Công khai

Ở thành phố New York (Mỹ), có một tấm bảng điện tử với một dãy số rất dài. Đó là “đồng hồ ghi nợ công” của nước Mỹ. Năm 1989, theo sáng kiến và sự tài trợ của doanh nhân Seymour Durst, chiếc đồng hồ đã được lắp đặt để mỗi người dân có thể biết đất nước của họ đang gánh khoản nợ bao nhiêu.

Ai cũng có thể biết được số nợ công. Từ rất lâu trước đó, nợ công không bao giờ là “thông tin bí mật quốc gia” tại Mỹ, mà là một thông tin công khai, chính quyền bắt buộc phải cung cấp cho người dân. Sự ra đời của “đồng hồ ghi nợ công” là một bước tiến nữa trong việc công khai hóa thông tin về nợ quốc gia theo hướng chủ động cung cấp thông tin, “ép” người dân nhận thông tin. Nếu cần thêm thông tin chi tiết, người dân Mỹ chỉ cần vào website www.usdebtclock.org là có thể biết chi tiết tổng nợ công của nước này, thu chi của từng ban ngành chính phủ. Tại thủ đô Berlin của Đức, một chiếc đồng hồ tương tự cũng được đặt bên cạnh trụ sở Chính phủ. Mỗi người dân Đức chỉ cần nhìn lên đó, họ sẽ biết tình trạng nợ nần của đất nước. Ở hầu hết các nước khác, nợ công cũng được luật định là thông tin công khai, mọi người dân đều có thể tiếp cận được. Tại sao lại phải công khai nợ công cho mọi người dân? Nợ công là tất cả các khoản nợ của chính phủ, các chính quyền địa phương và các khoản nợ do chính phủ bảo lãnh. Có nghĩa là, nói cho cùng, chính phủ có trách nhiệm phải trả các khoản nợ này, kể cả các khoản bảo lãnh mà khi “con nợ” thực sự mất khả năng chi trả. Mà chính phủ lấy tiền đâu ra để trả nợ, nếu không phải là từ mỗi người dân đóng thuế? Nói cách khác, người có bổn phận trả nợ công chính là mỗi công dân. Đó là lý do mà hầu hết các quốc gia đều công khai nợ công. Ở nước ta, trên thực tế, lâu nay nợ công dường như là một dạng thông tin rất khó tiếp cận đối với người dân. Các cơ quan chính quyền khi thông báo về nợ công đôi khi đưa ra những con số khác nhau, khiến ngay cả các chuyên gia tài chính cũng bối rối chứ đừng nói gì đến người dân thường. Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1.1.2010 quy định: “Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công. Thông tin về nợ công được công khai bao gồm tổng số dư nợ, cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hằng năm, các chỉ tiêu giám sát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Thông tin về nợ công được Bộ Tài chính công bố định kỳ theo quy định của pháp luật” (Điều 47). Sự ra đời của luật này cung cấp cơ sở pháp lý về quản lý nợ công, cũng như cơ chế công khai nợ công. Hy vọng rằng, các cơ quan chính phủ sẽ thực thi luật trên một cách triệt để hơn, để nợ công trở thành một thông tin công khai, mọi người dân có thể tiếp cận. Nợ công, nói một cách nôm na, là số nợ mà nhà nước phải công khai cho người dân. Trên tinh thần đó, một chiếc đồng hồ ghi nợ công được lắp đâu đó bên bờ hồ Gươm ở Hà Nội hoặc ở khu chợ Bến Thành, TP.HCM có lẽ cũng là một việc nên làm. Đỗ hùng

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201022/20100528021745.aspx