Công nghệ sao chép trong sách kỷ niệm 70 năm Quốc hội

Đó là bộ sách 'Quốc hội khóa I (1946)' gồm 7 tập, khổ nhỏ 12x19cm, dạng sách bỏ túi, do Hà Minh Hồng - Trần Thuận - Lưu Văn Quyết đồng chủ biên hoặc chủ biên từng tập riêng, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (2016).

Chân dung Nguyễn Huy Tưởng, tên Đặng Thai Mai

Bộ sách “Quốc hội khóa I (1946)” gồm 7 tập, khổ nhỏ 12x19cm, dạng sách bỏ túi, đứng tên Đại học KHXH&NV - TP Hồ Chí Minh - Bộ môn Lịch sử Việt Nam, do Hà Minh Hồng - Trần Thuận - Lưu Văn Quyết đồng chủ biên hoặc chủ biên từng tập riêng, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (2016).

Chân dung Nguyễn Huy Tưởng, tên Đặng Thai Mai

Mỗi cuốn sách chỉ hơn 100 trang khổ nhỏ, ngoài người chủ biên còn nhiều người biên soạn khác, tính trung bình chỉ khoảng 15 trang/người. Vậy mà nhóm tác giả ít dụng công cho cuốn sách, khiến nhiều sai sót.

Tập 3, “Chuyện các đại biểu nhân dân”, do Hà Minh Hồng (chủ biên), trang 121, chú thích ảnh đề “Đặng Thai Mai (1902 - 1984)”. Nhưng người trong ảnh là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960). PGS.TS Đặng Anh Đào, con gái cố GS Đặng Thai Mai khi xem trang sách này đã bình luận: “Những người soạn sách thật là… biết đùa”.

Tập 2, “Chuyện về kỳ họp thứ nhất”, do Hà Minh Hồng - Lưu Văn Quyết (đồng chủ biên). Ngay tấm ảnh trang 6, chú thích đã sai: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội ra mắt cử tri. Đây là tấm ảnh các ứng cử viên Quốc hội tại Việt Nam học xá ngày 5/1/1946 - một ngày trước khi bầu cử.

Ảnh chân dung cụ Nguyễn Văn Tố chú thích: Trưởng ban Thường vụ Quốc hội (tr. 111). Năm 1946 chưa có Ban Thường vụ Quốc hội, mà chỉ có Ban Thường trực Quốc hội.

Công nghệ nghiên cứu "Copy & Paste"

Về mặt phương pháp biên soạn thì hầu như các bài viết đều được copy từ trên mạng internet xuống, có nhiều bài còn chú thích cả đường link dẫn. Đối với người viết sách về lịch sử, đây là điều nên làm chăng? Chính vì copy từ trên mạng internet xuống cho nên sai sót quá nhiều, bởi vì các tác giả không đối chiếu, so sánh sử liệu cụ thể.

Bộ sách “Quốc hội khóa I (1946)” gồm 7 tập nhiều sai sót

Xin nêu các ví dụ. Tập 1, “Chuyện về ngày bầu cử”, do Hà Minh Hồng - Trần Thuận (đồng chủ biên). Bài “Muôn nơi muôn vẻ cổ động” viết: Tại Phúc Yên (Mê Linh, Vĩnh Phúc) bên cạnh các hoạt động mít tinh, cổ động, còn có từng đoàn xe ngựa chạy rầm rập khắp thành phố tung hô tổng tuyển cử… Ở Kiến An (Hải Phòng) tổ chức diễn kịch vở kịch có cảnh đi bỏ phiếu” (tr. 94).

Xin thưa, thời điểm năm 1946, Phúc Yên là một tỉnh riêng, thị xã Phúc Yên là tỉnh lỵ. Địa danh Vĩnh Phúc chỉ có từ năm 1950 khi Chính phủ cho nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên làm một. Địa danh Mê Linh cũng chỉ xuất hiện từ năm 1979 trên bản đồ địa lý hành chính. Phúc Yên cho đến nay cũng chỉ là thị xã, chưa bao giờ là thành phố như trong bài viết. Tương tự, thời điểm năm 1946, Kiến An là một tỉnh riêng, Hải Phòng là một tỉnh riêng, chứ không phải quận Kiến An, thuộc thành phố Hải Phòng như hiện nay.

Tập 3, “Chuyện các đại biểu nhân dân”, do Hà Minh Hồng (chủ biên). Bài “Phái đoàn thân thiện của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm nước Pháp”, có đoạn: “Trong vai trò và cương vị người đại biểu Quốc hội, Phạm Văn Đồng đã hoạt động và phát huy nhiều tài năng của một chính khách lớn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mở đầu là ngày 16/4/1946, ông được cử làm Trưởng phái đoàn thân thiện của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm nước Pháp” (tr. 93). Nhưng sang đến tập 7, “Chuyện về chất vấn và Phát ngôn trong Quốc hội”, cũng do chính Hà Minh Hồng (chủ biên), lại viết: “Chuyến thăm Pháp và cũng là lần xuất ngoại đầu tiên của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam kéo dài hơn bốn tháng (từ tháng 5 đến tháng 9/1946); Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thượng khách của nước Pháp cùng đi với Phái đoàn” (tr. 30).

Cũng vẫn trang 30, viết: “Vụ án phố Ôn Như Hầu ở Hà Nội (tháng 6/1946)”. Các tác giả đã tự ý sửa đổi lịch sử. Vụ án Ôn Như Hầu được phá vào ngày 14/7/1946 - ngày Quốc khánh nước Pháp.

Chúng tôi đã trao đổi với bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Thủy ghi nhận những sai sót trong thông tin báo NNVN đã nêu và sẽ trao đổi với nhóm tác giả để khắc phục.

KIỀU MAI SƠN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cong-nghe-sao-chep-trong-sach-ky-niem-70-nam-quoc-hoi-post195459.html