Con thờ tự, cháu đích tôn: áp lực còn đến bao giờ?

SGTT.VN - Những ngày qua, sự việc một phụ nữ bắt cóc bé sơ sinh ở bệnh viện Phụ sản Trung ương đã làm dư luận xôn xao. Lên án hành vi tội ác thì đã đành, tuy nhiên, lẩn khuất giữa những lời khai nhận tội, người ta đọc thấy một câu chuyện khác, vừa thương vừa giận: gia đình chồng đã gây áp lực buộc cô phải sinh cháu đích tôn thì mới thừa nhận dâu con, đẩy cô đến suy nghĩ phải có một đứa trẻ bằng mọi giá.

“Mỗi lần nhìn thấy gương mặt mẹ chồng khi mở cửa, tôi như bị đông cứng lại, lạnh lẽo và hoang mang vô cùng. Đến khi nào tôi mới được mẹ ban cho một nụ cười đi đón con dâu trở về? Hay tôi chỉ cần là một cái máy biết đẻ con trai nối dõi, rồi tôi là ai, nào có quan trọng gì…” – đoạn trích từ blog của một người vợ trẻ gần 30 tuổi, sống tại quận 3, TP.HCM, cho thấy câu chuyện cháu đích tôn – con nối dõi vẫn là chuyện... dài kỳ.

Chị Nguyễn Thị Minh Anh, quận Bình Thạnh lấy chồng năm 25 tuổi. Trong ngày cưới, bố mẹ chồng chị nhắn nhủ trước quan khách: “Chồng con là con trai cả, nên mọi sự trông cậy vào con!” Vì áp lực này, vừa cưới xong thay vì đi tuần trăng mật, thì anh chị lại dắt nhau vào... phòng mạch bác sĩ để canh trứng sinh con trai. Chị Minh Anh kể: “Tuy là vợ chồng son, nhưng mỗi tháng chỉ “gặp” nhau đúng ngày rụng trứng, canh riết từ tháng này qua tháng nọ, phải ăn theo chế độ bác sĩ yêu cầu, bác sĩ “gật” thì mới được “hành sự”, thành thử căng thẳng kéo dài. Nhà chồng gọi điện thoại hỏi thăm, câu trước câu sau đã hỏi có bầu chưa? Riết rồi tôi nghe tiếng chuông điện thoại là sợ. Sau bốn năm, tôi chịu hết nổi nên tuyên bố không áp lực gì hết, để tự nhiên con gái hay trai gì cũng được. Sau đó, tôi mang bầu con gái. Cùng lúc, em dâu tôi sinh con trai. Trong mắt nhà chồng tôi, em dâu tôi là số một, còn tôi như người thừa trong nhà. Hai năm sau tôi bắt đầu chấp nhận thực tế, là sinh con nào cũng là con, không cần biết đó là trai hay gái, có lẽ nhờ thoải mái tư tưởng, tôi lại có bầu. Lần này, là con trai. Tôi trở thành “người quan trọng” trong gia đình nhà chồng, được săn đón yêu thương hết mực. Nhưng những ký ức buồn tủi ngày trước, tôi chưa bao giờ quên được”.

Anh Nguyễn Minh Ánh, 32 tuổi, không chỉ là con trai duy nhất trong nhà, mà còn là… trưởng họ. Anh chia sẻ: “Tôi lấy vợ năm 26 tuổi, cha tôi lúc đó đã 76 tuổi, nhưng sau 28 tháng tới lui và tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ dẫn của bác sĩ với rất nhiều thuốc (đông y, tây y) và rất nhiều thuật phong thủy, ai chỉ gì nghe có vẻ hay hay là vợ chồng đều áp dụng. Nhiều khi nghĩ hai vợ chồng chẳng có gì để nói, ngoài chuyện con cái, quá áp lực. Bố mẹ tôi chưa bao giờ nói ra mong muốn có cháu đích tôn, ông bà thường nói “Cháu nào cũng là cháu” nhưng tôi biết, ông bà mong có cháu trai vô cùng, vì bố mẹ tôi sinh một mạch bốn chị gái mà vẫn cố đứa thứ năm là tôi, do đó, tôi cảm thấy áp lực của cả họ đè nặng lên tôi. Bố tôi nói rằng một tộc họ có con trai nối dõi là tộc họ có phúc. Vì thế, tôi luôn cho mình là kẻ “có tội” vì góp phần làm “mất phúc”. Khi vợ tôi sinh được cậu con trai, tôi đã gợi ý ông nội đặt tên cháu đích tôn là Phúc. Nhưng tôi ước gì, tôi chưa bao giờ phải gánh những áp lực này. Giả sử, nếu vợ chồng tôi không sinh được con trai, chúng tôi sẽ sống thế nào với áp lực đó?”

Chung quy là “trọng nam khinh nữ”

PGS.TS Trần Hồng Liên, nguyên giám đốc trung tâm Nghiên cứu dân tộc và tôn giáo, viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ

Quan niệm về cháu đích tôn – con thừa tự của ông cha ta bắt đầu từ chế độ phụ quyền. Mọi trách nhiệm – quyền lợi kinh tế đưa về người con trai để kế thừa, trong đó có việc gìn giữ chăm sóc nhà từ đường, lo giỗ cúng. Theo thời gian, quan hệ dòng họ ngày nay đã trở nên khá lỏng lẻo, quan niệm con trai nối dõi – cháu đích tôn dần phai nhạt. Nhiều gia đình không còn quan niệm chia tài sản trai nhiều gái ít, mà chia đều như nhau, cả quyền lợi lẫn trách nhiệm. Cũng có những gia đình phân công con cái luân phiên tổ chức lễ giỗ, không nhất định phải thờ cúng tại từ đường hay do chính người con trai, người anh cả tổ chức.

