Công ty TQ né cấm vận, 'tiếp sức' cho Triều Tiên ra sao?

Mỹ mới đây đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty, tổ chức của Trung Quốc và Nga có giao dịch với Triều Tiên, nhưng vì sao Washington lại đi đến quyết định này?

Triều Tiên đạt bước tiến vượt bậc trong công nghệ chế tạo tên lửa hạt nhân tầm xa.

Theo Washington Post, Chi Yupeng, một công dân Trung Quốc 48 tuổi, kiểm soát mạng lưới công ty nhập khẩu số lượng than tương đương 700 triệu USD.

Đổi lại, các công ty của Chi đã chuyển cho Triều Tiên rất nhiều sản phẩm khác, bao gồm điện thoại di động, đường, đồ xa xỉ và thậm chí cả các thiết bị dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa, các quan chức Mỹ nói trên Washington Post.

Thông tin về mạng lưới làm ăn của Chi cho thấy cách các công ty Trung Quốc dễ dàng né cấm vận để giao dịch với Triều Tiên, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kho vũ khí đáng sợ của Bình Nhưỡng.

Các hoạt động nhập khẩu than từ Triều Tiên từ các công ty của Chi Yupeng vẫn diễn ra cho đến tháng 6 năm nay.

“Họ đóng góp 10% tổng sản lượng than nhập khẩu từ Triều Tiên trong năm ngoái. Điều đó cho thấy đóng góp của các công ty Trung Quốc cho Triều Tiên còn lớn hơn nhiều”, chuyên gia Mỹ David Thompson nói.

Mới đây nhất, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu trừng phạt công ty Dandong Zhicheng Metallic Material của Chi Yupeng vì hành vi rửa tiền, trong đó có khoản tiền 4 triệu USD bị nghi là rửa cho Triều Tiên. Số tiền này hiện đang bị phía Mỹ phong tỏa.

Mỹ đặc biệt quan ngại đến các hoạt động giao dịch của công ty Trung Quốc với Triều Tiên.

Quan chức Mỹ dẫn thông tin từ một công dân Triều Tiên đào tẩu cho biết, 95% lượng ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu than và khai thác khoáng sản được Triều Tiên chuyển cho quân đội phát triển vũ khí.

Với tư cách là nhà nhập khẩu than lớn, Chi Yupeng cũng có mối liên hệ đặc biệt với chính quyền Triều Tiên. “Triều Tiên dựa vào một nhóm người đáng tin cậy để làm ăn và Chi Yupeng là một trong số đó”.

Năm 2005, Chi Yupeng thành lập công ty Dandong Zhicheng Metallic Material và công ty này nhanh chóng trở thành nhà nhập khẩu than lớn nhất từ Triều Tiên. Người vợ Zhang Bing của Chi Yupeng hiện đang là giám đốc công ty Dandong.

Tài liệu từ phía Mỹ tiết lộ, Chi Yupeng đã dùng nhiều cách để lách cấm vận. Một trong số đó là việc trao đổi hàng hóa, thay vì sử dụng tiền tệ. Chi cũng lập ra nhiều công ty ma, giao dịch với Triều Tiên để tránh sự chú ý của quan chức Mỹ.

Một người Trung Quốc khác tên Sun Sidong là chủ công ty Dandong Dongyuan Industrial. Công ty này dùng chung địa chỉ email với Dandong Zhicheng Metallic Material.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh chế tạo thêm nhiều động cơ tên lửa và đầu đạn hạt nhân hơn nữa.

Tháng 6.2016, Dandong Dongyuan Industrial gửi sang Triều Tiên một lô hàng thiết bị trợ giúp điều hướng vô tuyến trị giá 800.000 USD. Chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu James Martin về Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân kết luận "hạng mục trên có thể chứa những thiết bị dẫn đường cho tên lửa đạn đạo".

Dữ liệu do công ty chuyên theo dõi các giao dịch thương mại toàn cầu Panjiva tổng hợp cho thấy, hơn 60 lô hàng mà công ty của Sun chuyển tới Triều Tiên đều thuộc hạng mục "lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc và thiết bị cơ khí".

Các chuyên gia nhận định danh sách mặt hàng rộng kiểu như vậy sẽ giúp Triều Tiên né được các lệnh trừng phạt nhằm ngăn nước này nhập khẩu những thiết bị phục vụ mục tiêu phát triển vũ khí.

“Đây là các công ty Trung Quốc đứng đầu trong mạng lưới hỗ trợ quân đội Triều Tiên và chương trình chế tạo vũ khí của Triều Tiên”, thẩm phán Mỹ Channing Phillips tuyên bố.

"Việc các cá nhân và công ty tại Trung Quốc và Nga cũng như ở bất cứ nơi đâu, tạo điều kiện để Triều Tiên có thêm thu nhập để phục vụ phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt, gây bất ổn trong khu vực là điều không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Tài chính Steven T. Mnuchin cho biết.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/cong-ty-tq-ne-cam-van-tiep-suc-cho-trieu-tien-ra-sao-798925.html