Con vừa lọt lòng, chồng quả quyết phán: "Anh sẽ không bao giờ cho em đẻ nữa!"

Được sát cánh cùng vợ trong suốt hành trình đau đẻ đón con chào đời, chồng chị Lan (TP.HCM) mới thực sự hiểu được cơn đau kinh hoàng mà vợ phải trải qua.

Chia sẻ cảm xúc trên facebook cá nhân sau lần sinh con thứ 2, bài viết của chị Lan Tran (sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) ngay lập tức nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng. Những chia sẻ tuy ngắn gọn nhưng lại khiến chị em bỉm sữa tâm đắc và vô cùng ngưỡng mộ, đồng thời cũng giúp các anh chồng hiểu hơn về những đau đớn, vất vả khi người phụ nữ phải trải qua lúc vượt cạn, sinh con.

Được sát cánh cùng vợ trong suốt hành trình đau đẻ đón con chào đời, chồng chị Lan mới thực sự hiểu được cơn đau kinh hoàng mà vợ phải trải qua.

Những dòng chia sẻ này hiện đã nhận được gần 10 nghìn lượt "like", 3 nghìn lượt chia sẻ và rất nhiều bình luận của chị em bỉm sữa.

"Đây là lần vượt cạn thứ 2 của em nhưng cùng với anh thì đây là lần đầu và chắc cũng là lần cuối cùng vì anh bảo: "Anh sẽ không bao giờ cho em đẻ nữa, anh đau không thể nào tả được khi nhìn thấy em đau mà không thể chịu thay em, "tập 1" mình không ở bên nhau nên anh không biết em phải mệt mỏi thế nào khi vượt cạn, không thấy được cơn đau kinh hoàng mà em phải trải qua để sinh con cho anh. Nhưng lần này cùng em đi hết chặng đường anh thực sự không biết nói từ nào ngoài thương em hết. Em giỏi lắm, đứa này nữa thôi là quá đủ rồi..."

Lời anh vừa nói vừa khóc trong phòng sinh làm em nhớ mãi. Anh luôn nắm chặt tay em mỗi lần cơn đau xuất hiện, mỗi khi bác sĩ khám anh nghe tiếng em la là anh quắn quíu hết cả người, rồi khi em quằn quại trong cơn đau để đưa con ra ngoài, anh chứng kiến tất cả anh vừa khóc vừa bảo em cố lên, anh bảo anh tưởng em xỉu lúc rặn rồi, xung quanh em toàn máu, anh sợ lắm.

Sau khi sinh xong anh là người chăm em 24/24. Anh đi lấy từng miếng băng, từng miếng giảm đau lót vào, anh lau từng vết máu, anh mặc luôn cả quần lót cho em. Rồi anh đi hâm sữa cho con, thay tã khi con ị, con khóc anh bồng dỗ dành dù trước đó bồng con anh cũng không dám vì thấy bé nhỏ xíu anh sợ làm đau con. Em bảo em làm được, anh nghỉ ngơi đi nhưng anh bảo đây là những việc nhỏ nhặt mà anh có thể làm được.

Trải qua tất cả, em cảm thấy mình thật hạnh phúc và quá may mắn khi được làm vợ của anh."

Bà mẹ trẻ đã có ca sinh khá nhanh nhưng cũng không khỏi ám ảnh vì những cơn đau đến quá nhanh và dồn dập.

Liên hệ với chị Trần Lan, chị cho biết chị mới sinh con thứ 2 được 3 ngày. Con gái của chị chào đời bằng phương pháp đẻ thường tại một bệnh viện quốc tế ở Nha Trang. Nói về ca sinh, chị Lan cho biết chị có dấu hiệu chuyển dạ lúc 16 giờ chiều nhưng chỉ là những cơn đau nhẹ, vẫn sinh hoạt được bình thường. Cho đến khoảng 00 giờ 30 thì những cơn đau trở nên dồi dập và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đến 2 giờ sáng là con gái chị đã chào đời.

"Có thể do từ lúc 12 giờ 30 đến 2 giờ sáng, những cơn đau đẻ nhanh và dồi dập quá khiến bây giờ mình vẫn còn cảm thấy ám ảnh.", chị Lan nói. Dù vậy ca sinh của chị vẫn được các bác sĩ đánh giá là nhanh hơn bình thường.

