2014 tới nay. Sáu tiếng đổ bộ vào các tỉnh bắc miền Trung, bão Doksuri làm tám người chết, thiệt hại về tài sản hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Trong khốn cùng bão lũ, người dân khắp nơi hướng về tâm bão với những nguyện cầu tha thiết. Vâng, là chân thật, là yêu thương san sẻ, là thấu cảm nỗi mất mát khôn cùng.

Nối dài những bài báo là trăm lượt bình luận đầy lo lắng, trăn trở, hô hào chung tay giúp sức. Sinh viên quyết tâm lên đường tình nguyện nhưng dần rã đám. Một số độc giả bỗng hỏi vu vơ: Tin nhắn mình ủng hộ liệu có được trích cho bà con không nhỉ? Người showbiz đâu rồi sao dạo này ít làm từ thiện như trước? Một số bỗng dỗi chính quyền: Công tác chuẩn bị kém quá mà, biết là rốn bão lũ, năm nào cũng đến mà "tiếp đón" sơ sài quá!. Chúng tôi là những người mài mông 8 giờ ở cơ quan, cùng hẹn nhau trích 1 ngày lương ủng hộ  - nhưng cả hết đều có chung 1 câu hỏi: Liệu có tới tay người nhận không? Một sự hoài nghi bắt đầu nhen nhóm!

Khách quan mà nói, bão năm nay tàn phá nặng nề là vậy nhưng mức độ quan tâm về "nhân vật" bão càng mạnh mẽ bao nhiêu thì độ sẻ chia, tương trợ bỗng yếu ớt bấy nhiêu. Yếu ớt đến kinh ngạc. Điều đó khiến tôi tự hỏi, có phải con người đang dần vô cảm? Trong cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân viết: “Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin". Một niềm tin dù chỉ là yêu đương hay tình bè bạn đều đã luôn đòi hỏi phải có chọn lọc, đào thải, huống hồ là niềm tin dành cho hàng vạn con người khác nữa. Đặc biệt là những con người chưa bao giờ có cơ hội tìm hiểu nhau.

Tôi nhớ rõ năm ngoái, cũng vào dịp sau lũ, Tạ Bích Loan "chất vấn" MC Phan Anh rằng: "động cơ từ thiện" của anh là gì sau khi anh quyết định kêu gọi chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung vượt lũ. Người ta "ném đá" nhà báo họ Tạ rằng vì sao có thể hỏi vô cảm như thế.

Nhưng, ở một góc nhìn khác, xét cho cùng chị cũng có quyền hoài nghi dù cả chị và hàng triệu người đều mục sở thị việc Phan Anh làm. Tôi càng không biết Phan Anh đúng hay sai nhưng anh ấy đã thành công khi kêu gọi được những người cùng chí hướng. Đó là anh đã tạo dựng được niềm tin, thứ mà  với thời đại bây giờ để có được thật xa xỉ.

Những hình ảnh này ai không xót đau? Nhưng mạnh thường quân đã không tin thứ họ giúp sẽ đến tay nhân vật chính. 

Tôi chỉ buồn vì năm nay, những người có sức ảnh hưởng như Phan Anh cũng đã không còn mặn mà với tang thương như năm cũ. Tất cả họ đều cảm thấy không còn muốn dây vào vì sợ tai tiếng, sợ hỏi "động cơ từ thiện" là gì?

Rồi cũng từ giới showbiz, Duy Mạnh viết: “Bão số 10 là một cơn bão rất to sẽ tiến vào miền Trung. Rồi sau cơn bão sẽ xuất hiện, rất nhiều nhà từ thiện đứng lên hô hào quyên góp tiền, ủng hộ đồng bào miền Trung! Rồi sau đó đồng bào miền Trung mỗi hộ được phát vài thùng mì gói để tạm qua cơn đói. Còn những nhà hô hào quyên góp thì sau đó sắm xe đẹp, xây nhà to!”.

Chúng tôi rõ ràng không thể nói Duy Mạnh phản ánh sai. Là bởi hàng tỷ đồng quyên góp đã bốc hơi theo từng cơn gió bão. Những thứ đập vào nhãn quan hiện hữu vẫn là hình ảnh nhân vật chính bơ phờ ngồi trên nóc mái tranh trôi lềnh bềnh giữa dòng nước xiết, dăm gói áo quần ẩm mốc phân phát chẳng ướm nổi mình người, mì tôm, xúc xích hết hạn sử dụng từ lâu vẫn phải cho vào bụng vì đói... Trong khi đó, những nhân vật phụ râu ria bỗng dưng trở nên sung sướng và no đủ hơn bao giờ hết. Y như Nam Cao viết: "Hạnh phúc là 1 cái chăn hẹp, người này co thì người kia bị hở".

