Covid-19 vẫn lây lan khắp thế giới

Bất chấp nỗ lực chạy đua để tiêm phòng vaccine Covid-19 ở nhiều nơi, Ấn Độ và hầu hết quốc gia trên thế giới vẫn hứng chịu tổn thất nặng từ đại dịch.

Theo dữ liệu của New York Times, tính đến hết ngày 26/4, số ca mắc Covid-19 trong vòng một tuần qua trên thế giới đạt 774.404. So với 2 tuần trước, số người nhiễm nCoV tăng 15%, cao hơn mức trung bình kỷ lục của toàn cầu vào tháng 1 (740.390).

Toàn cầu đã vượt mức 147 triệu bệnh nhân Covid-19, trong đó, hơn 3,11 triệu người tử vong.

Báo cáo trên cũng cho thấy hơn một tỷ liều vaccine đã được tiêm cho người dân toàn cầu. Tờ New York Times nhận định: "Dù một tỷ liều vaccine đã được tiêm, Covid-19 vẫn tràn ra hầu hết quốc gia trên thế giới". Bởi con số một tỷ liều vẫn chưa đủ so với ước tính gần 8 tỷ người trên thế giới.

Theo dữ liệu của Our World in Data (thuộc Đại học Oxford, Anh), 82% liều vaccine đã được tiêm nằm ở nước có thu nhập cao và trung bình. Chỉ 0,2% liều phân bổ cho những quốc gia có thu nhập thấp.

"Chảo lửa" Covid-19 tại Ấn Độ

Dữ liệu của New York Times cho thấy Ấn Độ đang là quốc gia có số ca mắc Covid-19 mới chiếm 1/3 của toàn cầu. Trung bình mỗi ngày, đất nước này có thêm 260.000 người nhiễm nCoV. Sự gia tăng bất thường tại Ấn Độ được cho là do biến chủng mang đột biến kép. Hơn 2.000 người chết vì Covid-19 mỗi ngày, nâng tổng số ca bệnh tử vong vượt mốc 200.000.

Các chuyên gia nhận định những con số này trên thực tế có thể nhiều và khủng khiếp hơn. Thứ xa xỉ với Ấn Độ lúc này là oxy, bình dưỡng khí. Hàng nghìn bệnh nhân chết trên đường đến bệnh viện hoặc thiếu oxy để thở, cơ sở y tế đồng loạt quá tải, lò thiêu khắp nơi rực lửa.

Viện Huyết thanh Ấn Độ là nơi sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ người dân nước này được tiêm phòng vaccine Covid-19 lại thấp đáng kinh ngạc. Khoảng 8,6% người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.

Các chuyên gia y tế lo ngại biến chủng nCoV tại Ấn Độ có thể tạo thành "cơn bão domino" cho những quốc gia khác trên toàn cầu. Biến chủng mang đột biến kép dễ lây hơn, trong khi đó, nhiều nơi bắt đầu lơ là cảnh giác.

Điểm nóng khác tại châu Á là Philippines. Sau Indonesia, Philippines đã trở thành quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á có số ca mắc Covid-19 vượt mốc một triệu người. Theo AP, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 8.929 ca nhiễm mới ngày 26/4, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên con số 1.006.428, bao gồm 16.853 ca tử vong. Các quan chức y tế Philippines đang xem xét khả năng kéo dài lệnh phong tỏa ở khu vực thủ đô Manila.

 Một bệnh nhân Covid-19 chờ được nhập viện ở Nam Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Atul Loke/The New York Times.

Một bệnh nhân Covid-19 chờ được nhập viện ở Nam Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Atul Loke/The New York Times.

Nhiều biến chủng mới xuất hiện

Dữ liệu từ New York Times cho thấy hơn 50% dân số Israel đã được tiêm phòng đủ 2 liều vaccine Covid-19. Đây là quốc gia có tốc độ và tỷ lệ tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Israel cũng được kỳ vọng là nước đầu tiên trên toàn cầu đạt miễn dịch cộng đồng.