Nói về bí quyết giúp chuyển dạ nhanh, chị Lan chia sẻ: "Có lẽ là do mình chăm chỉ đi bộ và uống nước lá tía tô. Thời gian đầu mang bầu, vì mình làm kinh doanh nên vẫn đi đánh hàng bình thường. Cho đến tháng thứ 7 mình mới nghỉ ở nhà. Vào tháng cuối thai kỳ, dù bụng bầu lớn khiến mình gặp khó khăn trong việc đi lại nhưng mình vẫn cố gắng đi bộ đều đặn mỗi ngày 20 phút."

Về kinh nghiệm uống nước lá tía tô, chị Lan cho biết: "Buổi sáng hôm đó khi đi siêu âm, mình được bác sĩ thông báo có cơn gò sinh. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho hay đây chỉ là dấu hiệu tiền sinh nên có thể kéo dài từ 1-5 ngày, nhanh cũng phải qua ngày hôm sau. Khi đó, mẹ mình đã mua 3 bó tía tô nấu đặc lại thành 2 lít. Mình uống liên tục và đến 2 giờ đêm là con ra đời."

Sau 1 ngày nằm viện, chị Lan và con gái đã được về nhà.

Bà mẹ 2 con cũng chia sẻ thêm về hành trình đi đẻ nhanh mà không mất sức của mình: "Lúc bắt đầu có cơn đau 10-15 phút một 1 lần thì mình chưa nhập viện, vẫn nằm ở nhà uống tía tô và ăn nhẹ. Mình theo dõi cơn đau đến khi 10 phút đau 2 lần mỗi lần 15-20 giây thì mình nhập viện.

Ban đầu bác sĩ sẽ đo monitor điện tim của em bé (sáng hôm đó mình đã siêu âm và làm các xét nghiệm trước đó rồi nên nhập viện không cần kiểm tra ), lúc ấy mình mở được 2cm (12 giờ30). Khi cơn đau diễn ra 10 phút 3 lần và kéo dài 30 giây thì mình bắt đầu hít sâu thở mạnh nếu không em bé sẽ không thở được và cách thở này sẽ làm dịu cơn đau hơn.

Sau đó bác sĩ sẽ chọc ối để bắt đầu cơn đau tới nhanh và mở nhanh hơn. Mình nghĩ giai đoạn này rất cần chồng bên cạnh vì cơn đau tới rất nhanh và đau liên tục, nó có thể làm mình khát nước nhưng chỉ nên nhấp môi thôi, không nên uống nhiều. Sau đó đến tần 1 giờ 30 mình đau lắm nên có yêu cầu tiên đẻ không đau, lúc này cổ tử cung mở được 5cm, vừa truyền nước chuẩn bị tiêm thì khi đó cơn rặn tới mình đã mở 7cm. Lúc đó là 1h40, mình không cần gây tê nữa, 5 phút sau cổ tử cung đã mở 10cm và mình chỉ có việc rặn để đưa bé ra.

Để có cơn rặn dài chị em nên bậm môi thật chặt, hít 1 hơi thật sâu và khi có cơn rặn giữ hơi thật dài rồi đẩy hơi từ từ ra, không nên thở tới tấp sẽ khiến bé dễ ngạt. Mình nghĩ lúc này có bàn tay của chồng kề bên để nắm lấy sức thì có động lực lớn lắm. Sau đó, minh rặn thêm 1/2 hơi ban đầu là em bé đã ra đời rồi..."

Sau ca sinh, chồng chị Lan nói trong nước mắt: "Anh sẽ không bao giờ cho em đẻ nữa!"

Chị Lan cũng dặn dò thêm các chị em để có thêm sức mạnh khi rặn đẻ và để chồng hiểu hơn về những đau đớn mình phải vượt qua khi vượt cạn, mẹ bầu nên nhớ: "Chị em nào muốn chồng hiểu được làm phụ nữ sinh đẻ khổ cực ra sao cứ đưa vào phòng đẻ chứng kiến thì bảo đảm sẽ khâm phục vợ mình sát đất. Mình cũng có ca sinh bình thường như các mẹ thôi nhưng nhờ có chồng bên cạnh luôn ủng hộ và động viên nên minh thấy có nhiều thêm rất nhiều động lực."

Theo Nguyệt Minh (Khám Phá)

Theo Nguyệt Minh (Khám Phá)

Nguồn Eva: http://eva.vn/ba-bau/con-vua-lot-long-chong-qua-quyet-phan-anh-se-khong-bao-gio-cho-em-de-nua-c85a306376.html