Rõ ràng Duy Mạnh đang nói hộ nhiều người về tính chân thực trong bức tranh bão lũ nhiều năm qua. Chân thực, phải nói là cực kỳ chân thực. Ai cũng hiểu tiền từ thiện là 1 con số không thể minh bạch toàn phần bởi nó phải đi qua nhiều công đoạn, nhiều tổ chức, cá nhân...rồi mới đến tận tay người cần nó nhất. Con đường đi của nó cũng "thiên biến vạn hóa" lắm, từ 1 gã khổng lồ, suốt hành trình bỗng trở thành 1 gã tí hon.  Đã vậy, tiền lại không có mắt, không nói được... Người ta biết lấy gì làm tin cho nhau?

Báo cáo láo và giọt nước tràn ly

Trước bão, lòng tin đã cạn rốc, sau bão còn tệ hơn khi mà những báo cáo nghiệm thu thiệt hại thêm một lần nữa khiến lòng tin đặt dấu chấm hết. Những số liệu khập khiễng, trồi sụt vô căn cứ, điển hình như báo cáo nhanh số 136 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo ghi nhận tính đến chiều 16/9, bão Doksuri khiến địa phương này có hai người chết, hơn 400 ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng, hơn 1.800 ha lúa bị ngập, hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…; ước tính tổng thiệt hại 1.000 tỷ đồng.

Sau đó đến ngày 21/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Nguyễn Đình Tuy báo cáo lại và con số bỗng dưng tụt xuống còn 640 tỷ đồng, thấp hơn 297 tỷ đồng so với trước. Những con số thật diệu kỳ, nhảy múa biến đổi như thế cùng lời phân trần hết sức "ngây thơ": "Dù báo cáo sai hay đúng thì cũng có được gì đâu, có được thì được cho dân thôi”.

"Được cho dân thôi" thi dân được gì với cảnh hiện thực này? 

Nghe Phó chủ tịch diễn giải phân bua cứ như đang kể chuyện hài quá thể. Tư duy quan liêu, vẽ vời số liệu và bệnh thành tích đã ăn sâu vào lối sống. Một báo cáo thiệt hại tàn khốc của thiên tai địch họa mà cán bộ ngồi nơi ấm êm, "nắng không tới mặt, mưa không tới đầu" chỉ nghe ngóng và ghi chép, kê khai thì thử hỏi bao nhiêu % là thật? Thử hỏi còn bao nhiêu người mặn mà với nỗi thống khổ có thật. Số liệu ảo đó nhưng nỗi đau là có thật và đang tồn tại dai dẳng.

Nghiệm lại  câu phân trần "có được gì đâu" bỗng thấy sao mà xót thương dân mình quá. Lúc này nên hỏi câu động cơ thống kê của xã là gì mới đúng chứ. Chẳng phải thiệt hại càng nhiều thì hỗ trợ ngân sách cho thiên tai càng lớn ư? Có điều ngân sách ấy đến được tay dân được bao nhiêu không khi mà lãnh đạo vô cảm thế này? Để ý mà xem, sau mỗi cơn bão, mỗi đợt lũ đi qua y như rằng địa phương nào cũng chuẩn bị một số liệu ước tính thật cao, thật khủng khiếp để kêu gọi giúp đỡ.

Ngân sách bốn phương rót về lũ lượt, quỹ phòng chống lụt bão trung ương cũng rót về lũ lượt. Chỉ có điều sau cơn bão, lũ, tuyệt nhiên không thấy một con số thực tính nào cả hoặc ít khi được công khai. Người dân vẫn quần thảo trong lũ hoặc sống tạm bợ, cơ hàn. Đã vậy, chi phí phòng chống lụt bão và những công tác ứng phó bão, lụt hô hào ra rả từ năm này qua năm khác lại tiếp tục được vẽ hươu vẽ vượn cho có lệ mà không bao giờ được thực thi cho ra hồn.

Bão tan rồi, nhưng dư âm của nó là một cơn bão mới dập tắt hết dòng chảy yêu thương nhân ái luôn cuộn chảy trong dòng máu người Việt. Đó là 1 cơn bão lớn gom tụ nỗi thất vọng và sự giận dữ trước nhiều dối gian và bất nhẫn đã kịp phơi bày.

Tấn Cường

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/con-mot-con-bao-khac-khoc-liet-hon-doksuri-c8a573304.html