CTCK bi quan với xu hướng của thị trường

(ĐTCK-online) Đại đa số CTCK đều bi quan với xu hướng của TTCK trong phiên cuối tuần khi cho rằng, khả năng cao là thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm và khuyến nghị NĐT nên đứng ngoài quan sát. Riêng MSC cho rằng, NĐT có thể tiếp tục giải ngân vào phiên cuối tuần.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 18/11.

NĐT có thể tiếp tục giải ngân trong phiên cuối tuần

(CTCK Mê Kông - MSC)

Vùng mà chỉ số VN-Index có nhiều khả năng hình thành đáy nhất nằm trong khoảng từ 372 điểm đến 367 điểm. Cơ hội mua vào đã đến khá gần, vì vậy, nhà đầu tư không cần nhất thiết phải bán tháo ở thời điểm hiện tại dù rằng các bản tin của các công ty chứng khoán khác có bi quan đến thế nào đi chăng nữa….

Công cụ chỉ báo đỉnh, đáy sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn khái quát hơn về diễn biến của thị trường, cũng như chỉ ra thời điểm khi nào thị trường hồi phục mạnh và tạo cơ hội để mua để mua, khi nào thị trường hồi phục nhẹ để thoát “hàng”.

Như đã nêu trong các bản tin trước, việc đường Bear tăng mạnh sẽ cho thấy TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn bi quan và vì thế, đang tạo đáy. Đường Bear lên càng cao thì khả năng tạo đáy càng lớn, trong khi lịch sử đã chứng minh mỗi khi đường Bear lên mức 20,0 điểm là lúc đáy đã đến khá gần. Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đường Bear đã tăng nhẹ trở lại lên mức 16,40 điểm, vì vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo về thời gian thị trường sẽ tạo đáy như trong bản tin trước, tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị MUA vào trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu nếu thị trường giảm điểm

Các nhà đầu tư đã giải ngân 10% vốn vào thị trường như chúng tôi đã khuyến nghị trong các Bản tin trước có thể gia tăng số vốn giải ngân lên 20%; trong khi các nhà đầu tư chưa giải ngân có thể bắt đầu giải ngân 10% vốn vào thị trường trong phiên ngày 18/11.

Đứng ngoài thị trường vẫn là một biện pháp an toàn

(CTCK Woori CBV)

Một phiên hồi phục mang tính chất tâm lý “giá giảm sâu” đã không thể tạo đà giúp chỉ số tạo đáy ngắn hạn ở phiên giao dịch ngày 17/11/2011. Kết thúc phiên giao dịch này chỉ số VN-Indexgiảm 5,03 điểm (1,29%) xuống 385,86 điểm, HNX-Index giảm 1,26 điểm (1,96%)xuống62,88 điểm. Thanh khoản vẫn tiếp tục được giữ ổn định bên HOSE, nhưng suy giảm bên HNX.

Về mặt kỹ thuật, sự nỗ lực tạo đáy ngắn hạn của các chỉ số ngày 16/11 đã bất thành, khi tâm lý lo sợ về những bất ổn của nền kinh tế vẫn tiếp tục “ám ảnh” các nhà đầu tư. Do đó chúng tôi tiếp tục giữ nguyên bậc của các chỉ số trong các khung thời gian khác nhau ở xu hướng giảm.

Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tiếp theo của VN-Index ở mốc 380 điểm là giao của kênh giảm giá trung hạn yếu và đáy của đợt sóng tăng trước đó. Các ngưỡng hỗ trợ chỉ thực sự hiệu quả khi giá rớt quá mạnh sẽ kíchthích tâm lý giá “rẻ” tham gia bắt đáy tạo nên mô hình chữ V, hoặc có nền tảng tích lũy giao động với biên độ nhỏ xung quanh ngưỡng hỗ trợ sau đó mới đi lên. Đứng ngoài thị trường vào thời điểm này vẫn là một biện pháp an toàn khi khả năng giảm điếm của thị trường vẫn chiếm ưu thế.

