Công trình hành chính làm khổ dân

Vườn cao su 12 năm tuổi trước khi bị cưỡng chế

Gần ba năm qua, các ông Nguyễn Minh Trung, Hoàng Hữu Hoàn, Nguyễn Phú Hữu, Hải Xuân Trình (cùng ngụ xã Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương) lâm cảnh điêu đứng khi khu đất hơn 6.500m2 (ở ấp 2, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, Bình Phước) của họ vướng vào quy hoạch dự án trung tâm hành chính (TTHC) xã. Điều khiến họ bức xúc là vườn cao su 12 năm tuổi này đang cho thu hoạch ổn định bỗng bị cưỡng chế nhưng chính quyền địa phương không bồi thường cũng như bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ đúng quy định…

GIÁ BỒI THƯỜNG QUÁ "BÈO"

Ngày 4-8-2011, UBND huyện Chơn Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các ông Trung (gồm 1.378,4m2 và 1.344,7m2), Hữu (8.674,2m2), Trình (1.419m2), Hoàn (1.345,3m2). Đến tháng 12-2011, khi thực hiện dự án TTHC xã Thành Tâm, phía huyện không công khai quy hoạch chi tiết cũng như giá đền bù cho người dân. Ngày 29-12-2011, UBND huyện Chơn Thành ra quyết định (QĐ) thu hồi đất đối với ông Hoàn (1.345,3m2), ông Trung (2.560,1m2), ông Hữu (1.214,7m2) và ông Trình (1.419m2).
Bốn hộ phản ánh: "Chúng tôi không đồng ý việc bồi thường với giá quá "bèo" (chỉ 36.000 đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm và 420.000 đồng/m2 đối với đất thổ cư). Trong khi đó, giá đất TĐC tại khu vực này lên tới 700.000 đồng/m2. Thêm điều vô lý nữa là vườn cao su đã 12 năm tuổi nhưng chỉ bồi thường 360.000 đồng/cây là không ổn... Quá bức xúc, 4 hộ đồng loạt gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Chơn Thành.

"PHÉP VUA THUA LÊ LÀNG"

Khi những bức xúc trên chưa được giải quyết dứt điểm thì ngày 10-10-2013, UBND huyện ra QĐ cưỡng chế giải tỏa mặt bằng đối với 4 hộ trên. Tiếp tục khiếu nại, ngày 16-12-2013 các hộ được Thanh tra tỉnh Bình Phước kết luận: Việc xây dựng TTHC xã Thành Tâm được UBND tỉnh Bình Phước thống nhất tại hai công văn: số 2377 ngày 11-8-2011 và số 542 ngày 23-12-2011. Mặt khác, theo bản đồ địa chính điều chỉnh khu quy hoạch đất xây dựng khu TTHC xã Thành Tâm, thửa đất của các hộ nằm trong hạng mục quy hoạch đất ở, phân lô dân cư và đường chính khu trung tâm. Do vậy, việc cho rằng UBND huyện thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích là không có cơ sở. Còn việc các hộ yêu cầu áp giá bồi thường theo Nghị định (NĐ) 69/2009/CP cũng không thể xem xét, vì theo khoản 3 điều 4 QĐ67/2011 của UBND tỉnh Bình Phước thì phần đất của 4 hộ thuộc khu vực I, vị trí II, do cách hành lang bảo vệ đường bộ từ 100-300m nên đơn giá bồi thường được xác định bằng 80% mức giá vị trí I là 36.000 đồng/m2 là đúng quy định...

Ngày 5-9-2014, UBND xã Thành Tâm ra thông báo cưỡng chế, giải tỏa mặt bằng đối với các hộ. Ngày 16-9, xã tiến hành ngay, chặt phá vườn cao su của 4 hộ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Tuân - Chủ tịch UBND huyện Chơn Thành - khẳng định việc triển khai dự án TTHC xã thực hiện theo đúng quy định pháp luật, không có dấu hiệu sai phạm. Bốn hộ tiếp tục gửi đơn lên cấp cao hơn.

Khoản 1 điều 56 Luật Đất đai năm 2013 đã sửa đổi bổ sung nêu rõ việc định giá đất của Nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc: sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường; khi có chênh lệch lớn phải điều chỉnh cho phù hợp. Chính phủ cũng quy định phương pháp, nguyên tắc xác định giá đất và mức giá do UBND tỉnh quy định được công khai vào ngày 1-1 hàng năm để làm căn cứ xác định... tại mục 1 điều 8 chương III NĐ188/2004 về phân vùng đất. Ở phần này, căn cứ QĐ giải quyết khiếu nại của Thanh tra tỉnh Bình Phước và UBND huyện Chơn Thành cho rằng vùng đất của bốn hộ là trung du thì không chính xác, thiếu khách quan bởi thực tế đây là vùng đất thấp, bằng phẳng, điều kiện lưu thông thuận lợi, vị trí tứ cận: giáp Quốc lộ 13 và khu dân cư (KDC). Ngoài ra, điều 3 QĐ 67 cho rằng Bình Phước là tỉnh miền núi cũng không đúng vì căn cứ QĐ42 (ngày 23-5-1997) và QĐ68 (ngày 9-8-1997) của Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc và miền núi thì bốn huyện Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bình Long được công nhận là huyện miền núi, mà không có huyện Chơn Thành. Vì vậy, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành phải được phân là đồng bằng và trung du, chứ không phải trung du và miền núi.

Theo khung giá đất do Chính phủ quy định tại NĐ123/2007 thì việc phân loại đất của các hộ phải thuộc về xã đồng bằng, được tính mức tối thiểu 50.000 đồng/m2, tối đa 158.000 đồng/m2 và giá đất ở tại nông thôn là 1,6 triệu đồng/m2 quy định tại bảng 5 NĐ này (không phải 1,2 triệu đồng/m2 như QĐ của huyện). Trong trường hợp này, đất của các hộ theo đúng điều kiện được bồi thường hỗ trợ cần áp dụng khoản 2 điều 21 và khoản 1 điều 21 NĐ 69/CP. Tuy nhiên, UBND huyện Chơn Thành và Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) chỉ hỗ trợ cho người dân có 1,5 lần, cách tính này không có căn cứ, cơ sở.

Về trình tự thu hồi đất, Văn bản 02 của TTPTQĐ tỉnh Bình Phước ngày 9-1-2012 trả lời ý kiến các hộ như sau: "Khi nào bản đồ được phê duyệt thì UBND xã Thành Tâm sẽ công khai cho các hộ biết", nhưng trên thực tế ngày 29-12-2011 UBND huyện đã ban hành QĐ thu hồi trước khi có quy hoạch về mục đích sử dụng đất. Và tại mục a khoản 2 điều 4 QĐ67/2011 thì "khu vực 1 bao gồm đất nông nghiệp nằm trong phạm vi KDC thị trấn hoặc KDC nông thôn mới được quy hoạch đã xác định ranh giới".

"Chúng tôi rất mong phát triển, nông thôn hóa tỉnh nhà, nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân" - các hộ bày tỏ nguyện vọng.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=526388&mod=detnews&p=