COP 26: Báo động đỏ ô nhiễm làng nghề

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà các làng nghề đã và đang đem lại, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nhưng trong quá trình phát triển, khá nhiều làng nghề ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, rác thải, nhất là nước thải… ngày một gia tăng. Ô nhiễm đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân. Giải quyết tình trạng ô nhiễm làng nghề vẫn là bài toán khó, chưa có lời giải.

Tại làng nghề thu gom, tái chế rác thải điện tử lớn nhất cả nước xã Cẩm Xá (Hưng Yên)…Rác thải chất như núi, nằm ngay giữa những cánh đồng trồng lúa của người dân. Rác sinh hoạt lẫn với rác điện tử, được đốt tự do, không đảm bảo quy định.

Còn tại các làng nghề tái chế nhôm, ống khói vẫn nghi ngút suốt ngày đêm. Nước thải, khí thải đều được xả trực tiếp ra môi trường mà không qua bất cứ một khâu xử lý nào. Nồng độ bụi, khí độc (CO, SO2...) đều vượt quá giới hạn cho phép; nước thải gây ô nhiễm cả một vùng.

Chính những hệ lụy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư, còn nhiều dây chuyền công nghệ lạc hậu, người dân vẫn chưa ý thức trong bảo vệ môi trường…khiến môi trường đất, nước, không khí tại làng nghề luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng nề.

GIẢI QUYẾT Ô NHIỄM LÀNG NGHỀ: CÒN KHÓ

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 2.000 làng nghề truyền thống, nhưng tới 80% làng nghề, các cụm công nghiệp làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Dù một số mô hình xử lý nước thải, khí thải làng nghề cũng đã được thực hiện tại các địa phương. Tuy nhiên việc triển khai các mô hình này vẫn còn gặp không ít thách thức.

Tại khu sản xuất tập trung làng nghề dệt nhuộm xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã đầu tư trạm xử lý nước thải có tổng mức đầu tư trên 48,4 tỷ đồng. Với công nghệ hóa lý kết hợp sinh học hữu cơ, đã xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn A để xả ra môi trường. Nhờ đó giúp giải quyết triệt để vấn đề nước thải của 14 hộ sản xuất trung bình từ 200-220m3/ ngày, cao điểm có ngày 300m3.

Tại làng nghề dệt lụa Nha Xá với 90% hộ dân làm nghề dệt lụa, các hộ dệt nhuộm cũng đã mạnh tay chi hàng trăm triệu đồng tự đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại chỗ, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính vẫn là khó khăn lớn nhất trong đầu tư các hệ thống xử lý nước thải làng nghề.

Khi các làng nghề vẫn nằm xen lẫn trong các khu dân cư thì việc giải quyết vấn đề ô nhiễm vẫn còn khó. Nhưng thực tế cho thấy, việc di dời các làng nghề này vào các cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung vẫn gặp nhiều vướng mắc.

GIẢM Ô NHIỄM LÀNG NGHỀ: CẦN GIẢI PHÁP GÌ?

Vấn đề môi trường lâu nay vẫn luôn là vấn đề nan giải, trong làng nghề càng phức tạp và khó khăn hơn. Bởi làng nghề đa phần có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chính vì vậy việc phát triển lưu giữ giá trị làng nghề gắn với bảo vệ môi trường cần những giải pháp đồng bộ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS BÙI THỊ AN, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng để làm rõ hơn những giải pháp này. Mời quý vị cùng theo dõi.

Trong xu thế hiện nay, phát triển làng nghề bền vững theo hướng cân bằng kinh tế và môi trường là giải pháp tất yếu. Việc thay đổi tư duy, nhận thức rất quan trọng, cần ưu tiên giải quyết cấp bách..… Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm tham gia của cộng đồng và công cụ kinh tế, tài chính là đòn bẩy trực tiếp để hỗ trợ bảo đảm cân bằng kinh tế và môi trường ở các làng nghề.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cop-26-bao-dong-do-o-nhiem-lang-nghe-220918.htm