Còn nạn mua bán, đừng mong tinh giản được biên chế!

Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức hành chính bộ máy Nhà nước giai đoạn 2011-2016 vừa đưa ra một dự thảo báo cáo, khiến cả xã hội xôn xao.

Theo đó, đến cuối năm 2016, số công chức vượt biên chế tại các tổng cục thuộc 7 bộ là 3.137 người. Tại các vụ, cục thuộc 14 bộ là 1.234 người. Thống kê tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc TW, số công chức vượt biên chế tại các đơn vị hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố là 6.376 người. Thống kê tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc TW cho thấy, số người vượt biên chế của các huyện, quận là 4.463 người. Khối đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương cũng vượt biên chế tới 5.401 người. Ngoài ra, số người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, tổ dân phố, hưởng phụ cấp... cũng vượt 130.000 người. Đó chỉ là thống kê tại một nửa số tỉnh, thành phố trực thuộc TW trên cả nước. Nếu thống kê đủ, thì con số còn lớn hơn nhiều. Tóm lại, sau nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ về tinh giản biên chế, lúc đầu là giảm về số lượng tuyệt đối, rồi sau phấn đấu giảm bằng cách... không tăng. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn bất lực, vì số biên chế càng ngày càng tăng, bộ máy hành chính càng ngày càng phình to.

Người đứng đầu các bộ, các tỉnh, các tổng cục có biết, có hiểu rõ các Nghị định của Chính phủ về tinh giản biên chế không? Có, chắc chắn có. Nhưng qua những con số trên, có thể thấy dường như họ đang tìm mọi cách để đối phó với chủ trương đó của Chính phủ, và tìm mọi cách lách quy định để tăng biên chế. Vì sao như vậy?

Điều đó thì ai cũng biết, rằng tăng biên chế, tức là tăng tiền túi của họ. Mỗi suất biên chế, hay mỗi chức vụ, đều phải mua bằng bao nhiêu tiền đó. Thế nên mới có chuyện một ông thủ trưởng sắp về hưu, chỉ trong mấy tháng đã ký đề bạt đến năm, sáu chục người vào các chức vụ cục trưởng, vụ trưởng... với mục đích làm một “chuyến tàu vét”.

Mỗi ông phó mua được chức trưởng, là kèm theo một dây chuyền mua bán, một ông chuyên viên mua chức phó vừa khuyết, rồi một ông bên ngoài mua chân chuyên viên vừa khuyết. Nguồn thì không thiếu. Gần 300 ngàn ông cử bà cử đang thất nghiệp do thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, không sao kiếm nổi một chỗ làm trong các doanh nghiệp kia, người nào cũng sẵn lòng bỏ ra một vài trăm triệu, thậm chí hơn nữa, để mua một suất công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước.

Vậy nên mới có chuyện cục thuế một thành phố nọ chỉ tuyển có dăm bảy chỉ tiêu, mà người xếp hàng nộp hồ sơ dài đến hơn 2 cây số. Người nhiều, chỉ tiêu ít, nên sinh ra chuyện “đấu giá”. Ai đưa nhiều tiền, người đó được, bài thi chỉ là hình thức. Vì vậy chỉ cần tăng thêm một suất biên chế, là cái túi của họ căng thêm một nấc. Nếu không thế, thì chẳng ai dại gì mà đối phó với Chính phủ.

Không dẹp được cái nạn mua bán, đừng mong tinh giản được biên chế. Nhưng, bao giờ thì dẹp được?

VŨ HỮU SỰ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/con-nan-mua-ban-dung-mong-tinh-gian-duoc-bien-che-post200207.html