Cổng làng: Nét đẹp cần gìn giữ

Đối với mỗi người dân Việt, khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước...

Đối với mỗi người dân Việt, khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước... Trong ký ức của họ, cổng làng đã trở thành hình tượng của quê hương xứ sở. Nhưng giờ đây thật hiếm có những làng có hai cổng như xưa, cổng trước, cổng sau. Thay vào đó là những chiếc cổng làng phảng phất hơi thở mới của thời đại với những khẩu hiệu khá lạ tai, lạ mắt.

Cổng làng ngày càng biến dạng

Chiếc cổng làng truyền thống mang trong mình nó những trầm tích văn hóa và in đậm dấu ấn của thời gian. Chất quê, hồn quê phần nào cũng được kết tinh, hội tụ qua dáng dấp của chiếc cổng làng.

Nhưng trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của làn sóng đô thị hóa, làm sao giữ gìn được những nét bản sắc tinh túy, đẹp đẽ trong đời sống văn hóa của mỗi làng quê nói chung, chiếc cổng làng nói riêng là nỗi trăn trở không của riêng ai. Vì không có mẫu chuẩn và quy định chặt chẽ nên việc xây dựng cổng làng thường tùy tiện. Làng nào muốn đẹp, khác kiểu thì đi tham khảo ở các nơi khác hoặc trên các trang mạng rồi quyết định. Cùng với đó, nhận thức của người dân về văn hóa còn chưa sâu nên kiến trúc, kiểu dáng của những chiếc cổng làng mới khá đa dạng, phong phú và hiện đại với nhiều chi tiết “thừa”, “thiếu” khiến cho cổng làng trở nên mới mẻ, khác lạ.

Cổng làng truyền thống thường chuộng kiểu kiến trúc không cầu kỳ, phô trương mà vẫn toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã.

Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Kiến trúc cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian của làng quê. Hiện nay, có nhiều nguyên nhân khiến cổng làng cổ không còn giữ được hình dáng xưa là do nhận thức sai về văn hóa. Hiện tượng làm mới cổng làng phổ biến ở nhiều nơi. Nhỏ thì trùng tu, lớn thì đại tu. Có đôi nơi người ta thay hẳn cổng làng bằng cổng chào.

Những cổng chào kềnh càng, to lớn được xây vội vã chắn ngang lối đi vào làng và trên đó là dòng chữ khá “thực dụng”: “Kính chào quý khách”. Chưa kể, để được cho là “chơi sang”, “đẳng cấp”, một số cổng chào còn được gắn bảng điện tử với những dòng chữ: “Well come to...” nhấp nháy chạy suốt ngày đêm thể hiện sự học đòi, phô trương. Những nhà nghiên cứu văn hóa không khỏi ngán ngẩm với những chiếc cổng chào xây bằng bê tông, cốt thép. Chưa hết, ở một số nơi, để có được danh hiệu làng văn hóa, người người nhà nhà vận động nhau đóng góp kinh phí với mức thu không phải là ít để xây những chiếc cổng chào lớn được trang trí hoa văn cầu kỳ, có chi phí lên tới hàng chục triệu đồng. Bởi vậy, không ít cổng chào hiện nay đang mất dần đi dáng vẻ thuần Việt, thay vào đó là những nét kiến trúc lai căng thoạt nhìn đã thấy chướng mắt.

Nét đẹp cần gìn giữ

Cổng làng xưa được dựng lên như là một sự quy ước ngầm về không gian làng xã. Nó được xem là một điểm mốc đánh dấu không gian làng. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối, gắn bó cộng đồng, làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn, bản sắc riêng của từng làng quê. Cổng làng truyền thống thường toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Cổng làng là một điểm nhấn trong bố cục hài hòa với không gian của lũy tre xanh, con đường làng, gốc đa, bến nước, ao làng, sân đình và những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Chiếc cổng làng vì thế đã trở nên thân thuộc, gắn bó, gắn liền với những kỷ niệm vui buồn của biết bao lớp người dân quê. Để rồi mỗi người con của làng quê vì cuộc sống mưu sinh phải bươn chải làm ăn nơi đất khách quê người mỗi lần nhớ về quê hương, gia đình, nơi chôn nhau cắt rốn là lại bồi hồi, rưng rưng nhớ tới cái cổng làng với bao cảm xúc xốn xang.

Theo năm tháng, nhiều cổng làng được xem là di sản văn hóa, nghệ thuật, là đỉnh cao trong kiến trúc của ngôi làng Việt, phản ánh lý tưởng và chiều sâu của văn hóa cộng đồng, từ mỗi chiếc cổng làng, ta hình dung ra bộ mặt của làng xã, phía sau đó là một xã hội thu nhỏ. Cổng làng không chỉ tồn tại gắn bó với nhiều thế hệ dân làng mà còn mang ý nghĩa trong sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người sinh sống nơi đây. Có thể nói, cổng làng là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Những nét kiến trúc, những đại tự, câu đối trên cổng làng đều có ý nghĩa dạy bảo con cháu mỗi lần đi về đọc để hiểu, để làm người. Những chữ nghĩa trên cổng làng còn để cho những người khách của làng hiểu phong tục, tập quán của làng. Các cụ có câu “nhập hương vấn tục”, đến một làng, nhìn chữ ở cổng làng để biết phong tục của làng, lễ hội, hương ước, tình cảm trong họ hàng của làng ra sao.

Thiết nghĩ, đối với những cổng làng cổ còn giữ được đến ngày nay, Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của cổng làng cũng là cách nâng cao, trao truyền nét đẹp văn hóa của con người trong thời đại mới. Và đây là việc nên làm và cần làm nhưng cần đúng cách, khoa học...

Việt Sơn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cong-lang-net-dep-can-gin-giu-n130644.html