Tiếp tục kịch bản giằng co

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11, thị trường chứng khoán Việt Nam đã gây thất vọng khi trở lại với xu thế giảm điểm của mình, sắc đỏ gần như chiếm toàn bộ thời gian giao dịch trên cả hai sàn, đóng cửa, HNX và VN-Index đều ghi nhận mức giảm khá sâu và đồng thời cũng là mức sâu nhất của hai chỉ số này trong phiên.

Sức hỗ trợ của những thông tin được xem là tích cực gần đây dường như không đủ mạnh để vực dậy thị trường khi mà còn quá nhiều nỗi lo vẫn còn đó cả từ phía trong nước cũng như thế giới.

Tâm lý của các nhà đầu tư cũng vì thế mà trở về trạng thái tiêu cực, bên cầm tiền cho thấy thái độ thận trọng với lực cầu co cụm và yếu, còn bên nắm giữ cổ phiếu cũng chấp nhận buông xuôi từ sớm với ý đồ thoái lui an toàn.

Kịch bản giằng co và lình xình một cách ảm đạm khá buồn tể theo đó lại tái diễn, tính thanh khoản của thị trường do vậy cũng suy giảm. Cơn khát thông tin hỗ trợ của thị trường có thể cũng sẽ được sớm giải tỏa trong thời gian tới khi mà thông tin về tình hình lạm phát trong tháng 11 được công bố, vốn được kỳ vọng sẽ khả quan.

Tuy nhiên theo chúng tôi, sức hỗ trợ của thông tin này chưa chắc sẽ đảm bảo đủ mạnh để vực dậy thị trường, như đã từng xảy ra vào tháng trước, theo đó với quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng kịch bản giằng co trong biên độ hẹp hoặc giảm điểm có thể vẫn còn kéo dài và nhiều khả năng phiên giao dịch cuối tuần này cũng sẽ là một phiên như vậy.

Nhiều khả năng HNX-Index sẽ tiếp tục giảm

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Thị trường nhanh chóng suy yếu mạnh sau một phiên tăng khá mạnh 16/11 làm dấy lên những lo ngại về động lực tăng giá của thị trường trong thời điểm xu hướng giảm vẫn là chủ đạo.

Với diễn biến giảm mạnh cuối ngày 17/11 trên HNX thì khả năng HNX-Index tiếp tục giảm trong ngày 18/11 là cao. Tuy nhiên, việc HNX-Index chuẩn bị lại test vùng quanh 62,5 điểm (điểm tựa tăng giá trong tuần này), sẽ đem đến một chút hy vọng.

Nếu HNX-Index dừng giảm ở mức này và giằng co một vài phiên thì có thể sẽ làm đảo ngược xu hướng của thị trường. Trong trường hợp thị trường tiếp tục đi xuống thì có lẽ kỳ vọng tăng giá sẽ chỉ đến vào cuối tuần sau.

Hiện HNX-Index được hỗ trợ ở mức 62,5 điểm.

Rất rủi ro đối với các quyết định giải ngân ở thời điểm hiện tại

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường quay lại xu thế giảm điểm sau 2 phiên điều chỉnh tăng. Mặc dù lực cầu vẫn duy trì tín hiệu tích cực đối với một số bluechips như CTG, STB, VCB và HAG nhưng về tổng thể, sức mua đã suy yếu ngay từ thời điểm mở cửa và những tín hiệu tích cực riêng lẻ này không tạo được sự lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác. Trái lại, hoạt động cắt lỗ vẫn diễn ra khá mạnh ở những cổ phiếu vốn đã giảm sâu như GMD, KBC, PVF và SJS.

Xét về mặt điểm số, HNX-Index đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng điểm của phiên giao dịch ngày 16/11. Trong khi đó, VN-Index thậm chí còn sụt giảm sâu hơn và xác lập mức đáy thấp nhất trong 2 tháng gần đây tại 385 điểm.

Hiện tại, VN-Index đang dần tiếp cận vùng hỗ trợ 370-380 điểm, đã từng giúp VN-Index đảo chiều 2 lần thành công trong quá khứ nên thị trường có thể sẽ trải qua diễn biến giằng co, hồi phục nhẹ tại đây.

