Công chức Hà Nội ứng xử chưa phù hợp: Lỗi dùng người?

Người quản lý cơ quan hành chính phải căn cứ vào đặc điểm tính cách, năng lực của công chức để bố trí vị trí công việc phù hợp.

Lầm tưởng về quyền lực

Thời gian qua, một số câu chuyện liên quan đến cách ứng xử của một bộ phận công chức Hà Nội gây xôn xao dư luận. Đó là chuyện chỉ vì một chữ ký của lãnh đạo phường Văn Miếu (quận Đống Đa) vào giấy chứng tử của công dân cũng khó khăn trầy trật đến nỗi chậm cả đám tang của người quá cố. Hay chuyện cán bộ quận Thanh Xuân đậu xe sai quy định khi đi ăn trưa, tranh luận với người dân khi bị góp ý.

Bình luận về những sự việc gây dư luận không hay nói trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện Xã hội học và Khoa học Quản lý khẳng định, đây chỉ là chuyện "con sâu làm rầu nồi canh". Việc người dân bức xúc xung quanh việc cấp giấy chứng tử là dễ hiểu bởi đang lúc tang gia. Trong hoàn cảnh đó, đòi hỏi người công chức phải có sự điềm tĩnh để tránh mâu thuẫn giữa hai bên.

Bộ phận một cửa tại UBND phường Văn Miếu. Ảnh: CAND

Ông dẫn chứng một câu chuyện khác xảy ra cách đây khá lâu khi ông đi nghiên cứu ở cơ sở. Khi ấy, một người dân đến trụ sở huyện nọ để giải quyết công việc. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, người dân và cả người tiếp dân đều nóng tính, hai bên cứ thế cãi lộn nhau ở trụ sở.

Vị chuyên gia về hành chính công cũng chỉ ra thực tế, nhiều người nghĩ rằng khi là công chức thì mình có quyền lực. Đó là sai lầm bởi công chức là người đại diện của Nhà nước, quyền lực Nhà nước thuộc về người dân chứ không phải của công chức.

"Công chức phải hiểu được điều đó. Về lý và tình, công chức phải mềm dẻo, nhẫn nhịn, cần mẫn và chịu đựng. Đó là đạo đức mà một công chức phải rèn luyện", PGS Tri nhấn mạnh.

Trở lại với một số sự việc xảy ra thời gian qua tại Hà Nội, theo vị chuyên gia, chưa biết đúng sai thế nào nhưng một trong những yêu cầu liên quan đến ứng xử của công chức thuộc về trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính.

Đã là con người thì có người tính nóng, người hoạt bát, người buồn rầu, người lạnh lùng..., đó là bẩm sinh. Bởi thế người quản lý ở cơ quan hành chính phải hiểu được điều đó để bố trí đúng người, đúng sở trường.

Một điều đáng lưu ý, biểu hiện vô cảm của một số công chức Hà Nội thời gian qua diễn ra khi Hà Nội đã có riêng một bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nó càng mâu thuẫn hơn với truyền thống thanh lịch của người Hà thành.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, có những hiện tượng xảy ra trong bối cảnh nhât định, đòi hỏi các cơ quan hành chính phải kiểm điểm, giúp đỡ, luân chuyển vị trí công việc cho phù hợp với khả năng, đặc điểm tính cách của công chức để họ làm tốt hơn.

"Việc này một mặt phục thuộc vào nguyên tắc, một mặt là phẩm chất đạo đức. Cho nên chỉ có công chức mới có luật riêng, công chức chỉ được làm những gì cho phép, là người đại diện cho Nhà nước nên khi thi hành công vụ phải có thái độ rất khác, phải thận trọng, có trình độ, ứng xử tốt với dân vì dân là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế", ông khẳng định.

Điều Việt Nam đang thiếu

Từ một số trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" nói trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, khâu tuyển dụng của bộ máy và cách sử dụng cán bộ.

"Một hiện tượng chưa thể nói được bản chất một người. Trong những tình huống như thế người quản lý của các cơ quan hành chính phải biết điều chỉnh, luân chuyển cán bộ, không thể đổ lỗi cho xã hội. Khi tuyển dụng phải quan tâm đến vấn đề rèn luyện, đào tạo công chức như thế nào, bố trí sắp xếp họ phù hợp để tránh những chuyện đáng tiếc vừa qua.

Trong 3 loại hình tổ chức trong xã hội (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các cơ quan hành chính thì các cơ quan hành chính có chức năng quản lý và đây là bộ phận có quyền lực, được sử dụng quyền lực nhà nước.

Thời đại nào các Nhà nước cũng phải tuyển chọn thật tốt những người này vì họ đại diện cho Nhà nước. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn ít chú ý đến chuyện đó.

Tuyển chọn công chức phải căn cứ vào tính cách, tính khí, đặc điểm riêng của họ. Việc này tùy thuộc vào năng lực của người đứng đầu bộ máy.

Trước đây, người đứng đầu thường ít chú ý đến thẩm quyền của họ và cái này liên quan đến hệ thống phân cấp cán bộ của Việt Nam - cấp nào người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, có quyền được đề xuất và lựa chọn. Thêm vào đó, còn nhiều yếu tố khác thuộc về cơ chế, chính sách... phải giải quyết", vị chuyên gia phân tích.

Riêng về biểu hiện vô cảm của công chức, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh đây không phải chỉ do tính cách mà chủ yếu là do quá trình đào tạo. Đặc biệt, khi đụng đến lợi ích của mình thì người ta sẽ vô cảm.

"Vì thế, cần thiết lập một cơ chế kiểm soát. Ở các nước có hệ thống thanh tra hành chính, thanh tra nhân lực làm rất chặt chẽ, cần thiết có thể đề xuất sự thay đổi, điều chỉnh.

Như ở Trung Quốc, từ lâu đã quy định ngay trong luật công chức của họ rằng cán bộ chủ chốt không được là người địa phương đó để bớt đi những mối quan hệ họ hàng, gia đình nhằm đảm bảo làm việc theo đúng nguyên tắc.

Việt Nam còn thiếu nhiều quy định so với các nước mà chưa bổ sung. Bởi thế mới có chuyện một số cán bộ chủ chốt ở địa phương đưa người thân vào bộ máy chính quyền", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri chỉ rõ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-chuc-ha-noi-ung-xu-chua-phu-hop-loi-dung-nguoi-3340180/