Công ty '2 sọt'

TP - Nhiều năm qua, hàng nghìn cụm dân cư dọc đường biên và vùng quê hẻo lánh chưa có chợ ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn trìu mến gọi những chiếc xe máy thồ đủ loại hàng hóa linh hoạt, khéo léo, lấy công làm lãi là Công ty 2 sọt...

Ngày nắng cũng như ngày mưa, quanh năm suốt tháng, quy trình kinh doanh 2 sọt Nguyễn Thị Lân ở thôn 4 xã Ea Wer huyện Buôn Đôn tỉnh Đăk Lăk bắt đầu từ gian chợ chiều chuyên bán vật dụng, phiên chợ đêm chuyên bán thực phẩm tươi sống để mua các thứ ghi sẵn theo lời dặn của khách hàng, xếp đầy 2 sọt xuất phát trước 4 giờ sáng. Từ nhà, Lân theo đường vào buôn Đrăng Pôk – Buôn Đôn đem hàng rải lần lượt tới các chốt biên phòng, các trạm kiểm lâm. Nếu không gặp trắc trở, đúng 9 giờ sáng chị đã vượt qua 60km bàn giao hàng cho anh nuôi đồn biên phòng Sêrêpốk, sau đó tiếp tục chạy xe hơn 10 km nữa đưa hàng cho công nhân làm đường. Bên bán, bên mua đều giở sổ ra kiểm tra từng mặt hàng dặn trước xem đủ chưa, đặt tiếp loại hàng cần cho ngày hôm sau, và chốt khoản thanh toán trong ngày là bao nhiêu, ghi sổ cộng dồn thanh toán theo tuần hoặc theo tháng. Hồi mới vào nghề, Lân chỉ đưa hàng vào bán cho dân các buôn. Nhờ tạo được uy tín về sự chăm chỉ, hàng ngon giá rẻ và đảm bảo giờ giấc, chị lần lượt được các đồn, trạm ký hợp đồng cung ứng dài hạn để hàng ngày có thực phẩm tươi. Chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ đồn 743 Phan Ngọc Thanh khen: “Chúng tôi nể phục cô Lân lắm, chưa bao giờ cô trễ giờ, kể cả ngày mưa bão cô vẫn đưa hàng vào được”. Mà quả thật, nhiều anh lính biên phòng hâm mộ chị như hâm mộ cầu thủ bóng đá. Hàng ngày mong ngóng giây phút chị vượt đường xa vèo xe vào tận bếp đồn để được trêu: “Bọn anh ở đây suốt cả năm không thấy một bóng tóc dài, vậy mà em vào đây tóc lại ngắn tun tủn. Ờ mà tóc dài làm sao chịu thấu gió bụi cao nguyên?”. Cơn bão số 9 năm 2009 tràn qua, đoạn ngang trạm kiểm lâm số 6 xã Krông Na ngổn ngang cây rừng to hàng ôm đổ chắn ngang đường. Nhiều bác tài ô tô trông thấy lắc đầu quay lui. Riêng Lân cố gắng vượt qua bằng mọi cách: trèo, chui, bẻ cành, dọn cây, men theo rãnh thoát nước hai bên đường. Nhiều lần chị phải dỡ hàng chuyển từng ít rồi mới ra sức bẩy con xe. Có khi trong cơn giông gió tầm tã, chị lấm lem bùn đất vào tới đồn chậm mất mấy tiếng, nghe thấy tiếng hò reo chào đón vui mừng của lính trẻ lính già, bao mệt nhọc âu lo tan biến hết ! Chị Hà Thị Nhãn ( thôn Ea Ma, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) làm nghề “đi chợ giùm” từ năm 1997. Nay đã qua tuổi 50, mỗi ngày chị vẫn chạy xe hơn trăm kilômét với 2 sọt hàng nặng trĩu, về tới nhà lại tất bật chăm sóc con trai út 20 tuổi bị bại não từ nhỏ luôn nằm bất động. Chồng chị bị đau cột sống từ lâu, gần đây lại ngã xe rạn xương, cả nhà phải sống dựa vào sọt hàng của chị Nhãn. Chị tâm sự: “Nghề này vất vả quá nhưng vui, có ích cho mọi người. Dân vùng sâu luôn trông chờ, động viên nên mình càng gắn bó với 2 sọt hàng trên từng cây số...”