Công đoàn mạnh để giai cấp công nhân vững mạnh

Thảo luận tổ về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) chiều 16.11, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi).

Dự án Luật CĐ (sửa đổi) đã quán triệt và thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, phù hợp với quy định hiện hành của Hiến pháp. Các đại biểu đã thảo luận những nội dung cơ bản của dự thảo luật và tập trung đề cập đến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Đó là địa vị pháp lý của CĐ, quyền gia nhập và hoạt động CĐ của người lao động là người nước ngoài, chính sách đối với cán bộ CĐ, cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ và vấn đề tài chính CĐ...

Trao quyền nhiều hơn cho CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở

ĐB Quốc hội TPHCM Trần Thanh Hải: Cần có chính sách và cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn để họ có thể dấn thân vì nhiệm vụ, vì người lao động. Ảnh: Chu Thắng

Đại biểu Trần Thanh Hải (đoàn Quốc hội TPHCM) cho rằng, đội ngũ cán bộ CĐ là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ công tác CĐ do luật pháp quy định và chất lượng hoạt động của mỗi cấp CĐ. Vì vậy, phải có chính sách và cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ phù hợp thì họ mới dám dấn thân vì nhiệm vụ, vì người lao động.

Cùng ý kiến với quan điểm này, đại biểu Trương Văn Vở (Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Nai) nhấn mạnh đến hậu quả của việc thiếu cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ không chuyên trách (số này chiếm tới 95% đội ngũ cán bộ CĐ hiện nay). Đại biểu Vở cũng đề cập đến vai trò của cán bộ CĐ và CĐ cấp trên cơ sở và đề nghị trao quyền nhiều hơn cho CĐ cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ CĐCS để giải quyết vướng mắc trong hoạt động, nhất là việc giải quyết tranh chấp LĐ và đình công.

Vấn đề “đại diện cho tập thể lao động” ở những DN chưa có tổ chức CĐ được nhiều đại biểu đề cập theo hướng: Ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ thì CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động tại DN đó.

Nhiều đại biểu đồng tình với kết luận số 09/KL/TW ngày 16.9.2011 của Bộ Chính trị: “Không thành lập tổ chức đại diện của người lao động (có chức năng như tổ chức công đoàn) ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. CĐ cấp trên cơ sở khẩn trương vận động thành lập tổ chức CĐ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong DN”.

Nhiều đại biểu thống nhất với quy định về vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở như Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tiếp tục khẳng định nhất quán vai trò, vị trí của CĐ trong thể chế chính trị của xã hội Việt Nam, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho CĐ hoạt động có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội.

Tạo hành lang pháp lý cần thiết cho CĐ

Giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc sau hơn 80 năm hình thành và phát triển. Ảnh: Kỳ Anh

Về địa vị pháp lý của CĐ, các đại biểu thống nhất quy định tại Điều 1 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) với việc bổ sung các chức năng của công đoàn (được quy định tại Điều 10, Hiến pháp 1992). Theo đó, chức năng, quyền và trách nhiệm của công đoàn sẽ được khẳng định và bổ sung trong luật.

Về vấn đề tài chính CĐ, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh - Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Phú Thọ - nêu ý kiến đồng tình với việc các DN phải có trách nhiệm nộp nghĩa vụ kinh phí CĐ như dự thảo luật. Có ý kiến cho rằng, CĐ muốn mạnh thì trước hết phải có kinh phí phục vụ cho hoạt động CĐ và phong trào CN.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu: Nguồn thu kinh phí CĐ 2% đã trải qua 53 năm thực hiện, đang phát huy tốt tác dụng và hiệu quả to lớn trong việc bảo đảm điều kiện cho CĐ tổ chức các hoạt động, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ và thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó cho tổ chức CĐ, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.

Chính vì vậy, khi sửa đổi Luật CĐ, ban soạn thảo đề nghị đưa khoản kinh phí CĐ 2% vào Luật Công đoàn (sửa đổi) (khoản 2, Điều 26). Việc quy định trong luật đảm bảo được nguồn kinh phí cho hoạt động, sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng tổ chức CĐ và giai cấp công nhân vững mạnh. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nhóm P.V thời sự

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/cong-doan-manh-de-giai-cap-cong-nhan-vung-manh/66642