Cơn sốt học kỹ năng công nghệ tại Trung Quốc

GD&TĐ - Với kỳ vọng con lớn lên có đủ kĩ năng cạnh tranh trong thị trường việc làm ngày càng khắc nghiệt, phụ huynh Trung Quốc đang đua nhau mạnh tay chi cho giáo dục STEM (các chữ cái đầu trong tiếng Anh của Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán). Thị trường giáo dục STEM được dự báo có thể đạt doanh số 15 tỉ USD vào năm 2020.

Đón đầu thị trường việc làm tương lai

3.000 USD cho một năm học phí, 350 USD cho một bộ lắp ghép robot Lego, và 7.300 USD để kiểm tra kiến thức học được trong một cuộc thi tại Mỹ - đó là những khoản chi ban đầu cho giáo dục STEM của Zhuo Yu dành cho cậu con trai 10 tuổi. Khái niệm STEM xuất phát từ Mỹ đang tạo nên cơn sốt tại Trung Quốc, nơi khoảng 10 triệu học sinh đang bị cuốn vào cơn lốc học STEM.

Con số trên được dự báo sẽ tăng lên thành 50 triệu vào năm 2020 khi mà phụ huynh tìm mọi cách trao cho con sự khởi đầu “hơn người” về lập trình máy tính và robotics - theo Công ty tư vấn JMD Education. Với dự báo đạt doanh số 15 tỉ USD, thị trường dạy STEM tại Trung Quốc đã thu hút các công ty lớn tham gia như Lego Group, Sony Corp…

“Tôi không đặt ra mức trần chi cho học STEM” - Zhuo, làm việc trong lĩnh vực Internet tại thành phố Hàng Châu, chia sẻ - “Tôi đầu tư nhiều cho giáo dục robotics của con bởi về lâu dài sẽ mang tới nhiều cơ hội khi bước qua tuổi 18”.

Con trai của Zhuo, Wang Yizhuo, sẽ gia nhập một trong những thị trường việc làm cạnh tranh nhất hành tinh sau khi tốt nghiệp đại học. Vào năm 2030, Trung Quốc được dự báo có khoảng 200 triệu cử nhân - nhiều hơn toàn bộ lực lượng lao động Mỹ. Vào thời điểm hiện tại, 40% học sinh THPT tại Trung Quốc đã có chứng chỉ STEM, so với chưa tới 20% tại Mỹ và Pháp.

Cuộc đầu tư tốn kém

Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân đang giúp lấp đầy khoảng trống trong giáo dục công lập. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tụt lại sau ít nhất 16 quốc gia tại châu Âu và Mỹ trong việc đưa lập trình và robotics vào chương trình giáo dục quốc gia.

Nora Yeung, người sáng lập Creative Coding (dạy lập trình) tại Hồng Kông, nhận định: Lập trình có thể trở thành một kĩ năng cơ bản được đòi hỏi trong tương lai. “Để tìm được việc làm trong tương lai, ứng viên cần có kĩ năng STEM giống như kĩ năng ngoại ngữ vậy. Chúng ta cần trang bị cho bọn trẻ từ bây giờ” - Yeung nói.

Thành phố Bắc Kinh đang thử nghiệm hỗ trợ kinh phí cho phụ huynh với mức khoảng 60 USD/1 trẻ/1 năm để học các chương trình nuôi dưỡng sự sáng tạo của trẻ. Số tiền này có thể chỉ mang ý nghĩa tượng trưng bởi học phí tại thủ đô Bắc Kinh có thể tốn 50 USD/giờ.

Học phí có thể tiếp tục tăng, nhìn trên xu hướng tại Singapore, nơi giá trị của giáo dục hướng tới STEM đã được công nhận trong nhiều năm. Quốc đảo Singapore xếp hạng nhất trong khảo sát học sinh quốc tế PISA 2015 mà kết quả mới được công bố gần đây. Khảo sát này đánh giá năng lực khoa học, đọc, toán và giải quyết vấn đề. Ana Ow cho biết cô chi khoảng 300 USD cho 5 tiết học robotics của con trai 8 tuổi, mức phí rẻ nhất có thể tìm thấy tại Singapore.

Nỗi lo tìm việc trong tương lai đã tạo nên nguồn cung học viên dồi dào cho ít nhất 500 cơ sở đào tạo hoặc khởi nghiệp tại Trung Quốc mở chương trình dạy ngoại khóa về lập trình, robotics và in 3D - theo Wen Jing, chuyên gia JMD Education, có trụ sở tại Bắc Kinh. Đây là ngành chịu rất ít sự quản lí và giám sát.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/con-sot-hoc-ky-nang-cong-nghe-tai-trung-quoc-2773858-b.html