Công cụ pháp lý nào để làm rõ 'tin đồn' tham nhũng?

“Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng để xử lý những đối tượng tham nhũng và rửa tiền. Tuy vậy, để thực thi có hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng thì các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan truyền thông cũng như người dân phải hành động thực sự.” – Luật sư Trần Sỹ Hoàng nhận định.

Từ trường hợp một "hot girl" có "quan lộ thần tốc" bị báo chí đặt nghi vấn về khối tài sản "khủng", phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Sỹ Hoàng – Đoàn luật sư Hà Nội - đề tìm hiểu hiện pháp luật Việt Nam đã có những công cụ pháp lý nào để làm rõ - thậm chí minh oan - cho những người "bị" đặt nghi vấn như vậy.

Bà Quỳnh Anh (áo vàng bìa phải).

- Theo quy định pháp luật hiện hành, công chức từ cấp nào trở lên thì phải kê khai tài sản?

- Theo thông tư số: 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013, những trường hợp sau có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cá nhân:

1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

2. Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương (có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên) trong cơ quan, đơn vị của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức, đơn vị khác được giao biên chế và có sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước.

3. Sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương Phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, Phó trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

4. Người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập như: bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

5. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.

6. Người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước gồm:

a) Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên;

b) Người được cử làm đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và người đó giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp liên doanh, liên kết).

7. Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; chỉ huy trưởng quân sự, công chức địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn; Trưởng công an xã.

8. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký Tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.

9. Công chức, viên chức không giữ chức vụ trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng được bố trí thường xuyên làm các công việc sau:

a) Quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước quy định tại Mục A, Danh mục ban hành theo Thông tư này;

b) Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các lĩnh vực quy định tại Mục B, Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này.

Đã có nhiều trường hợp quan chức tham nhũng sau đó tuồn tiền cho “bồ nhí” hoặc người thân để rửa tiền, luật sư có cho rằng đây là một cách rửa tiền tinh vi và lách luật hay không? Pháp luật Việt Nam đã có chế tài xử lý quan chức tham nhũng nhưng tuồn tài sản cho bồ nhí hay không?

Trường hợp quan chức tham nhũng sau đó tuồn tiền bất chính cho bồ nhí nhằm “hợp pháp hóa” là hành vi “rửa tiền”. Pháp luật Việt Nam đã có những chế tài xử lý hành vi tham nhũng cũng như hành vi “rửa tiền”. Cụ thể, Bộ luật hình sự đã quy định các tội phạm về tham nhũng (tại Chương XXI) và Luật phòng, chống rửa tiền.

Hành vi rửa tiền được định nghĩa trong khoản 1 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2012:

“1. Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

a) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.”

Pháp luật Việt Nam cũng quy định cụ thể mức hình phạt đối với hành vi rửa tiền. Cụ thể, theo quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

- Pháp luật có quy định gì trong việc xử lý khiếu nại, tin đồn về việc “quan chức” có bồ nhí và tham ô, tham nhũng hay không? Luật sư có cho rằng việc phòng, chống tham nhũng tại nước ta có những lỗ hồng khiến các “quan chức” khai thác hay không?

- Như tôi đã nêu, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng để xử lý những đối tượng tham nhũng và rửa tiền. Tuy vậy, để thực thi có hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng thì các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan truyền thông cũng như người dân phải hành động thực sự. Công tác thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.

Nói về tin đồn “quan chức” có bồ nhí và tham ô, tham nhũng, cơ quan nhà nước sẽ vào cuộc điều tra khi có đơn thư tố cáo. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được đưa vào như một công cụ pháp lý cụ thể. Tôi cho rằng, để phòng, chống tham nhũng tốt hơn thì việc điều tra những tin đồn quan chức có bồ nhí hay tham ô tham nhũng cũng là việc làm cấp bách.

Lấy ví dụ từ vụ việc sai phạm trong bổ nhiệm bà Quỳnh Anh của Sở Xây dựng Thanh Hóa, có tin đồn cho rằng bà Quỳnh Anh là “bồ nhí” của quan chức lãnh đạo cấp cao tại Thanh Hóa. Dù thông tin này chưa được xác minh, tuy nhiên, việc bà Quỳnh Anh thăng tiến thần tốc trên đường công danh cùng với khối tài sản khủng khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về vấn đề này.

Cơ quan quản lý nhà nước điều tra cụ thể sự việc nêu trên, nếu thông tin đó không đúng sự thật thì cũng phải giải tiếng oan cho vị quan chức lãnh đạo đó, tuy nhiên đếu tin đồn là đúng thì cũng phải xử lý nghiêm.

- Xin cảm ơn luật sư!

Xuân Tùng

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/tu-tin-don-ba-quynh-anh-la-bo-quan-chuc-lam-gi-de-chong-tham-nhung-hieu-qua-a186187.html