Công nghệ 'hologram' mỏng đột phá sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn màn hình?

Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học RMIT ở Melbourne vừa tiết lộ một công nghệ tạo hình ảnh nổi 3 chiều (hologram) rất mỏng khiến cho chúng ta có cảm giác gần gũi với thế giới trong những bộ phim như Avatar của đạo diễn James Cameron hay Cloud Atlas hơn chúng ta tưởng tượng.

Hình ba chiều nổi này được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Úc và được đánh giá là "một trong những thứ mỏng nhất thế giới", kích thước chỉ khoảng 25 nanomet. Mỏng hơn gấp 1000 lần so với tóc người và có thể nhìn thấy bằng mắt thường, không cần kính 3D - điều này rõ ràng là quá tuyệt (!).

Công nghệ này có tiềm năng ứng dụng trong hiển thị trên kích thước màn hình và giúp các nhà nghiên cứu tiến gần hơn đến việc có các tính năng hiển thị hình ảnh nổi 3 chiều trong các thiết bị điện tử thông thường.

Giáo sư Min Gu, Đại học RMIT ở Melbourne cho biết: "Hình ảnh 3 chiều nano của chúng tôi cũng được chế tạo bằng một hệ thống viết laser trực tiếp đơn giản và nhanh chóng, giúp cho thiết kế của chúng tôi phù hợp với việc sử dụng quy mô lớn và sản xuất hàng loạt".

Tham vọng của nhóm nghiên cứu là thu nhỏ các pixel trên hình ba chiều và phát triển một màng film mỏng cứng có thể được đặt trên màn hình LCD để cho phép hiển thị, tái tạo hình ảnh 3 chiều. Nếu điều này xảy ra, ảnh nổi ba chiều có thể xuất hiện trên màn hình của nhiều thiết bị tiêu dùng trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá nhiều ngay lúc này. Vì chắc chắn các nhà nghiên cứu sẽ phải mất khá nhiều thời gian trước khi các thử nghiệm không còn phát sinh lỗi và có thể tích hợp với các thiết bị điện tử hàng loạt.

Ngoài ra, thế giới chúng ta đang sống luôn xuất hiện các bằng sáng chế mới cho những sáng tạo không ngừng hàng ngày, hàng tuần. Vì vậy, ai biết được ai đó sẽ không phát minh ra một hình ảnh nổi ba chiều tốt hơn, trước khi Giáo sư Min Gu và nhóm nghiên cứu có thể thương mại hóa sản phẩm của họ?

Hologram là một sản phẩm của kỹ thuật ghi hình 3D có tên tiếng Anh là Holography. Từ Holography có xuất xứ nguồn gốc trong tiếng Hy lạp trong đó bao gồm 2 từ "holos" có nghĩa là toàn bộ hay toàn cục, "graph" có nghĩa là sự ghi lại.

Theo nghĩa hẹp: Hologram là một bức ảnh phẳng mà nhờ sự bố trí các chi tiết sao cho chúng phản xạ ánh sáng một cách thích hợp mà nó nổi lên như một ảnh có chiều sâu (ảnh 3 chiều). Thỉnh thoảng ta bắt gặp các ảnh này được bày bán ở các nhà sách. Các loại tem chống giả hiện nay ở nước ta cũng áp dụng nguyên tắc của ảnh hologram: Khi nhìn tem này dưới các góc nhìn khác nhau chúng hiện lên màu sắc hoặc chi tiết khác nhau.

Theo nghĩa rộng: Hologram là ảnh trình chiếu mà ta có thể quan sát được vật thể dưới bất kỳ góc nhìn nào như thể là có đang ở vật thể ấy ở đó mặc dù ta không thể sờ được. Trong một vài trường hợp người ta dịch gọn hologram là toàn ảnh.

Hiểu theo một cách khác: Holography là phương pháp tái tạo hình ảnh ba chiều (3D) của một vật thực qua một bản ghi phẳng hai chiều (2D). Nhìn bản ghi hai chiều bằng mắt thường ở một góc thích hợp và dưới ánh sáng thích hợp ta sẽ thấy hình ảnh ba chiều của một vật thực mà không hề có sự hiện diện của vật thực ở đó. Holography là kỹ thuật thu (ghi) hình của thế giới ba chiều lên môi trường hai chiều và môi trường hai chiều này có thể phát lại hình ảnh ba chiều của vật thực.

Tiến sỹ Dennis Gabor (ngưòi Anh gốc Hungary) đã phát minh ra kỹ thuật Holography năm 1947 tại Anh. Phát minh này đã gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều mặt của cuộc sống xã hội. Chính vì vậy năm 1972 ông đã được trao giải Nobel về Vật lý.

Theo 3D Hologram

Nguyên An (Theo CNET)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201705/cong-nghe-hologram-mong-dot-pha-se-thay-doi-cach-chung-ta-nhin-man-hinh-568075/