Công Vinh ghi bàn: Là "may" hay là "kiểu" Raul, Nistelrooy?

(VTC News) - Đêm qua, Công Vinh đã “nổ súng” lần đầu trong trận đấu chính thức trên đất Bồ. Đó là lúc chúng ta cần nhìn nhận về anh và về vận hội của bóng đá việt Nam (BĐVN).

Kể từ sau chức vô địch Cúp Quốc gia (Taca de Portugal) đầu tiên ở mùa giải 1960-61, Leixoes chưa giành danh hiệu ấy thêm một lần nào nữa. Thành tích tốt nhất của họ sau đó là vào đến trận chung kết năm 2002 (thua Sporting Lisbon 0-1). Trong trận đấu chính thức thứ 2 của Leixoes, Công Vinh đã ghi bàn. Bởi vậy, đội bóng thành phố Matosinhos đang khao khát giành lại danh hiệu ấy. Đêm qua, Leixoes đã đánh bại Casa Pia 2-1 trên sân nhà trong trận đấu ở vòng 3 Taca de Portugal để giành vé thẳng tiến vào vòng 4 (sẽ tổ chức vào các ngày 21 và 22/11 sắp tới). Góp công lớn trong chiến thắng của Leixoes hôm qua, thật đáng tự hào cho người hâm mộ Việt Nam, là tiền đạo Lê Công Vinh. CV9 là người mở tỷ số ở cuối hiệp 1, trước khi rời sân ở phút 60. Đó là bàn thắng, mà theo mô tả của trang web chính thức Leixoes, là “pha ghi bàn đặc biệt của cầu thủ quốc tế người Việt Nam”. “Nhận đường chuyền của Nelson, người châu Á nhỏ bé đã nhanh hơn tất cả, bật cao đánh đầu tung lưới thủ thành Crespo”, website của Leixoes viết về bàn thắng chính thức đầu tiên của Công Vinh. Pha ghi bàn của CV9 đã mở đường cho chiến thắng của Leixoes. Sau đó, tiền vệ Fábio Espinho đã nhân đôi cách biệt ở phút 61, và dù đội bóng hạng 3 có gỡ lại một bàn sau khi Công Vinh rời sân thì chiến thắng và suất đi tiếp vào vòng 4 vẫn nằm trong túi thầy trò Jose Mota. Công Vinh, “hay” hay là “may”? Khi thực hiện loạt bài về Công Vinh trên đất Bồ, VTC News đã nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều. Trong số những độc giả gửi phản hồi, đa số bày tỏ niềm vui mừng, hân hoan trước bước tiến của CV9, từ việc anh ghi được bàn thắng trong các trận giao hữu, chăm chỉ luyện tập, được HLV khen ngợi, tới việc Vinh chơi đủ 90 phút trong một trận ở giải VĐQG Bồ Đào Nha và trong trận đấu chính thức thứ 2, anh đã ghi bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện những ý kiến theo chiều hướng ngược lại. Một số độc giả cho rằng không nên đề cao thái quá về Công Vinh. Rất nhiều lý do được đưa ra: Bởi anh xuất ngoại là nhờ tiền và mối quan hệ của bầu Hiển, bởi Công Vinh luôn may mắn, gặp thời, trong khi không có kỹ thuật và tài năng gì đặc biệt… Văn Quyến, đồng đội của Vinh ở SLNA trước đây, cũng được một số độc giả đưa ra để làm so sánh, và rằng Quyến kỹ thuật giỏi hơn Vinh nhưng lại không gặp may. Tuy nhiên, cần phải nói rằng trong bóng đá hiện đại, kỹ thuật cá nhân không còn được quá đề cao. Raul Gonzalez, Van Nistelrooy và Inzaghi không phải là những mẫu cầu thủ có kỹ thuật quá siêu hạng, nhưng họ là những “Số 9” đích thực - những "sát thủ" săn bàn. Hai người đầu đang dẫn đầu danh sách ghi bàn ở Cúp C1/Champions League, người thứ 3 là cây săn bàn tốt nhất các cúp châu Âu. Một chiến công phi thường sẽ là bình thường nếu nó được thực hiện bởi một người có tài năng phi thường (như Maradona). Ngược lại, chiến công ấy sẽ là phi thường thực sự nếu được làm nên bởi một người bình thường. Van Nistelrooy, Raul, Inzaghi là những người như vậy. Nhiệm vụ quan trọng nhất của tiền đạo là ghi bàn, và họ đã làm nó một cách xuất sắc. Việc các tiền đạo không quá giỏi kỹ thuật ca nhân nhưng vẫn thành công là xu hướng khách quan của thời đại, khi bóng đá ngày càng đề cao tính hiệu quả hơn là tính biểu diễn. Denilson (đã chơi cho XM. HP), từng là cầu thủ đắt nhất thế giới, có kỹ thuật cá nhân điêu luyện nhưng toàn thất bại. Trong khi đó, những người cùng lứa với anh, Ronaldo, Rivaldo đều đã là những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Kaka