Công trình cầu Nam Ô mới vướng mắc kéo dài: “Kẹt” ở kinh phí giải tỏa

(Cadn.com.vn) - Dự án (DA) công trình cầu Nam Ô (Km917+198, P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) có quy mô cầu chính gồm 7 nhịp Super T dài 40m với tổng chiều dài toàn cầu 350m, đường dẫn 2 đầu cầu 665m do BQLDA6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ DA được UBND TP Đà Nẵng giao cho Ban Giải tỏa đền bù số 2 (GTĐB - trực thuộc UBND TP Đà Nẵng) thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng của DA từ ngân sách T.Ư. Phần cầu đã hoàn thành vào giữa năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành trên toàn tuyến.

Những ngày đầu tháng 3-2014, chúng tôi tìm đến 21 hộ dân nằm trong diện giải tỏa DA cầu Nam Ô còn “sót” lại và họ đang rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong”. Ông Trương Trường (72 tuổi, nhà số 1067-Nguyễn Lương Bằng) cho biết, nhà ông nằm trong diện giải tỏa mở rộng QL1A năm 2009, rồi đến DA xây cầu Nam Ô mới. Qua 2 lần giải tỏa, đến nay gia đình vẫn chưa thể đi nơi khác.

Hiện 12 người trong gia đình phải sống trong ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, muốn cơi nới, mở rộng cũng không được bởi đang giải tỏa, mà chuyển đến chỗ mới cũng không xong vì không đủ tiền xây nhà. “Chúng tôi thống nhất với phương án đền bù của TP, nhưng chỉ mới nhận được tiền đền bù đợt 1, còn tiền đợt 2 chưa được, thử hỏi làm sao có tiền để xây nhà trên đất mới?” - ông Trường trăn trở. Tất nhiên, 20 hộ dân còn lại cũng rơi vào cảnh tương tự.

Để giải quyết ách tắc giao thông,...

Đi tìm câu trả lời, vì sao đây là DA sử dụng vốn vay ODA nhưng lại “tắc” vì kinh phí? chúng tôi được biết, sau khi thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với các hộ thuộc diện di dời trong DA cầu Nam Ô mới. Những hộ còn lại diện tích đất ít, lại nằm giữa QL1A và tuyến sông Cu Đê nên UBND TPĐN có chủ trương thu hồi toàn bộ để xây dựng vệt cảnh quan cây xanh công cộng ven đường, nối với sông Cu Đê. Tuy nhiên, hiện chưa thống nhất được kinh phí để thực hiện công tác GPMB khu vực này.

Ông Trương Thanh Tùng - Phó Ban GTĐB 2 cho biết, tổng DA cầu Nam Ô mới có 44 hộ thuộc diện di dời, hiện đã đền bù, di dời hơn một nửa, còn 21 hộ phía nam thì đang bị “tắc” do vướng kinh phí. Theo quy hoạch thì những hộ dân đã giải tỏa một phần thuộc DA cầu Nam Ô mới, phần còn lại UBND TPĐN đã có quyết định thu hồi giải tỏa toàn bộ phần đất còn lại để làm tuyến cảnh quan ven sông Cu Đê.

Ông Đinh Bộ Lĩnh - Trưởng Văn phòng BQLDA6 tại Đà Nẵng cho biết, việc thu hồi, di dời các hộ dân có phần đất ngoài phạm vi GPMB của cầu Nam Ô mới nên DA không thể chi trả ngoài quy định. Về kinh phí giải tỏa gần 6,77 tỷ đồng (nay dự thảo kinh phí dự kiến 9,8 tỷ đồng) này, lúc đầu UBND TPĐN đề nghị Bộ GTVT chi trả nhưng Bộ không đồng ý.

Sau đó, UBND TPĐN tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ chi trả 50%, Bộ không chấp thuận, đồng thời, đề nghị TPĐN tự cân đối bằng ngân sách địa phương. Do vướng mắc GPMB kéo dài, không có thời hạn cuối cùng nên ngày 19-9-2013, BQLDA6 đã có công văn xin ý kiến Bộ GTVT cho phép dừng đầu tư đối với đoạn tuyến còn lại và giao trả cho địa phương tự đầu tư bằng nguồn vốn khác sau khi GPMT.

Trong lúc chờ ý kiến của Bộ GTVT, ngày 26-12-2013, UBND TPĐN tiếp tục có công văn đề nghị cho giải tỏa 6 hộ tiếp giáp phần đã GPMB để hoàn thiện công trình đủ bề rộng mặt đường đoạn tuyến còn lại (làm đường nhưng chưa làm vỉa hè) để đảm bảo ATGT và khai thác DA hiệu quả.

Tuy nhiên, 6 hộ nói trên có một phần đất cần thu hồi nằm ngoài phạm vi GPMB của DA, UBND TPĐN kiến nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng khoản kinh phí GPMB do BQLDA6 đã cấp nhưng chưa chi hết (đã cấp đủ kinh phí cho việc bồi thường, giải tỏa 19 hộ dân trong phạm vi GPMB) để chi trả cho 6 hộ dân này... và đến nay Bộ GTVT vẫn chưa trả lời.

... chủ đầu tư đã phải bổ sung thiết kế đoạn vuốt nối tuyến mới vào đường cũ.

DA kéo dài, ngoài việc người dân tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì hai đơn vị thi công phần đường dẫn là liên doanh Cty CP Tổng Cty công trình Đường sắt và Cty CP đầu tư xây dựng Hưng Phú (đóng tại Đà Nẵng) cũng “kêu trời” vì không thể thanh lý hợp đồng, vốn bị đọng.

Ông Đinh Bộ Lĩnh cho biết thêm, để giải quyết vướng mắc này, BQLDA6 đang có kiến nghị lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định về việc lấy nguồn vốn đối ứng của DA hỗ trợ (2,44 tỷ đồng), cấp cho địa phương để chi trả cho 6 hộ dân nêu trên. Như vậy, nếu được Bộ GTVT chấp thuận phương án này cộng thêm nguồn vốn đối ứng từ phía TPĐN, 21 hộ dân còn lại hy vọng sẽ sớm được giải tỏa để ổn định cuộc sống.

Nguyễn Tuấn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_110790_cong-trinh-cau-nam-o-moi-vuong-mac-keo-dai-ket-o-k.aspx