Tuy nhiên, khi HNX-Index đã phá vỡ đáy trung hạn tại 65 điểm cùng với động thái mạnh tay bán cắt lỗ nhóm cổ phiếu bluechips trên sàn HOSE của khối nhà đầu tư tổ chức, BVSC cho rằng, sẽ rất rủi ro đối với các quyết định giải ngân ở thời điểm hiện tại.

Nhà đầu tư sau khi đã bán trong đợt hồi phục vừa qua theo khuyến nghị của chúng tôi nên kiên nhẫn đứng ngoài thị trường và bám theo xu hướng giảm chủ đạo để thực hiện các giao dịch trading.

NĐT ngắn hạn nên chờ những dấu hiệu tốt hơn để lướt sóng

(CTCK ACB - ACBS)

Cùng với sự giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới giữa lo ngại về việc khủng hoảng sẽ tiếp tục, TTCK Việt Nam không thể tiếp tục kéo dài chuỗi phiên tăng điểm khi cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều giảm sâu trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Cuối phiên, chỉ số VN-Index giảm 1,07% xuống mức 386,69 điểm, do các mã blue-chips như MSN, VNM, và BVH mất điểm. Tương tự, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,79% xuống còn 63,01 điểm, chủ yếu do sự mất điểm của các mã PVS, VCG, PVX, HBB, và KLS.

Mặc dù thị trường giảm điểm ngày 17/11, vẫn có hai ngành có lợi suất dương trên sàn thành phố, bao gồm ngành dầu khí (+0,31%) và ngành viễn thông (+0,42%). Ngược lại, ngành y tế và ngành tài chính là những ngành giảm điểm nhiều nhất, giảm lần lượt 3,16% và 1,49%. Trên sàn Hà Nội, ngành viễn thông (+4,3%) và nhu yếu phẩm (+0,58%) là những ngành có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, ngành công nghệ và dầu khí giảm điểm nhiều nhất, lần lượt 3,97% và 3,84%.

Tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư có thể tiếp tục kéo thị trường đi xuống trong các phiên sắp tới. Tuy nhiên, một số chỉ báo kỹ thuật hỗ trợ cho khả năng điều chỉnh của thị trường. Tại thời điểm này, nhà đầu tư dài hạn chỉ nên cân nhắc xem xét các mã có yếu tố cơ bản tốt trong khi nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ những dấu hiệu tốt hơn để lướt sóng.

Có thể xem xét nâng tỷ trọng cổ phiếu

(CTCK Mirae Asset)

Thị trường đã có phiên giảm điểm khá mạnh trên cả 2 sàn trong phiên giao dịch ngày 17/11. Thị trường đã trải qua đợt giảm khá nhanh và liên tục là yếu tố khiến tâm lý NĐT bi tác động mạnh, do đó việc tăng điểm và gặp những lực cản mạnh là điều bình thường.

Chúng tôi đánh giá khả năng tăng điểm trở lại của 2 chỉ số vẫn còn nếu mức đáy cũ 62,4 không bị phá vỡ vào ngày 18/11. NĐT có thể xem xét nâng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 40% khi về gần hỗ trợ này.

Nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi diễn biến thị trường

(CTCK EuroCapital)

Diễn biến hiện tại cho thấy phản ứng thị trường với chính sách tín dụng cuối năm của NHNN không quá tích cực. Đồng thời chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng BĐS, chứng khoán của Thủ tướng khiến sự kỳ vọng vào dòng tiền thậm chí nhanh chóng kết thúc. Cùng với đó, phân tích kỹ thuật cho thấy đợt throwback của thị trường có khả năng đã kết thúc và xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra.

Theo đó, xác suất tiếp tục giảm giá của thị trường đang tăng cao với hỗ trợ của HNX-Index quanh vùng 58 - 60 điểm. Đây là mức hỗ trợ mạnh của chỉ số và có thể kỳ vọng ít nhất một đợt tăng kỹ thuật diễn ra. Do đó, chúng tôi kiến nghị nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi diễn biến thị trường quanh vùng hỗ trợ này để quyết định giải ngân.

