'Còn thương rau đắng mọc sau hè' được cấp phép phổ biến sau 43 năm

Nhạc phẩm của cố tác giả Bắc Sơn và chín ca khúc trước 1975 vừa được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho phép lưu hành.

Tượng sáp cố nhạc sĩ Bắc Sơn.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn (viết tắt: Cục NTBD) mới đây cấp phép 11 ca khúc. Trong đó có 10 ca khúc trước 1975 gồm: Còn thương rau đắng mọc sau hè (tác giả Bắc Sơn), Xa người mình yêu (Song Phượng), Những chuyến xe trong cuộc đời (Hoài Linh), Con đường mang tên em (Trúc Phương), Tình nghèo có nhau (Đài Phương Trang), Giã từ cố đô (Phạm Mạnh Cương), Tôi bước vào yêu (Trúc Bạch - Hoàng Sơn), Vỹ Dạ đò trăng (Canh Thân), Lại nhớ người yêu (Giao Tiên), Xa người mình yêu (Song Phượng).

Ngoài ra, bài Tìm em nơi đâu (Nguyễn Công Phương Nam - Trần Nguyễn Thiên Hương) cũng nằm trong danh sách lưu hành.

Người thân cố Nghệ sĩ Ưu tú Bắc Sơn bất ngờ khi hay tin sáng tác nổi tiếng của ông đến nay mới được cho phép lưu hành. "Còn thương rau đắng mọc sau hè là ca khúc nổi tiếng của cha tôi, được công chúng đón nhận không chỉ trong và ngoài nước", nghệ sĩ Bích Thủy - con gái thứ chín của cố nhạc sĩ - chia sẻ.

Còn thương rau đắng mọc sau hè được Bắc Sơn sáng tác làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình Bếp lửa ấm năm 1974. Người trình bày bài hát đầu tiên là ca sĩ Hoàng Oanh. Sau này, Hương Lan ghi âm ca khúc ở Pháp, góp phần giúp nhạc phẩm trở nên nổi tiếng. Nhiều thế hệ ca sĩ trong và ngoài nước như Cẩm Ly, Tố Ny, Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi... thể hiện nhạc phẩm mộc mạc, đậm chất miền Tây Nam bộ.

Thời gian qua, nhiều mâu thuẫn trong quản lý, cấp phép lưu hành các ca khúc trước 1975 gây bàn tán. Ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau gần 50 năm mới được cấp phép gây bức xúc cho khán giả.

Cục NTBD đang chủ động rà soát các ca khúc trước 1975 sau các trục trặc về cấp phép, nhằm giúp nhiều tổ chức, cá nhân có thể sử dụng các bài hát đạt chất lượng nghệ thuật, đồng thời thống nhất ở công tác quản lý.

Trước đó, ông Lê Minh Tuấn - Phó cục trưởng Cục NTBD - cho biết một số bài hát chưa được cấp phép nhưng vẫn xuất hiện rộng rãi ở các chương trình do được Hội đồng nghệ thuật đánh giá có chất lượng tốt. "Theo phân cấp quản lý, Cục NTBD cũng như các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch toàn quốc vẫn thực hiện cấp phép trong một số chương trình nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân", ông Tuấn nói.

Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật là Trương Văn Khuê, sinh năm 1932 tại Phước Lộc, Long Thành, Đồng Nai. Ông mất năm 2005. Ông đã viết khoảng 500 ca khúc nhạc nhẹ, âm hưởng dân ca và 100 vở kịch nói. Ông ghi dấu với những bài hát như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Sa mưa giông, Em đi trên cỏ non, Tháng mấy anh về, Gió đưa bông sậy, Còn thương góc bếp chái hè, Con sáo sậu...

Ngoài sáng tác, Bắc Sơn còn tham gia diễn xuất. Ông góp mặt trong khoảng 60 bộphim. Một số vai của ông được khán giả yêu mến như Sĩ (phim Xa và gần), Năm Ngưu (phim Vùng gió xoáy), Hai Bạc Liêu (phim Người tìm vàng), ông Tư (phim Con chó nghèo)... Ông đoạt giải "Diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ chín với vai Năm Ngưu. Ông còn là tác giả của khoảng 80 kịch bản phim.

Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/con-thuong-rau-dang-moc-sau-he-duoc-cap-phep-pho-bien-sau-43-nam-1150013.tpo