Con người đang tiến hóa tới đâu?

"Ngẫu nhiên và tất yếu" là tựa sách của nhà khoa học Jacques Monod mới được NXB Tri Thức ấn hành năm 2017, góp phần vén mở “bí mật của sự sống” qua những nghiên cứu về Thuyết sinh học phân tử được ông viết từ cách đây hơn 50 năm.

Monod mở rộng Thuyết tiến hóa đến mức xã hội, tư tưởng con người ảnh hưởng của “sơ đồ lý giải tiến hóa” từ thấp nhất đến cao nhất về xã hội con người, từ đó rút ra những kết luận ngoại suy về triết học và đạo lý. Trong ảnh: GS Hà Dương Tuấn. Ảnh: N.H.

Nhân chuyến về Việt Nam vào tháng 6.2017, dịch giả Hà Dương Tuấn đã trao đổi về cuốn sách này tại IDECAF Hà Nội ngày 6.6.2017 và TP.HCM vào ngày 18.6.2017.

Vì sao ông và ông Đặng Xuân Thảo dịch cuốn này?

Tôi say mê khoa học. Tôi đã về hưu nên dành thời gian 100% cho cuốn sách, còn Đặng Xuân Thảo hiện là giám đốc trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp vừa giảng dạy nữa. Thảo còn trẻ và giỏi, nhưng vì bận rộn nên chúng tôi làm việc bằng email. Tuy vậy, trong quá trình dịch cùng nhau, chúng tôi đã cãi nhau như mổ bò chứ không hề nể vì tuổi tác – đó là nguyên tắc tranh luận khoa học mà nhờ đó, chúng tôi đã có một bản thảo khá hài lòng cho cả hai.

Sinh học, mã di truyền và tính nền tảng của nó đối với việc xem nó như một luận giải về con người, ông có thể cho biết những suy nghĩ của riêng ông chung quanh vấn đề “ngẫu nhiên và tất yếu” dưới góc nhìn của một nhà toán học?

Cuốn sách của Monod là những vấn đề về khoa học luận và triết học, vì thế bạn cần có nền tảng để đọc tác phẩm này.

Monod mở rộng Thuyết tiến hóa đến mức xã hội, tư tưởng con người ảnh hưởng của “sơ đồ lý giải tiến hóa” từ thấp nhất đến cao nhất về xã hội con người, từ đó rút ra những kết luận ngoại suy về triết học và đạo lý.

Chúng ta giờ đây ai cũng biết sự vật sống ổn định trên thế giới này nhỏ nhất là phân tử, dưới phân tử các sự vật không thể ổn định mà phải kết hợp với nhau và nghiên cứu Sinh vật học phân tử là mức cuối cùng của nó.

Năm 1965, Monod đoạt giải Nobel cùng với ba cộng sự ở viện Pasteur về công trình nghiên cứu các sự tổng hợp gen, có chức năng di truyền nên cũng liên quan đến cuốn sách này. Cũng năm đó ông nghiên cứu về điều hòa của enzyme.

Di truyền có liên quan đến tiến hóa không?

Không chỉ đọc cuốn sách, bạn còn phải nhớ lại hoặc tìm hiểu thêm về Thuyết tiến hóa: bắt đầu thế kỷ 18 bằng công trình của nhà thực vật Carl von Linné (1707 – 1778) nghiên cứu sự phát triển của một mầm sống tách đôi từ đơn giản đến phức tạp để trở thành sự sống. Kế tiếp là người đầu tiên phát biểu về Thuyết tiến hóa là Louis Buffon (1707 – 1788). Sau đó là Baptiste Lamarck (1744 – 1829) giải thích sự tiến hóa là các cá thể sinh vật có một ý chí ở bên trong, tự mình thích nghi với hoàn cảnh để sống còn nên có khả năng và hình dạng để thay đổi, như con hươu cao cổ, nó là loài sống trong đồng cỏ, khi khí hậu thay đổi nó sống trong sa mạc thì nó phải ăn lá cây và cây càng cao nó càng vươn cổ lên và trở thành loài hươu cao cổ. Dù thuyết của ông hấp dẫn nhưng về sau người ta chứng minh là không đúng… như người ta cắt đuôi chuột cả mấy chục thế hệ nhưng những con chuột sinh ra nó vẫn có đuôi như cũ. Đúng hay sai phải thực nghiệm. Nhờ đó mới có kết luận: Những biến đổi hình dạng bề ngoài không được giữ lại trong di truyền.