Trong tương lai, sự phân bổ theo dạng này sẽ ngày càng phổ biến, nhà từ đường chung đang bị thu hẹp, mỗi gia đình sẽ tự tổ chức lễ giỗ theo điều kiện của gia đình mình. Điều này, mặt hạn chế là sẽ làm cho giềng mối họ hàng, anh em, tổ tiên không còn chặt chẽ như trước, nhưng đây là quy luật tất yếu trong sự phát triển xã hội. Điều này cũng có mặt tốt, là để cho mọi người con trong gia đình đều bình đẳng như nhau, và giảm tải áp lực cho những người thuộc diện “con nối dõi – cháu đích tôn”, để họ được sống cuộc sống bình thường, thoải mái như họ muốn.

Nhiều bi kịch phát sinh từ quan niệm khắt khe này

Chuyên viên xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy

Tư duy có con trai – cháu trai nối dõi không còn phù hợp nữa. Tự làm khó cho con cái và cho chính mình, sẽ làm chất lượng cuộc sống giảm sút và mất đi. Đã là con, là cháu, chỉ cần con ngoan cháu giỏi, có ích cho gia đình và xã hội là đáng quý, trai hay gái chỉ là sự khác biệt giới tính, còn về ý nghĩa và giá trị con người đều như nhau. Các bạn trẻ cũng nên suy nghĩ tích cực, xác định làm sao để sinh con khỏe mạnh là tốt rồi.

Chuyện nối dõi, nam nữ khác gì nhau?

Anh Văn Đức Giao, cháu đích tôn, 32 tuổi, TP.HCM

Sinh con trai hay con gái? Ngay cả khi có sự can thiệp của y học cũng chỉ làm tăng thêm một số phần trăm không đáng kể thì làm sao chúng ta quyết định được. Tư duy này không phù hợp, nhưng xét dưới góc độ lịch sử, văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thì vấn đề “cháu đích tôn” sẽ còn tồn tại rất lâu dài. Điều này chỉ thay đổi khi tư duy của từng thế hệ thay đổi, vì xét cho cùng, con trai nối dõi hay con gái nối dõi cũng chỉ là chuyện thờ cúng tổ tiên. Có lòng thành và biết tôn trọng, thì nam hay nữ có khác gì nhau?

Quan niệm về cháu đích tôn – con thừa tự của ông cha ta bắt đầu từ chế độ phụ quyền. Mọi trách nhiệm – quyền lợi kinh tế đưa về người con trai để kế thừa, trong đó có việc gìn giữ chăm sóc nhà từ đường, lo giỗ cúng. Theo thời gian, quan hệ dòng họ ngày nay đã trở nên khá lỏng lẻo, quan niệm con trai nối dõi – cháu đích tôn dần phai nhạt. Nhiều gia đình không còn quan niệm chia tài sản trai nhiều gái ít, mà chia đều như nhau, cả quyền lợi lẫn trách nhiệm. Cũng có những gia đình phân công con cái luân phiên tổ chức lễ giỗ, không nhất định phải thờ cúng tại từ đường hay do chính người con trai, người anh cả tổ chức.

Trong tương lai, sự phân bổ theo dạng này sẽ ngày càng phổ biến, nhà từ đường chung đang bị thu hẹp, mỗi gia đình sẽ tự tổ chức lễ giỗ theo điều kiện của gia đình mình. Điều này, mặt hạn chế là sẽ làm cho giềng mối họ hàng, anh em, tổ tiên không còn chặt chẽ như trước, nhưng đây là quy luật tất yếu trong sự phát triển xã hội. Điều này cũng có mặt tốt, là để cho mọi người con trong gia đình đều bình đẳng như nhau, và giảm tải áp lực cho những người thuộc diện “con nối dõi – cháu đích tôn”, để họ được sống cuộc sống bình thường, thoải mái như họ muốn.

Tư duy có con trai – cháu trai nối dõi không còn phù hợp nữa. Tự làm khó cho con cái và cho chính mình, sẽ làm chất lượng cuộc sống giảm sút và mất đi. Đã là con, là cháu, chỉ cần con ngoan cháu giỏi, có ích cho gia đình và xã hội là đáng quý, trai hay gái chỉ là sự khác biệt giới tính, còn về ý nghĩa và giá trị con người đều như nhau. Các bạn trẻ cũng nên suy nghĩ tích cực, xác định làm sao để sinh con khỏe mạnh là tốt rồi.

Sinh con trai hay con gái? Ngay cả khi có sự can thiệp của y học cũng chỉ làm tăng thêm một số phần trăm không đáng kể thì làm sao chúng ta quyết định được. Tư duy này không phù hợp, nhưng xét dưới góc độ lịch sử, văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thì vấn đề “cháu đích tôn” sẽ còn tồn tại rất lâu dài. Điều này chỉ thay đổi khi tư duy của từng thế hệ thay đổi, vì xét cho cùng, con trai nối dõi hay con gái nối dõi cũng chỉ là chuyện thờ cúng tổ tiên. Có lòng thành và biết tôn trọng, thì nam hay nữ có khác gì nhau?

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/155701/con-tho-tu-chau-dich-ton-ap-luc-con-den-bao-gio.html