Tại Anh, nơi phát hiện biến chủng siêu lây nhiễm B.1.1.7, gần 2/3 người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm phòng ít nhất một liều vaccine Covid-19. So với quy mô dân số, Anh là quốc gia có tỷ lệ người mắc Covid-19 thấp nhất châu Âu.

Ở Mỹ, giới chức nước này vừa lên tiếng xác nhận sẽ viện trợ vaccine ngừa Covid-19 cho Ấn Độ, sau thảm kịch mà nơi này đang phải hứng chịu. Theo Guardian, Mỹ sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine của AstraZeneca vì đã đủ nhu cầu cung cấp cho người dân.

Giáo sư Barry Bloom, nguyên Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, nhận định: “Ấn Độ đã mất cảnh giác khi số ca mắc Covid-19 giảm và họ chủ quan cho rằng đỉnh dịch đã qua. Mỹ và các quốc gia khác nên rút ra bài học từ điều này khi quyết định mọi chính sách trong đại dịch”.

Tiến sĩ Robert Murphy, Giám đốc điều hành Viện Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Northwestern, đánh giá Mỹ có trách nhiệm lớn trong việc gửi những liều vaccine chưa sử dụng tới các quốc gia khác. “Chúng ta phải suy nghĩ tới phạm vi toàn cầu và làm sao để giúp đỡ những nước khác. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ dập tắt được toàn bộ ngọn lửa”.

Số người nhiễm nCoV mới hàng ngày của Mỹ đang giảm mạnh, nhưng vẫn ở mức đáng báo động. Các chuyên gia nhận thấy xu hướng này tương tự năm ngoái khi Mỹ có vẻ đã áp chế được dịch thì bất ngờ tăng vọt số ca mắc trở lại.

 Một người được tiêm vaccine của AstraZeneca tại Bệnh viện quân đội Milan. Ảnh: Alessandro Grassani/The New York Times.

Một người được tiêm vaccine của AstraZeneca tại Bệnh viện quân đội Milan. Ảnh: Alessandro Grassani/The New York Times.

Tuần qua, các nhà khoa học tại Đại học Texas A&M (Mỹ) cũng phát hiện 3 biến chủng virus mới là BV-1, BV-2, BV-3, phân tích từ mẫu bệnh phẩm của sinh viên, giảng viên trong trường. Đặc biệt, biến chủng BV-3 là loại hỗn hợp gồm nhiều hơn một chủng SARS-CoV-2. Các chuyên gia vẫn chưa rõ độc lực của chúng nhưng họ e ngại đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến những đợt bùng phát sắp tới.

Tỷ lệ các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại hầu hết quốc gia Nam Mỹ đều ở mức cao. Tại Brazil, số bệnh nhân mới bắt đầu giảm nhưng vẫn ở mức đáng báo động, nhất là khi nước này chưa thể khống chế biến chủng dễ lây lan P.1. Đến sáng 27/4, Brazil ghi nhận hơn 14,3 triệu người mắc Covid-19, gần 391.000 ca tử vong.

Ở châu Âu, tốc độ tiêm chủng vaccine chậm hơn Mỹ và Canada, Số ca nhiễm nCoV vẫn đặc biệt cao ở Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển… Đặc biệt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vừa ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ quốc gia từ tối 29/4 đến hết 17/5 nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày giảm mạnh từ 63.000 (ghi nhận vào ngày 16/4) xuống dưới 39.000 (thống kê vào ngày 25/4). Tuy nhiên, số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày vẫn giữ ở mức trên 300 người trong vòng một tuần qua.

Ngoài ra, tối 26/4, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố khởi kiện hãng dược phẩm vaccine AstraZeneca vì cho rằng công ty này không giữ đúng thỏa thuận cung cấp vaccine. Theo Bloomberg, AstraZeneca mới chuyển giao 25% số liều vaccine Covid-19 mà EU dự kiến nhận được vào quý I năm 2021. Đồng thời, hãng dược này cũng dự kiến cung cấp cho EU khoảng 70 triệu liều trong quý II, so với 180 triệu được dự kiến trong hợp đồng, theo tuyên bố ngày 12/3.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/covid-19-van-lay-lan-khap-the-gioi-post1208657.html