Là một nhà khoa học thận trọng, Monod viết: “… Hiện nay người làm khoa học có vai trò suy tư về chức nghiệp của mình trong toàn thể nền văn hóa hiện đại; để không chỉ làm phong phú những hiểu biết chuyên môn quan trọng, mà còn làm phong phú những ý tưởng xuất phát từ chuyên ngành mà mình nghĩ rằng có ý nghĩa cho con người. Chính sự chất phác của cái nhìn mới đôi khi có thể chiếu rọi một ánh sáng mới vào những vấn đề cũ”.

Rồi tới Charles Darwin là người thích đi nghiên cứu thực địa rất rộng bằng cách lên các tàu thương mãi của nước Anh, đặc biệt là đi khảo sát những hòn đảo, vì ông có ý tưởng sinh vật sống ở những hòn đảo sẽ có tiến hóa khác với những loài khác. Công trình nguồn gốc các loài ông nghiên cứu các con chim trên đảo đã biến đổi và đưa đến giả thuyết về sự tiến hóa. Quần thể A, khi bành trướng và chiếm hữu một số thực địa khác nhau, nó sẽ biến thành quần thể B, C… và trong số những quần thể đó, quần thể nào phát triển tốt hơn sẽ bành trướng.

Một câu chuyện thú vị về thầy tu Gregor Mendel, phụ trách vườn của một tu viện, giữa năm 1856 và 1863, các thí nghiệm của ông về cây đậu đã đưa ra nhiều luật về di truyền, nhưng không công bố những công trình của mình. Sự thay đổi di truyển tác động nên những tinh chất rời rạc và độc lập với nhau. Một tinh chất như thế phải được chuyên chở trong một cái gì đó – mà sau này ta đã phát hiện ra gen. Sau đó 27 năm (1900) T.H. Morgan, nối tiếp Mendel, từ nghiên cứu về một con ong bay từ loài hoa hồng đỏ sang loài hoa hồng trắng làm giao phấn, sẽ có một loài hoa hồng ở giữa… trong phấn hoa ấy chuyên chở yếu tố di truyền, học giả này đặt tên yếu tố di truyền này là gen. Morgan đã chứng minh là thông tin di truyền nằm trong các tế bào nhiễm sắc thể từ những năm 1930.

20 năm sau Monod và đồng nghiệp nghiên cứu các vai trò của enzyme.

Ngẫu nhiên và tất yếu còn đề cập đến tiến hóa tư tưởng...?

Tác phẩm này là từ những khám phá mới nhất về Sinh học phân tử của ông và các cộng sự thừa kế trên nền tảng của những nhân vật trên. Ông dùng cái nhìn tiến hóa mở rộng xuống đến mức phân tử (thời hồng hoang, khi sấm sét nổ thì tự nhiên sẽ nảy ra các phân tử hữu cơ dưới một số trường hợp thành các tế bào). Ông mở rộng Thuyết tiến hóa đến mức xã hội, tư tưởng con người ảnh hưởng của “sơ đồ lý giải tiến hóa” từ thấp nhất đến cao nhất về xã hội con người, từ đó rút ra những kết luận ngoại suy về triết học và đạo lý.

Xin cảm ơn ông!

Theo Ngân Hà thực hiện (Thế Giới Tiếp Thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/con-nguoi-dang-tien-hoa-toi-dau-781483.html