Công nghệ cao: Hướng đi đúng của công nghiệp Hà Nội

QĐND - Là một ngành kinh tế-sản xuất ở Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi tập trung tinh hoa của đất nước với rất nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học, đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, trong những năm qua, công nghiệp Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, công nghiệp Hà Nội còn cần nỗ lực hơn nữa để phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế lớn của mình, theo hướng công nghệ cao(CNC), thân thiện môi trường.

60 năm sau ngày giải phóng, từ một thành phố tiêu thụ ở thuộc địa với nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, thủ đô Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn, đầu tàu kinh tế cả nước. Những năm đầu thập kỷ 1960, Hà Nội chỉ có vài chục nhà máy, xí nghiệp quốc doanh và vài trăm hợp tác xã thủ công nghiệp. Đến nay, công nghiệp Hà Nội có gần 100 nghìn cơ sở sản xuất, bao gồm 131 doanh nghiệp Nhà nước, 10.730 xí nghiệp, công ty dân doanh, 410 doanh nghiệp có vốn nước ngoài FDI. Ngoài ra, Hà Nội còn có hơn 1.200 làng nghề thủ công và hàng chục nghìn hộ thủ công nghiệp cá thể. Hà Nội có hơn 500 doanh nghiệp đạt quy mô doanh thu hơn 100 tỷ đồng/năm. Trong đó có các doanh nghiệp FDI như: Canon, Yahama, Panasonic… và các doanh nghiệp Việt Nam: Dệt 10-10, Thuốc lá Thăng Long, May 10, Sơn Hà. Các doanh nghiệp: Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Euro Window, Traphaco… đã được giải thưởng Nhà nước về chất lượng quốc gia. Giai đoạn 2011-2013, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn từ những bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng công nghiệp Hà Nội vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,8%/năm.

Dự án Làng phần mềm F-Ville của Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Công nghiệp Hà Nội đã ứng dụng mạnh mẽ CNC. Một số doanh nghiệp đã có sức tăng trưởng ngoạn mục chính nhờ đầu tư ứng dụng CNC. Ví dụ như Công ty nhựa Hà Nội đã biết sử dụng phần mềm thiết kế chuyên dụng bản quyền và gia công chính xác bằng hệ thống trung tâm máy CNC để chế tạo khuôn mẫu nhựa làm các chi tiết chính xác cho ô tô, xe máy cung cấp cho Nhật Bản. Công ty sơn Kova đã ứng dụng công nghệ siêu mịn nano để sản xuất sơn xây dựng cao cấp. Công ty Mirex đã chủ động nghiên cứu và được cấp bằng sáng chế về chế tạo sắt xốp bằng công nghệ hoàn nguyên từ quặng không dùng than cốc… Tôi có anh bạn là giám đốc công ty nghiên cứu phát triển công nghệ nhà thông minh thuộc Công ty BKAV. Thật bất ngờ, các kỹ sư và công nhân tại bộ phận của anh đã có thể nghiên cứu và sản xuất các thiết bị điện tử rất hiện đại, đồng bộ lắp đặt cho những ngôi nhà thông minh. Các thiết bị này lại có chất lượng cao hơn hẳn so với thiết bị do một số nước trong khu vực sản xuất.

Xu hướng công nghệ cao và thông minh đang là một hướng đi đúng của công nghiệp Thủ đô. Với hướng đi ấy, Hà Nội đã hình thành dần các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp. Các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, khu công nghiệp Nội Bài… được đánh giá là những điểm sáng khi thu hút được đông đảo các doanh nghiệp công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po. Khu CNC quốc gia Hòa Lạc, vườn ươm doanh nghiệp ngành thực phẩm tại khu công nghiệp Lệ Chi đã đi vào hoạt động. Hội nhập kinh tế cho phép Hà Nội thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, nhờ đó mà tiếp cận được công nghệ mới chuyển giao từ các nước phát triển.

Tiến sĩ Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, giai đoạn 2015-2020 sắp tới, Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp CNC của cả nước, phát triển công nghiệp gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, là nơi thử nghiệm các sản phẩm mới và là nơi có văn phòng của các tập đoàn sản xuất lớn, tạo nên những sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển. Chuyên ngành điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, cơ điện tử được xác định là các ngành công nghiệp chủ lực của Hà Nội. Ngay cả các ngành thủ công, mỹ nghệ bên cạnh sự tinh xảo, độc đáo, mang đặc trưng Hà Nội thì cũng phải gắn liền với khoa học công nghệ tiên tiến.

Hà Nội sẽ dành quỹ đất khoảng 8000 ha để phát triển các khu công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp tập trung (3 khu công nghệ cao, 24 khu công nghiệp, 39 cụm công nghiệp, 154 cụm làng nghề). Đồng thời, Hà Nội sẽ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch.

Theo tiến sĩ Lê Hồng Thăng, về mặt không gian, khu vực phía Bắc bao gồm các quận, huyện như Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm (khoảng 3.200ha) sẽ được phát triển công nghiệp điện tử-công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược-mỹ phẩm, dệt may. Khu vực phía Nam thuộc Thường Tín, Phú Xuyên (khoảng 1.500ha) được quy hoạch cho các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp CNC), chế biến nông sản công nghệ hiện đại, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Khu vực phía Tây là Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn (khoảng 1.800 ha) được ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, hóa dược-mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới, vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp…

Những định hướng đúng đắn ấy có sớm trở thành hiện thực hay không thì còn phụ thuộc vào những chính sách cụ thể về thu hút đầu tư, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm CNC. Được biết, Hà Nội cũng đã chọn được một số ngành công nghiệp CNC để ưu tiên hỗ trợ.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/cong-nghe-cao-huong-di-dung-cua-cong-nghiep-ha-noi/325308.html