“Cột sống” kinh tế

(ANTĐ) - Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Kế hoạch - Đầu tư chuẩn bị trình Quốc hội trong phiên khai mạc ngày 20-10 Đề án tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh trong giai đoạn “hậu” suy giảm kinh tế. Đề án này tập trung đánh giá tác động của khủng hoảng và dự báo những biến đổi của nền kinh tế thế giới, mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường để từ đó xác định mô hình phát triển và tái cấu trúc nền kinh tế nước ta.

Thủ tướng cũng yêu cầu khi xây dựng Đề án phải đề xuất các chính sách, cơ chế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn phát triển với việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, xử lý nhanh các “nút cổ chai”, trước hết là hoàn thiện cơ chế để giải phóng mạnh hơn năng lực sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nhân lực. Trong báo cáo thẩm tra của ủy ban Kinh tế và ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô năm 2010 cũng như tình hình thực hiện ngân sách năm 2009 và phương án phân bổ ngân sách 2010, cả hai ủy ban đều đề cập phải tập trung nguồn lực để tái cấu trúc nền kinh tế, xem đây là “cột sống” của kế hoạch phát triển kinh tế cho 5, 10 năm tới. Xác định được “cột sống” kinh tế trong vòng 10 năm tới sẽ giúp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế năm 2010, một “đốt sống” hết sức quan trọng làm điểm tựa khởi đầu để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2021). “Một trong những cơ sở quan trọng nhất để dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 và những năm tiếp theo là xác định khả năng phản ứng về chính sách của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới dù mới hồi phục nhưng vẫn trong tình trạng bất định cao”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh tại cuộc hội thảo mới đây tại Hà Nội. Theo ông Viện trưởng, triển vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2010 và cả những năm sau phụ thuộc rất lớn vào quyết định của Chính phủ đó là ưu tiên các mục tiêu cải cách, tái cấu trúc kinh tế dài hạn hay mục tiêu khôi phục kinh tế ngắn hạn. Ông nói thêm: “Vẫn chưa có định hướng ưu tiên rõ ràng nào cho mục tiêu có tính tranh chấp này” và tất cả phải chờ đến cuối tháng 10 này mới biết Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện gói kích thích kinh tế thứ hai như thế nào. Vậy đâu là mục tiêu ưu tiên của nền kinh tế năm 2010? Theo ý kiến của một số chuyên gia, khi quá trình tăng trưởng đã bắt đầu hồi phục thì nên sớm chuyển sang việc ưu tiên khôi phục môi trường kinh doanh theo cơ chế thị trường, ưu tiên tái cơ cấu hơn là ưu tiên cho tăng trưởng. Vấn đề này đang được Chính phủ cân nhắc và sẽ là một trong những nội dung chủ yếu đặt lên bàn nghị sự trong kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc vào tuần tới. Việc xác định mục tiêu ưu tiên cho giai đoạn phát triển sắp tới đã được manh nha cách đây vài tháng, khi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ chấp bút cho đề án tái cơ cấu kinh tế. Phó Viện trưởng Viện này nhấn mạnh: “Câu hỏi có cần tái cơ cấu hay không không nên đặt ra nữa. Vấn đề ở đây là làm như thế nào”. Một chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, cần lựa chọn “phương thuốc” ngay khi tái cơ cấu chứ không nên là “đề án nghiên cứu cho viện hàn lâm”. Như vậy là đã rõ! Tái cơ cấu nền kinh tế là “cột sống” kinh tế, phải lấy tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước làm “đột phá”. Quan trọng nhất là phải chuyển từ tư duy “tốc độ” sang tư duy “chất lượng”. Tái cấu trúc kinh tế là một trong 4 “đột phá” mà Nhà nước phải kiên trì thực hiện gồm: tiếp tục theo đuổi nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách hệ thống tài chính.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=60178&channelid=3