Còn nhiều điểm thiếu tính khả thi

Sáng 16-11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Tỷ lệ người đang hút thuốc lá, thuốc lào hiện nay (tính trên tổng dân số từ 15 tuổi trở lên) của nước ta là 23,8% tương đương 15,3 triệu người. Thuốc lá đứng hàng thứ hai trong bốn nguyên nhân gây tử vong cao hàng đầu ở Việt Nam, chỉ sau HIV.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, cao gần gấp bốn lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. Đứng trước những ảnh hưởng có hại đến kinh tế - xã hội của thuốc lá, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tuy nhiên bên cạnh đó còn nhiều ý kiến về tính khả thi của một số điều khoản trong dự luật.

Cấm “bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ mười tám tuổi” là không khả thi

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng quy định “cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ mười tám tuổi” là không khả thi, bởi “người bán thuốc lá chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không ai hỏi hay kiểm tra chứng minh nhân dân của người mua thuốc xem đủ mười tám tuổi hay chưa rồi mới bán”. Đồng quan điểm với đại biểu Thúy là các đại biểu: Nguyễn Hoàng Việt (Cà Mau), Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Trương Thị Yến Linh (Cà Mau).

Về quy định các điểm cấm hút thuốc lá, theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả trong khuôn viên tại những điểm như trong dự luật quy định (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em) có thể khó thực hiện vì những điểm trên khuôn viên rất rộng, khó kiểm soát và không có lực lượng để làm việc này. Ông Học đề xuất nên có phòng hút thuốc tại những điểm trên cho ai có nhu cầu hút thuốc thì vào đó. Cũng theo ông Học, quy định tại nhà hàng, sân bay, quán bar, vũ trường, khách sạn... phải có phòng hút thuốc, nếu không thì được hút ngoài trời là tạo kẽ hở cho vi phạm vì nhà hàng, quán bar có thể không có mái che.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thẳng thắn: “Trong trường hợp người đứng đầu hút thuốc, thì ai sẽ là người đề nghị dừng hút thuốc như ở điều 13? Một đứa trẻ không thể yêu cầu bố, cấp dưới không thể yêu cầu lãnh đạo. Ngay cả như các đại biểu Quốc hội ngồi đây, những người sẽ “bấm nút” thông qua dự luật này cũng có người hút thuốc. Luật có khả thi không khi có những cán bộ nhà nước đang ngồi trong phòng máy lạnh, đóng kín cửa hút thuốc lá?”. Chốt lại vấn đề, ông Cương mượn lời của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 27-10 “Người nhà nước thực hiện luật không nghiêm thì dân vi phạm luật là tất yếu”.

Dành 50% diện tích vỏ bao để in tác hại của thuốc lá

Rất nhiều đại biểu tán thành quy định “Bao bì của thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh. Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên tất cả các bao bì thuốc lá, bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn”.

Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) cho rằng hiện nay, diện tích in cảnh báo thuốc lá trên bao chỉ 10% và chỉ in bằng chữ, chưa có sức thuyết phục để giảm dần việc hút thuốc. Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) còn đề nghị đưa vào nội dung cảnh báo nguy cơ dẫn đến yếu sinh lý ở nam giới khi hút thuốc lá vì đối tượng hút thuốc lá chủ yếu là đàn ông. Điều này hết sức quan trọng về tâm lý và cả xã hội. Nó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và vấn đề phát triển nòi giống, đại biểu Thảo phân tích. Liên quan đến nội dung cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất cần in ảnh màu và dòng chữ cụ thể: “Thuốc lá có hại cho vợ, con và người thân của bạn” thì sẽ có tác dụng hơn.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm mục đích hạn chế hút thuốc lá và tiến tới bỏ hẳn thuốc lá nên nhà nước nên xem xét hạn chế nguồn sản xuất, trồng nguyên liệu thuốc lá, giảm nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá và tăng cường chống buôn, nhập lậu thuốc lá. Tuy nhiên do lượng thuốc lá nhập lậu vào nước ta rất lớn, trong đó có những loại có giá cao nên đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Vĩnh Long) đề nghị thay vì tiêu hủy nên tái xuất thuốc lá nhập lậu để tránh lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường và mang lại nguồn thu cho ngân sách.

Việc thành lập quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá - nâng cao sức khỏe cộng đồng mà dự luật đề cập cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía đại biểu. Đại biểu Trương Thị Thu Trang và nhiều đại biểu nhất trí có quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tuy nhiên cần quy định rõ về quỹ này và nên để Thủ tướng đứng đầu. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đồng tình lập quỹ nhưng chưa tán thành với tờ trình của Chính phủ vì “Bộ Tài chính nói mỗi năm cần hơn 400 tỷ đồng để phòng chống tác hại thuốc lá nhưng hiện nay Nhà nước chỉ dành mỗi năm 1 tỷ đồng để làm công việc này. Bỏ tiền ra ít như vậy chứng tỏ Chính phủ cũng chưa quyết tâm trong phòng chống tác hại thuốc lá”. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp), đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) và không ít đại biểu cho rằng không nên lập quỹ vì sẽ làm “phình” thêm bộ máy, tốn kém kinh phí và khó quản lý, minh bạch về tài chính.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=431996&mod=detnews&p=