Công tác dạy nghề: Tạo chuyển biến với sự đổi mới toàn diện

Giadinh.net - Pháo Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: ''Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020'' cần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ với sự đổi mới toàn diện về công tác dạy nghề theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả đổi mới tư duy và cách xây dựng chính sách về đào tạo nghề.

Tại Thông báo số 308/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về ''Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020'' mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, giải pháp, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá, đảm bảo tính khoa học, thiết thực và khả thi trong việc xây dựng Chiến lược. Phó Thủ tướng yêu cầu các ban, ngành hữu quan cần đánh giá đầy đủ, nghiêm túc những mặt được và chưa được của công tác dạy nghề trong những năm qua, đặc biệt từ năm 1998 trở lại đây để từ đó xây dựng Chiến lược theo đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc xây dựng nội dung dự thảo Chiến lược cần khẳng định việc chăm lo, phát triển dạy nghề là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Dạy nghề có tầm quan trọng đặc biệt vừa có tính nhân văn vừa có tính xã hội rất cao, đó là dạy cho người lao động có nghề và có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo. Dạy nghề phải đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, phù hợp về cơ cấu, phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Dạy nghề phải phát triển nhanh, bền vững, phát triển cả ở nông thôn, thành thị, vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn, đáp ứng nhu cầu học suốt đời, đảm bảo công bằng trong học tập của mọi người dân, mọi người lao động. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, Chiến lược cần xác định rõ trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong công tác phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020; Làm rõ kế hoạch xây dựng, triển khai những Đề án thực hiện Chiến lược sau khi được phê duyệt; Rà soát, trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan; Đẩy mạnh hoạt động giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược để khẳng định những tác động tích cực đối với xã hội và sự phát triển bền vững của mục tiêu Chiến lược. Bộ LĐ,TB&XH chịu trách nhiệm tiếp thu ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương để tiếp tục xây dựng Dự thảo ''Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2020'', xin ý kiến Thường trực Chính phủ vào tháng 11/2009 để hoàn thiện trình Bộ Chính trị. T.Tấn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20091016110156523p0c1000/cong-tac-day-nghe-tao-chuyen-bien-voi-su-doi-moi-toan-dien.htm