Còn 'thả nổi' chất lượng nguồn dược liệu

Mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó 80% dược liệu là nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi đó mới có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ, đa số vận chuyển theo đường tiểu ngạch. Điều này cho thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến rất phức tạp, chưa được quản lý chặt chẽ, chất lượng còn bị “thả nổi”.

Sơ chế thuốc Đông y tại Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội

Chưa được quản lý chặt chẽ

PGS.TS Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: Từ tháng 3/2016 đến nay, Cục mới cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn. “Mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó 80% dược liệu là nhập khẩu. Trong khi đó mới có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ. Điều này cho thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến rất phức tạp.

Cũng theo ông Khánh, việc thông quan dược liệu qua cửa khẩu còn rất nhiều hạn chế, chẳng hạn như dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu trong khi đó quá trình kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường thì phần lớn dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam đa phần là dược liệu kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.

Theo đánh giá của Viện Dược liệu: Các vùng dược liệu trong nước còn mang tính manh mún, tự phát, chưa có sự tham gia của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, chưa áp dụng phương pháp khoa học, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp nhà khoa học, nông dân và Nhà nước nên chất lượng chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới sản xuất. Trong chăm sóc dược liệu người dân sử dụng rất nhiều phân hóa học và hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng dược liệu bị ảnh hưởng. Cụ thể như việc người dân dùng chì để đánh đen bóng tam thất, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Hay phương pháp sơ chế dược liệu bằng cách xông sinh đã bị cấm từ lâu do thiếu tính an toàn nhưng hàng năm ở các làng nghề Nghĩa Trai, Ninh Hiệp hay các vùng trồng dược liệu ở Hưng Yên, Bắc Giang rất nhiều dược liệu vẫn được sơ chế và bảo quản bằng phương pháp này…

Tại Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, trao đổi với PV, đại diện Bệnh viện này cho biết: Nguồn dược liệu của Bệnh viện sử dụng thông qua việc hợp đồng với đơn vị thầu. Theo nhu cầu của Bệnh viện, khi đơn vị thầu nhập nguyên liệu thuốc về, bệnh viện có hội đồng kiểm tra chất lượng chủ yếu bằng cảm quan mắt thường. Nếu cảm thấy đủ tiêu chuẩn thì bệnh viện sẽ nhập về để bào chế thuốc chữa bệnh.

Lại chờ Luật Dược 2017

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) quốc gia dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho biết: Mỗi năm, cả nước sử dụng hơn 60.000 tấn dược liệu. Trong đó nguồn cung trong nước chỉ chủ động khoảng 20% và có tới 80% nguồn dược liệu nhập “chui” qua đường tiểu ngạch. Số dược liệu nhập chui vào Việt Nam mỗi năm khoảng 40.000 tấn – 50.000 tấn. Do vậy, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, phân định trách nhiệm rõ ràng như biên phòng, công an, quản lý thị trường. Qua đó, quản lý từ khâu nhập khẩu đến lưu thông, tiêu thụ. Đặc biệt phải xem dược liệu kém chất lượng là hàng giả, xử lý như thuốc giả.

Để quản lý chất lượng nguồn dược liệu, bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng: Khi Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực vào ngày 01/01/2017, Luật Dược đã có những quy định nhằm chặn dược liệu kém chất lượng như: Khi lưu hành phải được đóng gói, trên bao bì ghi nơi sản xuất, chất lượng, số lô, ngày đóng gói; dược liệu phải bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mức tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, giới hạn kim loại nặng… không được vượt mức quy định. Do vậy thời gian tới, tình trạng dược liệu kém chất lượng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, cơ quan quản lý sẽ có căn cứ, thẩm quyền để kiểm tra, xử phạt các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, bà Phương cũng cho rằng, để thị trường dược liệu hoạt động lành mạnh, chất lượng dược liệu bảo đảm cần có sự thực hiện trách nhiệm và phối hợp của các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an…

Tuy nhiên, việc thẩm định chất lượng nguồn dược liệu rất đáng bàn bởi trong khi nhu cầu sử dụng dược liệu ở Việt Nam rất lớn thì cả nước lại chỉ có 2 cơ sở chuyên trách về kiểm nghiệm chất lượng là Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc quản lý chặt nguồn dược liệu, PGS.TS Phạm Vũ Khánh cho rằng: Cần phát triển nuôi trồng dược liệu trong nước để giảm thiểu việc nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, nên nhân rộng các mô hình nuôi trồng, sản xuất có hiệu quả; tăng cường hỗ trợ các cá nhân, tổ chức nuôi trồng dược liệu và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu. Đặc biệt, phát huy vai trò của UBND xã, phường trong giám sát, quản lý nguồn gốc dược liệu theo địa chỉ nuôi trồng.

Nguồn dược liệu là nguyên liệu bào chế thuốc chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc chữa bệnh. Do đó, cần thiết phải được quản lý chặt chẽ, kiểm nghiệm thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng thuốc, nâng cao chất lượng chữa bệnh cho người dân.

Phương Linh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/con-tha-noi-chat-luong-nguon-duoc-lieu/