Công nhân mong được học thêm ngoại ngữ

Tại các khu công nghiệp- Chế xuất (KCN- CX) ở Hà Nội, nhiều công nhân (CN) mong muốn học thêm ngoại ngữ để giao tiếp, trao đổi công việc với quản lý, chủ doanh nghiệp người nước ngoài. Qua đó nâng cao năng suất lao động và giúp họ “đổi đời”.

Ngày cuối tuần nào cũng vậy, CN Trần Thị Hiền (Cty Denso - KCN Thăng Long) lại tranh thủ đến lớp thêm học ngoại ngữ. Mặc dù đã tốt nghiệp đại học nhưng khi làm việc, trình độ ngoại ngữ của Hiền vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi phải sử dụng nhiều tiếng Nhật.

Được công ty tạo điều kiện cho vừa làm vừa học thêm, Hiền quyết tâm trau dồi kiến thức về ngoại ngữ, nhất là những kỹ năng nghe nói trong giao tiếp. “Sau hơn 1 năm rèn luyện, đến nay bước đầu mình đã có thể tự tin tiếp xúc với đối tác, khách hàng và cả sếp là người Nhật để phục vụ công việc” - Hiền tâm sự.

Nhiều công nhân mong muốn học thêm ngoại ngữ để “đổi đời”.

Tương tự, anh Đỗ Ngọc Hùng, là nhân viên công ty Canon chia sẻ: Môi trường và công việc đòi hỏi phải sử dụng ngoại ngữ rất nhiều, nhất là tiếng Anh và tiếng Nhật. Ai muốn được hưởng mức lương cao hơn phải biết sử dụng ngoại ngữ.

Hùng cho biết, một vài người bạn của mình đang làm việc tại đây nhờ đi học thêm tiếng Nhật, sau đó giao tiếp giỏi nên được cho đi đào tạo ở nước ngoài. Hiện họ đều là tổ trưởng, tổ phó, cán bộ kỹ thuật của công ty, lương khá cao trong khi trước đó làm công nhân lương chỉ hơn 4 triệu đồng

Qua trao đổi, đa số công nhân đều nhận thấy ngoại ngữ là một “vũ khí” quan trọng trong công việc cũng như cuộc sống. Nhất là khi các Cty tại KCN đều có vốn đầu tư của nước ngoài, nên nhu cầu giao tiếp lại càng cao. Từng tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên lại có vốn tiếng Anh nhất định, Bùi Thế Nghĩa (quê Bắc Giang, Cty Denso) tranh thủ thời gian nghỉ để giúp các bạn công nhân học tiếng Anh.

Nghĩa cho biết: Mình đi làm ở Cty nước ngoài và nhận thấy nhu cầu giao tiếp bằng ngoại ngữ của người lao động (NLĐ) khá cao. Còn những bạn không có năng lực ngoại ngữ đi xin việc thường gặp nhiều khó khăn. Do đó mình cố gắng giúp các bạn công nhân học thêm tiếng Anh. Trước mắt, dạy cho mọi người về giao tiếp tiếng Anh cơ bản.

Công nhân Phùng Xuân Định (Cty Showa, KCN Thăng Long) chia sẻ lý do học tiếng Anh: “Tôi tưởng rằng đi làm rồi, không cần phải học gì nữa, chỉ học kiếm tiền thôi. Nhưng tại Cty có nhiều chuyên gia người nước ngoài nên NLĐ rất cần biết tiếng Anh để có thể giao tiếp, bày tỏ quan điểm của mình trong công việc, kiến nghị với lãnh đạo Cty. Tuy có phiên dịch, nhưng nhiều khi họ không thể hiện được hết ý kiến của NLĐ nên chúng tôi cảm thấy mình bị yếu thế”.

Phân tích về việc công nhân học thêm ngoại ngữ, Phó chủ tịch Công đoàn Các khu khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho rằng, điều này không chỉ góp phần nâng cao tay nghề trong bộ máy chung của doanh nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất, mà còn góp phần tạo thêm các giá trị cộng thêm cho xã hội, đẩy lùi những mặt tiêu cực từ việc nghèo nàn về các hoạt động văn hóa giải trí.

Đối với NLĐ, họ có thêm cơ hội thăng tiến, phục vụ trong công việc tốt hơn. “Thực tế, công đoàn cơ sở ở các công ty cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, Nhật, Hàn,… cho công đoàn viên có nhu cầu. Qua đó, giúp anh chị em có thể giao tiếp với các cấp quản lý để mở rộng hiểu biết phục vụ sản xuất” – ông Thắng bày tỏ.

Hà Nội hiện đã và đang phát triển nhiều KCN - KCX. Các KCN đang hoạt động thu hút chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… Trong số đó, có các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản như Canon, Panasonic, Hoya, Meiko (Nhật Bản)… Do đó, tiếng Nhật đang được xem là một ngoại ngữ tạo nên lợi thế cho NLĐ khi đi xin việc, tuyển dụng lao động.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cong-nhan-mong-duoc-hoc-them-ngoai-ngu-49153.html