Công tác thu nhận hồ sơ ĐKDT hoàn thành đúng tiến độ

GD&TĐ - Kết thúc ngày cuối cùng thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017 (tính đến 17 giờ ngày 20/4), Bộ GD&ĐT cho biết, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay chiếm tới 75% thí sinh đăng ký dự thi, cao hơn năm trước.

Cụ thể, tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 859.835, trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển: 643.151 (74,8%); số thí sinh tự do: 79.714 (9,27%). Tỉ lệ chọn các bài thi như sau: Thí sinh đăng ký bài thi KHTN: 321.451 (37,39%); thí sinh đăng ký bài thi KHXH: 417.334 (48,54%); thí sinh đăng ký cả 2 bài: 71.046 (8,26%). Đã có 620.260 hồ sơ đăng ký xét tuyển được nhập lên hệ thống (đạt 96,44%): Trong đó, NV1: 620.260 (100%); NV2: 537.054 (86,59%); NV3: 433.612 (69,91%); NV4: 312.035 (50,31%); NV5: 214.288 (34,55%); các NV còn lại: 368.320 (59,38%).

Tăng tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ

Theo Bộ GD&ĐT, kết thúc ngày thu nhận hồ sơ ĐKDT các địa phương đã cơ bản hoàn thành nhập dữ liệu, đảm bảo đúng tiến độ ĐKDT theo quy định trong ngày 20/4. Đánh giá chung về tình hình thu nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh cho thấy, do được thông tin về kỳ thi đầy đủ từ sớm nên ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận hồ sơ ĐKDT đã có khá nhiều thí sinh nộp hồ sơ. Các Sở GD&ĐT cũng đã nhập dữ liệu ngay từ đầu nên không xảy ra tình trạng dồn ứ dữ liệu vào những ngày cuối. Thống kê dữ liệu cho thấy, năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5% và số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Tại nhiều địa phương, tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đều tăng từ 5 - 10%, có tỉnh tăng tới 12%. Tại các tỉnh thành phố lớn, tỉ lệ học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học rất cao. Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Việc nhập hồ sơ đăng ký dự thi của các trường THPT trên địa bàn đã hoàn tất. Năm 2016, tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH chỉ chiếm 78,5% thì năm 2017 đã tăng lên 83,4%. Ở miền Trung, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho thấy số lượng thí sinh ĐKXT vào các trường ĐH, CĐ tăng lên, toàn tỉnh có 13.070 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 11.453 thí sinh, chiếm tới 87,6%. Tại tỉnh Nghệ An, tỉ lệ thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH cũng tăng khoảng 5%, với hơn 65%.

Đặc biệt, có nhiều tỉnh miền núi là những nơi thường có tỉ lệ thí thí sinh đăng ký vào đại học thấp năm trước thì năm nay cao hơn. Theo TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, đơn vị được giao phối hợp tổ chức thi tại Hà Giang, cho rằng: Do năm nay Bộ chủ trương tỉnh nào cũng có cụm thi và không còn phân biệt cụm địa phương và cụm Trung ương nên thí sinh gần hết sức thuận lợi, học tại đâu sẽ thi và xét tuyển luôn ở đó chứ không phải di chuyển tới các cụm thi Trung ương như năm trước. Đây là thuận lợi lớn cho thí sinh, các địa phương và trường được giao phối hợp sẽ phải trách nhiệm nhiều hơn.

Nhiều thí sinh chọn bài thi KHXH

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT thí sinh lựa chọn môn/bài thi tổ hợp KHXH (Sử - Địa - GDCD) chiếm tới hơn 50% tổng số thí sinh, so với tỉ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH (chưa tới 40%). Cụ thể, như ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, số thí sinh lựa chọn bài thi KHXH năm nay chiếm tới gần 60%. Hay như tỉnh Hòa Bình, số thí sinh lựa chọn bài thi KHXH là 6.755, cao gấp hơn 2 lần so với số lượng thí sinh lựa chọn bài thi KHTN (chỉ 3.099 thí sinh). Ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cũng ghi nhận tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi các môn/bài thi tổ hợp KHXH cao hơn môn/bài thi tổ hợp KHTN.

Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cho rằng: Kết quả ĐKDT của thí sinh năm nay đã cho thấy bức tranh hoàn toàn khác. Thí sinh chọn bài thi KHXH cao hơn bài thi KHTN mặc dù khi đăng ký xét tuyển vào đại học khối ngành tự nhiên vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với khối ngành xã hội. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay các trường đề ra các tổ hợp xét tuyển mới trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội cũng tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển hơn. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH tăng lên nhiều (trong khi thí sinh chọn bài thi KHTN vẫn giữ ổn định như các năm trước). Sự thay đổi theo chiều hướng tích cực này rõ ràng có tác động không nhỏ của việc đổi mới thi/tuyển sinh nói chung và đổi mới phương thức thi, cấu trúc bài thi nói riêng mà Bộ đang tiến hành.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đối với các trường thí sinh ĐKXT nhiều nguyện vọng thì số thí sinh ảo sẽ tăng, nên việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp hơn. Lường trước được việc này, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp hỗ trợ các trường lọc ảo. Bộ sẽ cung cấp tất cả dữ liệu ĐKXT của thí sinh để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất. Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên cổng tuyển sinh của Bộ. Phần mềm thống kê nguyện vọng sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển nhiều nguyện vọng để đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất (nếu có) trong tất cả các danh sách mà các trường gửi lên. Các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển như nhóm GX năm ngoái do Trường ĐHBK Hà Nội chủ trì. Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh thì chỉ còn lọc những thí sinh trúng tuyển ngoài nhóm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cong-tac-thu-nhan-ho-so-dkdt-hoan-thanh-dung-tien-do-3204650-b.html