Công nghiệp nội dung số thu hút hơn 4.500 DN với 70.000 lao động

Trong giai đoạn 2008 - 2014, doanh thu ngành Công nghiệp nội dung số tăng từ 480 triệu USD lên 1,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm và hiện đang thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia sản xuất và tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động.

Tính trong 10 năm gần đây, rào chắn kỹ thuật số đã bị dỡ bỏ khá nhiều, lượng người sử dụng Internet tăng 28,4% - nếu năm 2007 họ chỉ chiếm dưới phần nửa, thì nay đã lên ba phần tư toàn bộ dân số.

Đó là những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo Ngày Internet 2016 lần thứ 5 với chủ đề “Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế Internet”, do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức sáng nay (21/12).

Nội dung số là khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, chưa có một định nghĩa thống nhất về khái niệm này. Mặc dù chưa được định nghĩa đầy đủ nhưng nội dung số được coi là một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghiệp nội dung số có hàm lượng tri thức, kỳ vọng lợi nhuận lớn. Nội dung số và các ứng dụng cũng có vai trò quan trọng trong các chương trình thúc đẩy CNTT, chính phủ điện tử, tin học hóa cũng như ảnh hưởng đến mọi ngành kinh tế truyền thống.

Nền kinh tế số đề cập đến một nền kinh tế dựa trên công nghệ điện toán kỹ thuật số, cũng được gọi là nền kinh tế Internet, nền kinh tế mới, hay kinh tế Web. Càng ngày, “nền kinh tế internet” đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, mang đến nhiều cơ hội cho các quốc gia đang phát triển.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi mà nền kinh tế truyền thông đang dần bão hòa. Ứng dụng sâu rộng của CNTT trong mọi hoạt động của nền kinh tế số "không biên giới" mang lại giá trị lợi nhuận cao. Nhiều quốc gia đã xác định kinh tế số là động lực phát triển mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên quy mô toàn cầu.

Trong gần một thập kỷ qua, ngành Công nghiệp nội dung số tại VN đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu toàn ngành CNTT. Trong giai đoạn 2008 - 2014, doanh thu ngành Công nghiệp nội dung số tăng từ 480 triệu USD lên 1,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm. Ngành Công nghiệp nội dung số đang thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia sản xuất và tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động. Cho đến nay, Việt nam đã xây dựng một ngành công nghiệp nội dung số phong phú, đa dạng, trong đó sản phẩm về giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến, nội dung cho thiết bị di động,...

Việt Nam cũng đã có công ty lọt vào top 5 doanh nghiệp nội dung số lớn nhất của Đông Nam Á, đủ sức cạnh tranh và thâm nhập vào thị trường trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng dự đoán: "Trong tương lai, nền kinh tế số dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp nội dung số thành mũi nhọn của toàn ngành công nghệ thông tin. Dựa trên các lợi thế như: Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh, số lượng điện thoại thông minh và thuê bao 3G tăng mạnh, hạ tầng internet và hạ tầng di động băng thông phát triển rộng khắp, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp số. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của nền kinh tế số nói chung cũng như chuỗi cung ứng nội dung nói riêng".

Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tập trung phát triển hạ tầng truyền dẫn, viễn thông, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, chất lượng cao để đảm bảo an toàn cung ứng dịch vụ tới người dân. Các nhà mạng cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng, tập trung tạo dựng hệ sinh thái trên nền tảng hạ tầng qua đó cho phép những doanh nghiệp nội dung số khác tự do sáng tạo.

Thay vì cạnh tranh với các doanh nghiệp nội dung số nhỏ lẻ, Việt Nam cần xây dựng một thị trường cạnh tranh lớn trên nền tảng những lợi thế vốn có của mình. Điều này sẽ mang đến cơ hội phát triển bền vững, sẵn sàng cho Việt Nam bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Cách mạng số.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng đề cập đến vấn đề các doanh nghiệp nội dung số cần tính toán đến việc đảm bảo xây dựng, phát triển nguồn nhân lực thế hệ kế tiếp để đảm bảo Việt Nam có hành trang sẵn sàng tiến bước ra khu vực và thế giới.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIA, Internet Day 2016 là năm đầu tiên chủ đề Nội dung số được đặt làm trọng tâm của sự kiện. Đây là khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Tuy chưa có một định nghĩa thống nhất về khái niệm này, nội dung số được coi là một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, có hàm lượng tri thức lớn, cũng như kỳ vọng lợi nhuận lớn. Internet Day 2016 mong muốn mang đến một bức tranh toàn cảnh về ngành Nội dung số, cũng như sự phát triển và các thách thức của nội dung số Việt Nam.

Internet Day là sự kiện thường niên do Hiệp hội internet Việt Nam khởi xướng nhằm cổ vũ cho sự phát triển Internet Việt Nam. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet, hội viên Hiệp hội, các doanh nghiệp kinh doanh về công nghệ trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý ở các lĩnh vực internet/viễn thông, truyền thông, công nghệ thông tin… gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình triển khai hiệu quả để phổ cập Internet, thúc đẩy các dịch vụ ứng dụng, nội dung, công nghệ …

Nhật Đông -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/cong-nghiep-noi-dung-so-thu-hut-hon-4500-dn-voi-70000-lao-dong-96893.html