Công ty Than Hạ Long: Bước chuyển sau tái cơ cấu

Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu của Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam, sau 1 năm hoạt động doanh nghiệp theo mô hình mới, Công ty Than Hạ Long đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện, thu nhập tăng lên. Đây chính là những thành công bước đầu, ghi nhận sự nỗ lực và bước đi đúng hướng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu của công ty.

CôngThương - Trách nhiệm và cơ hội

Đến với Công ty Than Hạ Long hôm nay, chúng tôi đã cảm nhận được niềm vui của tập thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nơi đây, tại “ngôi nhà mới” của công ty ở thành phố Cẩm Phả, Phó giám đốc Đoàn Đắc Thọ chia sẻ: Công trình là một trong những động thái đầu tiên của Than Hạ Long ngay sau khi bắt tay vào thực hiện đề án tái cơ cấu. Cùng với việc chuyển trụ sở để thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành công ty cũng chính thức thành lập Trung tâm Sản xuất điều hành, chịu trách nhiệm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Tìm hiểu về hiện trạng của công ty trước khi thực hiện tái cơ cấu, ông Thọ cho biết: Tại thời điểm chưa thực hiện tái cơ cấu, công ty phải quản lý 112 đầu mối với số lao động lên tới 4.986 người. Đầu mối nhiều, điều hành sản xuất thiếu chủ động, quản lý hành chính thiếu đồng nhất… Công tác quản lý an toàn, chăm lo đời sống cho người lao động cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, ngay khi có chỉ đạo của tập đoàn về việc thực hiện tái cơ cấu, ban lãnh đạo công ty đã xác định: Đây không chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệm, mà quan trọng hơn đây chính là cơ hội để Than Hạ Long khắc phục những tồn tại, từng bước tạo nên những bứt phá cho bước đường phát triển tiếp theo.

Từ suy nghĩ này, Ban thường vụ Đảng ủy công ty đã họp ra nghị quyết chỉ đạo nội dung tái cơ cấu sắp xếp lại công ty, phân công nhiệm vụ cụ thể cho chuyên môn và khối đảng, đoàn thể của công ty. Theo đó, phương án phân loại lao động, lập đề án tổng thể đánh giá thực trạng lao động, phương án sắp xếp ổn định tổ chức của công ty và các phân xưởng, ổn định tư tưởng cho CBCNV… được các phòng, ban, phân xưởng của công ty thực hiện tích cực và hiệu quả. Ban giám đốc cũng tổ chức nhiều buổi gặp riêng để trò chuyện, động viên, nắm bắt diễn biến tình hình, từng bước để người lao động hiểu chủ trương đúng đắn của nhà nước và tập đoàn. Cùng với đó, giải quyết chính sách cho người lao động một cách “hợp lý, hợp tình”. Nhờ đó, việc tái cơ cấu nguồn nhân lực đã có những chuyển biến tích cực, đại đa số người lao động đã yên tâm gắn bó và tin tưởng vào mô hình mới của công ty…

Bên cạnh đó, Công ty Than Hạ Long cũng ban hành đồng loạt các quy chế, quy định, cơ chế… theo mô hình quản lý mới. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào từng điều kiện sản xuất để có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.

Giám đốc Vũ Văn Điền gặp mặt đối thoại Tổ trưởng sản xuất, công nhân trực tiếp có thu nhập cao

Theo lộ trình tái cơ cấu, từ lúc chuyển đổi cho đến hết năm 2015, Công ty Than Hạ Long TKV sẽ tiến hành sáp nhập, ghép các phân xưởng công trường phù hợp theo hướng tinh gọn, tập trung và thuận lợi cho cơ giới hóa, hiện đại hóa. Các phòng, ban sẽ sáp nhập hoặc tách ghép cho phù hợp với quy mô, yêu cầu và nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh.

Than Hạ Long hôm nay

Từ 112 đầu mối hôm nào, đến nay, công ty chỉ còn 55 đầu mối. Việc tổ chức hoạt động đã được thống nhất theo mô hình công ty một cấp. Tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh và hệ thống bộ máy điều hành quản lý từ công ty đến phân xưởng. Công ty cũng đã tách và sáp nhập một số đơn vị sản xuất cho phù hợp với mô hình quản lý mới.

Song song với đó, Than Hạ Long triển khai mạnh mẽ công tác khoán quản trị chi phí và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, ngay từ đầu tháng 10/2013, công ty đã ban hành lại quy chế khoán và quản trị chi phí, bộ định mức các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ, định mức vật tư, nguyên nhiên, vật liệu phụ tùng… sát với điều kiện thực tế, tránh thất thoát, lãng phí. Hướng dẫn các phân xưởng, tổ, đội sản xuất phương pháp lập kế hoạch, giao và quyết toán chi phí khoán hàng tháng, hướng dẫn các phân xưởng cập nhật theo dõi giá thành từng ngày.

Riêng với công tác đầu tư xây dựng cơ bản, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các dự án khai thác mỏ than Hà Ráng, Bắc Cọc Sáu..., nhằm đáp ứng sản lượng năm 2015 và các năm tiếp theo; công ty đặc biệt quan tâm và kiểm soát chặt chẽ việc tính toán hiệu quả kinh tế, tổ chức đấu thầu, giám sát trong quá trình triển khai dự án, công tác thanh quyết toán, thu xếp nguồn vốn và giải ngân đúng với quy định của nhà nước và tập đoàn. Đến nay, dự án đầu tư xây dựng Mỏ than Khe Chàm 2-4 (công suất thiết kế 3,5 triệu tấn than nguyên khai/năm) cũng đã được công ty thu xếp và ký hợp đồng với các tổ chức tín dụng để triển khai. Đặc biệt, để cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động, công ty đã đầu tư xây dựng bốn khu nhà chung cư 5 tầng trên trên khu đất mới ở Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả; đảm bảo chỗ sinh hoạt cho trên 1.200 công nhân; lắp hơn 220 máy điều hòa nhiệt độ hai chiều để phục vụ cho phòng ở công nhân tập thể; tiến hành khảo sát xây dựng nhà thi đấu cầu lông, sân bóng đá nhân tạo để phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao; tổ chức đủ xe ôtô để đưa đón công nhân làm việc tại các khu vực sản xuất.

Ngoài ra, công ty còn tăng cường công tác tuyên truyền, duy trì thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và không ngừng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp”, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Với cách quản lý này, công tác kỹ thuật, an toàn, điều hành sản xuất của công ty đều tốt hơn so với 1 năm về trước. Việc quản trị chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã làm giá thành sản xuất 1 tấn than giảm so với trước đây, thu nhập bình quân bằng 105,8% trước khi tái cơ cấu.

Đoàn thanh niên tham gia trồng cây hoàn nguyên môi trường

P.V

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep/65372/cong-ty-than-ha-long-buoc-chuyen-sau-tai-co-cau.htm