Cũ mới ở khu đầu não Berlin

Mấy chục năm trở lại Berlin (CHLB Đức), nhìn từ trên cao thành phố bên sông Spree vẫn vậy tuy biết rằng bức tường nổi tiếng đã bị phá bỏ 20 năm và người ta đã kỉ niệm sự kiện ấy với những tâm trạng rất khác nhau.

Berlin bị tàn phá ghê gớm vào cuối Thế chiến II. Mấy chục năm sau người ta còn dọn gạch vụn và sống chung với cảnh đổ nát. Sự chia cắt Berlin đúng bốn thập kỷ cũng làm cho sự phát triển đô thị gặp nhiều khó khăn và có lẽ cũng thiếu sự nhất quán. Thời chiến tranh lạnh, Tây Berlin phát triển khá rụt rè vì nằm lọt thỏm giữa Đông Đức. Phần Đông Berlin theo phong cách kiến trúc XHCN khá đơn điệu. Các khu dân cư thời đó giống nhau như hệt, một phần được cải tạo, phần bị đập bỏ cùng nhiều tòa nhà công cộng ở trung tâm, dù tháp truyền hình ở quảng trường Alex vẫn là một biểu tượng đẹp của thành phố. Đầu tháng tư người ta chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của cựu Thủ tướng H.Kohl. Người ta từng vẽ biếm họa ông này thành cái củ cải hoặc một quả lê - ý là óc đậu phụ, để rồi giờ đây ca ngợi ông như một ngọn tháp chói sáng trong lịch sử, người có công lớn trong việc thống nhất nước Đức, người kiên quyết lập tức dời thủ đô trở lại Berlin, người xúc đất động thổ khu trung tâm hành chính mới bên cổng Brandenburg lịch sử, người cha tinh thần của nữ Thủ tướng Merkel sau này (vốn là một công dân Đông Đức). Ấn tượng mạnh nhất là khu đầu não quốc gia bên vòng cung sông Spree. Thuyền du lịch đi lại dưới cầu, bên hành lang dẫn vào các tòa nhà quốc hội và chính phủ. Dân chúng nằm ngồi, picnic, dạo chơi, chạy bộ, leo lên các cầu thang, vào xem triển lãm, ăn uống… ở bốn phía xung quanh và ở bãi cỏ nằm ở giữa. Trung tâm Hội nghị Quốc gia (khá nhỏ xinh do Hoa Kỳ tặng) ba khối nhà chính phủ 4 tầng mới và tòa Reichtag - Quốc hội Đức cũ bị bom phá hủy nặng nề. Có thể nói sau khu hành chính xây mới hoàn toàn và mang tính nghệ thuật rất cao của Niemmayer ở thủ đô mới Brazilia của Brazil thì khu này là một giải pháp kiến trúc hành chính thành công nhất, cấy ghép cũ mới thành một cơ thể hữu cơ. Cảnh quan và kiến trúc, lịch sử - hiện tại - tương lai hợp thành một thực thể đô thị vô cùng hấp dẫn. Tòa nhà Reichtag cổ, uy nghi với những tường đá dày, như còn đen đúa khói bom, được giữ nguyên bốn bề với bốn tháp ở bốn góc. Ở giữa, vươn lên trên biểu tượng quyền lực vĩnh viễn của hiến pháp này, người ta xây một mái vòm kính thép khổng lồ, thay cho vòm đá đã bị đánh sập. Đường lên hình xoắn ốc, lõi giữa hình phễu gắn gương lung linh phản chiếu mây trời và hình ảnh dân chúng đi lên. Người dân giẫm chân trên nóc nhà quyền lực, nhìn xuống giám sát cơ quan tối cao làm việc. Một giải pháp kiến trúc giải trí mang tính biểu tượng chính trị cao. Ba khối nhà bên phải có lẽ là tân kì nhất trong các tòa nhà chính phủ trên thế giới hiện nay. Có thể nhầm là các trung tâm khoa học, công nghệ cao hay bảo tàng nghệ thuật hiện đại! Từ phía trái băng ngang Khải hoàn môn vài trăm mét là Khu tưởng niệm cuộc tàn sát người Do Thái Châu Âu: Một bãi đá rộng sát hè phố, không cao quá đầu người. Các khối đá xám lì lợm, lạnh lẽo, hình khối chữ nhật cao thấp khác nhau, được xắp xếp theo các trục đường hẹp lên xuống gập ghềnh. Người ta có thể lạc trong cái mê hồn trận đá tàn bạo, bi thương ấy để cảm nhận nỗi đau lịch sử. Thỉnh thoảng vươn lên từ các hẻm chết chóc ấy vài thân cây non, vừa đáng thương vừa đẹp bất ngờ và rất đáng cảm phục! Một tượng đài chưa từng có, hết sức gắn với cảnh quan và cũng rất duy lý kiểu Đức. Trước mặt tòa Reichtag là công viên trải dài mấy cây số Công viên-Vườn bách thú, lá phổi đô thị, nơi nghỉ dưỡng vui chơi của dân Berlin. Đang say sưa bỗng nhiên nhớ ra là năm 1902, ở ta, KTS Lichtenfelden - một cái tên Đức - đã thiết kế tòa Phủ Chủ tịch. Bên cạnh đó cũng là tòa Phủ Thủ tướng. Phía sau cũng là công viên Bách thú-Bách thảo, cũng nối với hồ Tây lá phổi, cái máy điều hòa nhiệt độ của Hà Nội ta. Nay các KTS Đức cũng đang xây ở đây một tòa quốc hội tân kỳ. Cạnh đó cũng là đài tưởng niệm và khu thành cổ… Có rất nhiều điểm tương đồng với những điều được thấy ở Berlin. Có cơ đẹp lắm đây! Lại nghe có dự án di dời khu hành chính quốc gia về chân núi xa xôi nào đó. Hồi hộp thật!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/cu-moi-o-khu-dau-nao-berlin/20104/181308.laodong