Công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang

Sáng 5-10, tại cảng Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang và cho phép các tàu mang cấp SB (sông pha biển) vận chuyển qua lại giữa các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển thuộc các địa phương từ Quảng Bình đến Kiên Giang.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, sau hơn ba tháng công bố quyết định của Bộ GTVT mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, các phương tiện vận tải SB đã phát huy hiệu quả trên tuyến vận tải này, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ, qua đó giảm nguy cơ tai nạn giao thông, giảm tình trạng xe chở quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm giá cước vận tải... Từ đó, Bộ GTVT quyết định mở tiếp hai tuyến vận tải mới từ Quảng Bình đến Kiên Giang (Quảng Bình - Bình Thuận và Kiên Giang - Bình Thuận) có tổng chiều dài gần 1.560 km bờ biển, tạo thuận tiện cho các tàu thuyền lưu thông để vận chuyển hàng hóa hai chiều với khối lượng lớn đến các tỉnh ven biển nhằm phục vụ các nhà máy và khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong vùng.

PV

Khuyến khích sử dụng vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng sân bay Long Thành

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa cho biết, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sẽ được phân kỳ thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (đến năm 2025), đạt công suất mỗi năm 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa; giai đoạn 2 (đến năm 2030), nâng công suất mỗi năm lên 50 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa; giai đoạn 3 (sau năm 2030), công suất mỗi năm 100 triệu hành khách và năm triệu tấn hàng hóa. Theo Bộ GTVT, việc huy động vốn đầu tư sân bay Long Thành sẽ gắn với các hạng mục cụ thể, Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Theo tính toán sơ bộ, vốn ngân sách Nhà nước cho giai đoạn 1 khoảng 85 nghìn tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 80 nghìn tỷ đồng. Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT đã trình Quốc hội báo cáo đầu tư dự án, kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Khánh thành cầu Dùng và đường vào khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ

Sáng 5-10, liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) và Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Dùng và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương đi vào khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Cầu Dùng bắc qua sông Lam và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương đi khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 205 tỷ đồng, được khởi công xây dựng ngày 18-1-2014. Các hạng mục chính bao gồm cầu Dùng với chiều dài 350m, bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực tám nhịp và 8 km phần đường thảm nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Dự án vượt tiến độ 15 tháng.

Nhân dịp này, liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) và Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đã trao 20 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá một tỷ đồng tặng các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

TP Hồ Chí Minh mở rộng Khu nông nghiệp công nghệ cao thêm 460 ha

Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TP Hồ Chí Minh hiện có diện tích 88 ha, có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã chuyển giao cho nông dân, góp phần xây dựng 329 mô hình (145,7 ha) sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap cho thành phố. Khu NNCNC này đang phát triển lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt với hơn 460 ha. Thời gian tới, Khu NNCNC tập trung đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011 - 2015; thực hiện chương trình cung cấp cây giống, con giống chất lượng cao cho thị trường...

PV

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/24493502-cong-bo-tuyen-van-tai-ven-bien-tu-quang-binh-den-kien-giang.html