Công khai trên mạng về dữ liệu rừng

Ông Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã khẳng định như vậy tại Hội thảo “Quản lý, chia sẻ dữ liệu tài nguyên rừng và xúc tiến đầu tư tại Việt Nam”, do Bộ NNPTNT phối hợp Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh mới đây.

60 tỉnh sắp có dữ liệu tài nguyên rừng

Đánh giá về hiệu quả của dự án phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (Dự án Formis), ông Ngãi cho hay: “Sau 6 năm triển khai thực hiện tại Việt Nam, dự án đã tạo ra được hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp, để mọi người có cơ hội truy cập các cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, cũng như các tài nguyên khác nhằm phục vụ công tác quản lý, đầu tư vào ngành lâm nghiệp”.

Được biết, đến thời điểm này Tổng cục Lâm nghiệp đã cập nhật dữ liệu chuẩn, đồng nhất thông tin dữ liệu bao phủ 40/60 tỉnh, thành phố. Dự kiến đến tháng 6.2017, tất cả mọi người có thể truy cập dữ liệu trên phạm vi cả nước, với khoảng 8,5 triệu lô rừng của trên 1,1 triệu chủ rừng ở 60 tỉnh, thành có thể truy cập được hệ thống trên.

Toàn cảnh hội thảo “Quản lý, chia sẻ dữ liệu tài nguyên rừng và xúc tiến đầu tư tại Việt Nam”. Ảnh: Trần Quang

Theo ông Ngãi, hiện nay hệ thống thông tin đang ở mức đơn giản nhất. “Chúng tôi cố gắng trình bày hệ thống trên các websie, online hoặc trực tuyến để bất cứ ai có máy tính, điện thoại thông minh có kết nối mạng đều có thể truy cập được. Hệ thống này đảm bảo ở mức đơn giản nhất, để ở trình độ nào mọi người cũng truy cập được một cách dễ dàng. Để làm được việc này, chúng tôi đã đào tạo gần 1.000 cán bộ kiểm lâm cập nhật các diễn biến về rừng. Dự kiến Tổng cục sẽ đào tạo tổng số khoảng 2.000 người tại 500 huyện trên cả nước” – ông Ngãi khẳng định.

Để theo dõi diễn biến rừng hàng năm, hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp đang phát triển một phần mềm để khi bất cứ một diện tích rừng nào đã được khai thác, cơ sở chỉ cần báo cáo lên cơ quan kiểm lâm địa bàn là dữ liệu sẽ được điều chỉnh trên hệ thống. Dựa vào hệ thống thông tin này, các nhà đầu tư có thể biết được tài nguyên rừng có bao nhiêu, đất ở đâu nên trồng rừng, những ai đang có đất… Các nhà khoa học cũng dễ dàng thu thập số liệu để phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm phát triển ngành lâm nghiệp.

Nhiều khách quốc tế và Việt Nam thăm quan hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Quang

Doanh nghiệp hưởng lợi kép

Ông Ilkka – Pekka Simila, Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam cho biết: “Từ khi Phần Lan phối hợp cùng Việt Nam triển khai dự án Formis, đến nay dự án đã đạt được một số kết quả rất hữu ích cho ngành lâm nghiệp của Việt Nam, đặc biệt trong việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Các đối tác, thành viên hoạt động trong ngành lâm nghiệp sẽ được hưởng lợi từ những dữ liệu mà dự án cung cấp”.

Một trong những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gỗ chế biến tại Hội thảo thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Trần Quang

Theo ông Ilkka – Pekka Simila, trong thời gian tới Phần Lan sẽ chuyển từ việc viện trợ không hoàn lại sang giai đoạn hợp tác giữa các cơ sở, tổ chức và các công ty của 2 nước. Hội thảo lần này là sự kiện đánh dấu sự hợp tác của 2 ngành lâm nghiệp 2 nước Việt Nam và Phần Lan.

Là một trong những doanh nghiệp khai thác, chế biến gỗ lớn ở Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Diễm Hương – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đại Huy Hoàng cho biết: “Việc đưa dự án Formis vào triển khai sẽ giúp ích cho nhiều doanh nghiệp như chúng tôi. Từ hệ thống dữ liệu của dự án, chúng tôi có thể tìm kiếm thông tin về các diện tích rừng phù hợp để đầu tư một cách dễ dàng, thuận tiện”.

“Hiện Việt Nam có 16 triệu ha rừng, góp phần bảo vệ môi trường và nuôi sống 20 triệu dân, tương đường 25% dân số. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay đạt 7 tỷ USD, nhưng nếu làm tốt khoa học công nghệ và định hướng phát triển đúng thì có thể nâng lên 50-100 tỷ USD”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/canh-bao-nong-nghiep/cong-khai-tren-mang-ve-du-lieu-rung-752125.html