Con người ngày càng dễ cáu giận và vô cảm

Khi niềm tin của con người không dễ xác lập, khi con người có những biểu hiện của sự an thân, thủ thân và thiếu những rung động đích thực, con người sẽ dễ dàng có những ứng xử sai lầm.

Tuần qua, báo chí cả nước “nóng” bởi ba sự kiện: Tai nạn giao thông ở Long An khiến ba người trong một gia đình của bác sĩ tử nạn vì chết ngạt chứ không phải do chấn thương khi không có người cầu cứu kịp thời.

chiếc cầu nơi cháu bé 10 tuổi té sông chết đuối ở Hà Tĩnh

Vụ thứ hai, mẹ treo cổ con trai 2 tuổi ở Thanh Hóa rồi tự sát. Trước đó những người hàng xóm thấy được bà mẹ có biểu hiện không ổn về tâm thần và cũng không có quan tâm, theo dõi để ứng cứu. Khi sự vụ bị phát hiện, mọi người “nhớ lại” và kể ra hàng loạt biểu hiện nguy cơ của người mẹ.

Vụ việc đình đám còn lại là em bé 10 tuổi đi học bị đói và té xuống sông chết đuối. Cái đói của em, ai cũng thấy từ thầy cô, hàng xóm thế nhưng cũng không ai quan tâm và để cái đói xảy ra với các em thường xuyên. Khi em chết thì mọi người mới gom góp gạo, tiền, thực phẩm và cả tiền bạc giúp đỡ cho gia đình em..

Giá như ai cũng như vợ chồng công nhân trẻ (chị Nhàn, anh Hưng), giải cứu cho bé Ngân bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành ở Bình Dương thì có phải khỏi có những câu “giá như”.

Hai vợ chồng chị này để ý không thấy bé Ngân sang chơi, hay nghe tiếng khóc trong phòng và phá cửa xông vào mới phát hiện ra bé Ngân bị bạo hành “tàn nhẫn”. Nếu không có sự để tâm của chị Nhàn về bé Ngân, không biết bé Ngân đã bị mẹ mình và cha dượng hành hạ đến mức nào.

Vợ chồng chị Nhàn, làm công nhân ở Bình Dương được chính quyền khen thưởng giải cứu cháu Ngân 4 tuổi bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành

Vì đâu xã hội chúng ta hiện nay hiếm có những sự quan tâm?

Theo các chuyên gia tâm lý học, lối sống đô thị khiến con người mệt mỏi với cơm, áo, gạo tiền họ cũng ít quan tâm đến mọi người xung quanh.

Ở nông thôn cũng thế, quá trình đô thị hóa cũng kiến tạo nên những cá thể ít quan tâm, chia sẻ với người thân và xóm làng. Phần lớn người quê ào ạt ra đô thị kiếm sống và hình thành những thói quen: “Kiếm miếng ăn cả ngày mệt mỏi rồi, chuyện ai mặc kệ!”…

Theo PGS TS Huỳnh Văn Sơn- Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam- thì giữa những thách thức của cuộc sống, những xung đột tức giận từ cuộc mưu sinh có thể làm cho người ta thiếu kiểm soát. Cái bẫy của sự giận dữ theo ngày tháng có thể làm cho người ta dần trở nên thiếu ý thức, thiếu cân nhắc và chuyện vô cảm bắt đầu xuất hiện…

Đặc biệt, sự vô cảm xuất phát từ những phản ứng tiêu cực sẽ dễ dẫn đến những hành vi thiếu nhân tính hay đó là sự chủ quan quá mức trong cuộc sống của con người…Điển hình là mẹ ruột bé Ngân đã bạo hành em nhẫn tâm.

Khi niềm tin của con người không dễ xác lập, khi con người có những biểu hiện của sự an thân, thủ thân và thiếu những rung động đích thực, con người sẽ dễ dàng có những ứng xử sai lầm. Điều này phản ánh một thái độ cá nhân, một hành vi ứng xử mang tính ích kỷ, thiếu sự định hướng cộng đồng…

Việc vô cảm có thể làm cho con người càng trở nên độc đoán, ích kỷ và thiếu hẳn sự cân bằng. Lúc đó, những giá trị nhân văn càng dễ bị lãng quên, con người có nguy cơ thiếu tính cộng đồng, thiếu lòng nhân ái…Các giải pháp giáo dục con người về tinh thần nhân văn, lòng nhân ái và những nguyên tắc ứng xử mang tính cộng đồng cần được tôn trọng và thực thi.

Đơn cử ngoài những chương trình giáo dục nhân cách cho trẻ ở nhà trường, những hoạt động vui chơi của đoàn thể, chính quyền địa phương giúp học sinh biết chia sẻ, quan tâm đến mọi người cần được để ý. Chính quyền địa phương, tổ trưởng dân phố cần có những buổi họp, sinh hoạt để nắm bắt, hỗ trợ giúp đỡ… hơn là những thông báo thu tiền, đóng góp công ích.

Quốc Việt

Nguồn Gia Đình VN: http://giadinhonline.vn/con-nguoi-ngay-cang-de-cau-gian-va-vo-cam-d28328.html