. Những khó khăn, rắc rối mà dân 2 sọt gặp phải dọc đường có thể kể mấy ngày không hết. Có bác tài mệt quá nên ngủ gục ngay bên đường khi đang vá săm xe. Lại có người bị ngã do tông phải thú rừng băng qua đường, bình nứt chảy hết xăng. Chị Nguyễn Thị Bé ( thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana) chia sẻ kinh nghiệm sau hơn 10 năm lập Cty: “Làm nghề này mùa mưa nhất thiết phải mang theo vài chiếc khăn mùi soa, ni lông để bịt kín bugi và nút chặt ống xả khi vượt những vũng nước ngập sâu. Trong sọt hàng bao giờ cũng phải có dao và thanh sắt để đề phòng khi gặp kẻ xấu vì đường rừng vắng người”. Chẳng ai đếm được bao nhiêu Cty 2 Sọt ngày ngày lặng lẽ tải đủ loại hàng hóa cung ứng tiện lợi cho hàng vạn dân sinh sống nơi vùng sâu vùng xa. Chỉ biết, kiểu dịch vụ tự phát đáp ứng nhu cầu mua bán của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hình thành không lâu sau ngày miền Nam giải phóng tới bây giờ, bắt đầu nhem nhóm từ đôi ba anh xe thồ nhạy bén nắm bắt thời cơ trong những xóm nghèo, sau ngày càng lan rộng phát triển. Có làng, nhà nào cũng sắm xe sắm sọt để lập Cty. Có đại gia đình cả vợ chồng con cái đều sống khỏe bằng nghề 2 sọt. Mua rẻ bán rẻ, trừ tiền xăng xe còn lãi chẳng bao nhiêu, cánh 2 sọt thường tranh thủ lượm nhôm nhựa chuyến về để tăng thu nhập. Gia đình anh Lê Văn Thanh ở thôn 10 xã Hòa Khánh có 3 lao động chuyên nghề 2 sọt. Tuyến đường quen thuộc cha con anh vẫn chạy mỗi ngày trọn vòng dài hơn 300 cây số, từ ngoại thành Buôn Ma Thuột qua tới 6 đồn biên phòng. Đưa chúng tôi xem chồng sổ tay đủ màu, anh giải thích : “Mỗi đồn 1 sổ cho dễ theo dõi, riêng đồn BoHeng lập phiếu từng ngày cũng tiện. Hết tháng cộng lại, mỗi đồn bình quân vài ba chục triệu tiền chợ”. Đại tá Lê Đáng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Đăk Lăk thâm niên 32 năm trong ngành, một trong những chỉ huy rất ủng hộ loại dịch vụ này, cho biết trừ đồn Đăk Lao thuận tiện gần chợ, còn cả 18/19 đồn biên phòng trải dài trên 240km đường biên thuộc 2 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông đều hợp đồng dài hạn với các Cty 2 sọt. “Chẳng ai phóng xe máy trên đường biên giới nhanh như cánh 2 sọt, vì họ thuộc tới từng ổ gà, gốc cây. Vài năm gần đây toàn tuyến có điện, lại phủ sóng Viettel, cần thức gì đột xuất bất cứ lúc nào đồn cũng alô cho cánh 2 sọt, tiện lắm!” - Ông Đáng nói. Một cán bộ huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum gặp chúng tôi chăm chú chụp ảnh những Cty 2 sọt thồ đầy hàng vào xã, thích thú khen: Coi đơn giản vậy mà hay ra phết! Hàng trao tận tay, giá vẫn rẻ, không tốn công đi mà vẫn muốn gì có nấy. Từ khi có lối mua bán tiện lợi này, bà con ở thôn làng xa không cần vất vả tìm chợ nữa. Vì vậy, từ lâu, dù không sở ngành đoàn thể nào quản lý, không cần khen thưởng hay báo cáo thành tích, những Cty 2 sọt với những chiếc xe máy cà tàng chở hai sọt hàng nặng trên một tạ với vô số thứ mặt hàng linh tinh: rau quả, thịt cá, kim chỉ, mắm muối, gạo, dầu, bánh kẹo... và cả mớ đồ nghề không được phép quên như bơm, keo, kềm, búa, mỏ lết, tua vít, đồ vá săm v...v... luôn luôn là hình ảnh thân thương, trìu mến và đầy uy tín trong mắt đồng bào chiến sĩ vùng sâu...

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=187524&channelid=4