đã giành cú đúp Quả bóng Vàng châu Âu và thế giới dù anh không có gì quá nổi trội ngoài sự tinh khôn, tốc độ và cả… vận may. Cristiano Ronaldo sở hữu một kho kỹ thuật nhưng anh thành công là nhờ những pha đi bóng tốc độ và những cú sút căng như tên bắn, thay vì những pha vờn bóng sớm muộn cũng bị bắt bài. Một số người cho rằng Công Vinh đã gặp may bởi anh chỉ nổi lên sau khi Văn Quyến bị cấm thi đấu, hơn nữa, Vinh cùng ĐTQG Việt Nam vô địch Đông Nam Á khi các đối thủ cạnh tranh (điển hình là Thái Lan) đã suy yếu, không còn là chính mình. Nói tóm lại, Công Vinh là một người “gặp thời”. Tuy nhiên, có hơn một cách để trở thành cầu thủ lớn. Cách thứ nhất là vĩ đại như Maradona, một mình đưa Argentina với không nhiều ngôi sao đến 2 trận chung kết Cúp thế giới với một lần đăng quang. Không nhiều người làm được như Maradona (bởi vậy, anh mới được xem là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại). Maradona là mẫu “anh hùng cái thế”. Còn cách thứ 2 có vẻ dễ dàng hơn, là “thời thế tạo anh hùng”. Đó là khi thời cơ đến, khi lịch sử gọi tên, anh có thể tận dụng? Nếu anh thành công, anh mở toang cánh cửa của lịch sử, của thời đại, anh vẫn “vĩ đại” theo cách của mình. Văn Quyến và Hồng Sơn là những cầu thủ rất xuất sắc của Việt Nam, chúng ta không phủ nhận điều đó, nhưng thời cơ của họ chưa đến bởi bóng đá Việt Nam khi ấy chưa thể vươn đến “tầm” có thể vô địch khu vực. Nhưng Công Vinh có công đưa VN đến chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử nước nhà, đó là cái “vĩ đại” của riêng anh. Chuyện Công Vinh, chuyện bóng đá Việt Nam Chuyến xuất ngoại của Công Vinh cũng nhận được nhiều ý kiến đánh giá, giống như khi người ta đánh giá về tài năng của anh. Có người coi việc CV9 “du học” là chiến lược kinh doanh sặc mùi thương mại và để đánh bóng hình ảnh của bầu Hiển. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng việc Vinh xuất ngoại đã mở ra cơ hội lớn cho bóng đá Việt Nam - cơ hội hội nhập với bóng đá thế giới. Công Vinh có thể vẫn chưa tỏa sáng (bởi anh mới chỉ ghi bàn vào lưới đội bóng hạng 3), có thể anh sẽ thất bại, nhưng nếu cứ sợ thất bại, thì bao giờ mới có được chiến thắng, bao giờ người Việt mới tiếp thu được với tinh hoa của bóng đá nhân loại? Như một triết gia từng nói: Điều quan trọng không phải là anh thế nào ở hiện tại, mà là ngày mai anh có thể sẽ sống tốt hơn hôm nay. Rồi 10 năm, 20 năm nữa, sẽ có những cầu thủ Việt Nam tiếp theo được xuất ngoại thi đấu, họ có thể sẽ vang danh ở châu Âu lục địa, hơn là Công Vinh, họ có thể sẽ giành được nhiều thành tích hơn nữa trên đất khách. Nhưng có điều chắc chắn, sẽ không ai quên Công Vinh. Bởi anh là người đầu tiên, là người khai phá, là người phá bỏ sự tự ti rằng những anh chàng da vàng nhỏ thó không thể thành danh ở châu Âu. Cũng như rồi đây, sẽ có hàng ngàn hàng vạn người leo lên đỉnh Everest. Lúc ấy, người ta sẽ “sáng tác” ra hàng trăm loại kỷ lục: Người leo lên đỉnh ngọn núi cao nhất thế giới trong thời gian nhanh nhất, người già nhất chinh phục Everest, người trẻ nhất chinh phục Everest… Nhưng người ta sẽ nhớ mãi về Edmund Hillary, người đầu tiên chinh phục nóc nhà của thế giới. Cái đầu tiên luôn ẩn chứa tính chất kỳ vĩ của riêng nó, dù cái đầu tiên ấy có thể không tốt, không trọn vẹn như chúng ta hằng mong đợi. Bởi vậy, hãy cổ vũ cho Công Vinh đi, bởi anh hoàn toàn xứng đáng với nhiều hơn nữa những lời động viên, khen ngợi! Nguyễn Đỉnh Bạn đánh giá thế nào về Công Vinh và chuyến “du học” của anh trên đất Bồ? Hãy chia sẻ ý kiến với VTC News qua hộp thư thảo luận cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu)! Trân trọng!

Nguồn VTC: http://vtc.vn/thethao/248-229170/bong-da-trong-nuoc/cong-vinh-ghi-ban-la-may-hay-la-kieu-raul-nistelrooy.htm