Công an Đà Nẵng gửi thư kêu gọi đối tượng bị truy nã ra đầu thú dịp Tết

"Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thư kêu gọi đầu thú (KGĐT) trong dịp Tết Nguyên đán đối với những đối tượng phạm tội có lệnh truy nã, đem lại hiệu quả khả quan. Qua đó, đến nay, đã có nhiều địa phương trong cả nước thực hiện theo mô hình có ý nghĩa này, góp phần không nhỏ cho công tác điều tra, khám phá…", Đại tá Nguyễn Đình Chính - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết.

Thư KGĐT được thực hiện thường xuyên, liên tục giữa liên ngành: Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án. Đầu thú là cách hữu hiệu nhất để đối tượng phạm tội được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Năm 2005, để tác động mạnh hơn nữa đến lương tri của người phạm tội, Công an TP Đà Nẵng thực thi mô hình thư KGĐT trong dịp Tết Nguyên đán. Sau khi tiếp cận với thư KGĐT, đã có nhiều đối tượng ra đầu thú nhằm làm lại cuộc đời, nhất là trong dịp Tết thiêng liêng của dân tộc thì việc ấy càng có ý nghĩa… Theo Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP Đà Nẵng: Từ năm 2005, khi triển khai thư KGĐT trong dịp Tết Nguyên đán, đến nay, mỗi năm có đến vài chục đối tượng ra đầu thú dịp Tết. Bởi lẽ, ra đầu thú trong dịp Tết, gia đình được bảo lãnh đối tượng về ăn Tết tại nhà. Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp mà được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc giảm án, được đặc xá… Đây là cơ hội tốt nhất cho những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, sớm trở về với gia đình và xã hội. Hằng năm, cứ đến dịp Tết, thư KGĐT sẽ gửi về tận từng gia đình, người thân có đối tượng truy nã. Song song với nhiệm vụ này, lực luợng Công an tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng, panô dán ở trụ sở UBND các cấp, các khu dân cư, nơi công cộng… để người thân và chính các đối tượng bị truy nã được tiếp cận, hiểu và hưởng ứng sự khoan hồng của Nhà nước để ra đầu thú. Lật từng trang sổ nhật ký các đối tượng truy nã ra đầu thú trong dịp Tết Nguyên đán, Trung tá Nguyễn Ái - cán bộ phụ trách công tác truy nã thuộc Phòng tham mưu tổng hợp cơ quan CSĐT không giấu nổi sự vui mừng với từng con số, cái tên. Trung tá Ái cho rằng, mỗi lần trong dịp Tết tiếp nhận các đối tượng ra đầu thú, không chỉ người thân, gia đình mà hầu hết các cán bộ Công an đều cảm thấy vui. Bởi, một phần đối tượng đã nhận thức được hành vi phạm tội, nhưng điều quan trọng hơn là giảm tải được phần nào cho cơ quan CSĐT… Trung tá Ái nhớ lại: Tết năm 2005, từ ngày phát thư KGĐT (1/1/2005), thì đến ngày 19/1/2005, đối tượng có lệnh truy nã về tội "Cố ý gây thương tích" đã ra đầu thú đầu tiên. Lúc đó ai cũng thấy phấn khởi vì thư KGĐT đã phát huy hiệu quả. Đến bây giờ, hầu như Tết năm nào cũng có đối tượng bị truy nã tự đứng ra nhận tội trước pháp luật. Có lẽ, nhận thấy con đường lẩn trốn sẽ không mang lại kết cục tốt đẹp cho tương lai, do đó mà nhiều đối tượng chọn con đường đầu thú… Đáng chú ý là đối tượng Lê Thị H. (45 tuổi), trú tỉnh Quảng Trị, phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Sau 14 năm bị truy nã, dịp Tết 2007 H. ra đầu thú và được hưởng chính sách miễn truy cứu trách nhiệm hình sự… Chỉ tính riêng trong Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, bằng hình thức triển khai thư kêu gọi đầu thú, đã có 10 đối tượng ra đầu thú trước cơ quan Công an, góp phần quan trọng cho công tác điều tra, khám phá án. Hiệu quả thiết thực đem lại từ thư KGĐT trong những năm qua của Công an Đà Nẵng đã được nhiều cấp, ngành, Bộ Công an đánh giá rất cao

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/binhyencuocsong/ghichep/2010/3/159128.cand