Không nên tham gia bắt đáy do rủi ro cao

(CTCK FPT - FPTS)

Như đã nhận định, thị trường tiếp tục lao dốc sau phiên phục hồi ngày hôm trước, đà giảm điểm trở lại cùng với tâm lý do dự của nhà đầu tư do không tìm được điểm tựa cần thiết cho khả năng thị trường hồi phục trở lại.

Cả bên mua lẫn bên bán đều chờ đợi tín hiệu từ thị trường khiến giao dịch rơi vào trạng thái cầm chừng, ảm đạm. Thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên giao dịch trước. Chốt phiên giao dịch ngày 17/11, VN-Index quay đầu giảm khá mạnh với việc để mất 5,03 điểm , tiếp tục lùi sâu về vùng đáy cũ.

Nhìn chung, diễn biến VN-Index trong vài phiên trở lại đây không gây quá nhiều bất ngờ do thị trường chứng khoán vẫn đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn. Để VN-Index có thể tạo đáy và hình thành xu thế tăng trở lại thì không thể thiếu vắng sự hỗ trợ của dòng tiền mới vào thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện tại thì chưa thể sớm có dòng tiền mới hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn.

Ngoài ra, tâm lý đầu tư cũng chưa thể sớm được cải thiện trong thời gian ngắn chỉ bằng một vài phiên tăng điểm tạm thời. Do đó, FPTS vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm thận trọng trong ngắn hạn.

Trong những phiên giao dịch tới, khu vực 380 – 384 có thể được kỳ vọng sẽ nâng đỡ VN-Index trong xu thế giảm ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên tham gia bắt đáy do rủi ro chỉ số tiếp tục giảm sâu vẫn đang ở mức cao. Lựa chọn thoát hàng để bảo toàn vốn cần được cân nhắc nếu VN-Index tiếp tục xuyên thủng ngưỡng 380 điểm.

NĐT đứng ngoài quan sát

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Các biện pháp đối với TTCK bắt đầu được UBCK triển khai từ quý IV/2011 và năm 2012 mang tính chất dài hạn nhiều hơn là sự hỗ trợ trong ngắn hạn cho thị trường. Chính vì vậy, thông tin này đã không đủ mạnh để giúp đà tăng duy trì, đặc biệt trong giai đoạn có nhiều mối quan ngại lớn khác như tình hình nợ xấu và thanh khoản hệ thống ngân hàng. Hai sàn đồng loạt giảm điểm ở phiên sáng nay sau khi hồi phục khá tích cực hôm qua. Thanh khoản đồng thời sụt giảm do lực cầu thận trọng.
Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt đồng thời tăng cường kiểm tra và giám sát hoạt động tín dụng của các NHTM, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán, kiểm soát nợ xấu vừa được Thủ tướng chỉ thị duy trì cho đến sau Tết âm lịch năm 2012.

Như vậy, dòng tiền dành cho thị trường chứng khoán vẫn sẽ khá hạn hẹp trong thời gian tới. Ngoài ra, hiện tượng “bull trap” liên tục xuất hiện thời gian gần đây có thể khiến lực cầu trở nên thận trọng hơn. Thanh khoản do vậy sẽ chưa thể có chuyển biến tích cực trong ngắn hạn.
Diễn biến phiên 17/11 khá tiêu cực, các chỉ số chốt phiên với số điểm thấp nhất. Nếu không có thông tin hỗ trợ, trạng thái giằng co tiêu cực có thể duy trì trong phiên giao dịch cuối tuần. NĐT đứng ngoài quan sát cho đến khi thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều.

Ưu tiên giữ tiền mặt và tiếp tục chờ đợi

(CTCK VNDirect - VND)

Phiên giảm 17/11 thể hiện dòng tiền vào thị trường yếu, hai chỉ số quay trở lại xu hướng giảm điểm. Điểm tích cực trong phiên 17/11 là thị trường suy giảm nhưng khối lượng cổ phiếu khớp thấp hơn so với hai phiên tăng trước đó, nhưng trong phiên giao dịch thị trường không hề có sự hồi lại của điểm số, thế chủ động vẫn là bên cầm cổ phiếu.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CHAFIJ/ctck-bi-quan-voi-xu-huong-cua-thi-truong.html