Cử nhân không có việc làm vì đổ xô vào đại học

Theo TS Phạm Mạnh Hà, nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp gây lãng phí cho xã hội. Ông Đỗ Văn Giang cho rằng học nghề hoàn toàn có thể xin được việc ổn định.

Từ ngày 15 đến 23/7, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển cao đẳng, đại học. Cơ hội này giúp các em tăng khả năng trúng tuyển. Trước đó, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn các nguyện vọng. Theo thống kê, với cơ chế này, cứ hai thí sinh, một em đỗ đại học.

Theo TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (người nhiều năm tham gia tư vấn tuyển sinh) - năm nay, thí sinh đỗ tốt nghiệp có cơ hội vào đại học rất lớn. Đây có phải điều đáng mừng?

Nhu cầu tuyển dụng cao đẳng, đại học, sau đại học là 30%

TS Phạm Mạnh Hà khuyên thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay không nên lựa chọn vào đại học bằng mọi giá mà bỏ qua yếu tố sở thích, năng lực cá nhân. Thí sinh nên chọn các ngành tương đồng ở nhiều trường thay vì chọn các ngành trái ngược nhau hoàn toàn trong cùng một trường.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn.

Theo TS Hà, nhiều sinh viên đã nhập học lại bỏ ngang để thi vào năm sau vì không theo đúng đam mê. Vì vậy, ông Hà khuyên thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi nhập học. Trường hợp thí sinh trượt nguyện vọng mình yêu thích, đỗ nguyện vọng khác, có thể nhập học vào các trường tạo điều kiện cho sinh viên học hai văn bằng song song.

Nếu sinh viên đang học dở chương trình đại học, nhận thấy mình chọn nhầm nghề và muốn thay đổi, cần xem xét kỹ ngành cũ và ngành mới có liên quan hay không? Nếu có, bạn trẻ hãy cố gắng theo hết khóa học và thi thêm văn bằng hai hoặc chứng chỉ nghiệp vụ của ngành mới. Nếu trái ngược hoàn toàn, bạn hãy mạnh dạn bỏ để tìm công việc khác, càng sớm càng tốt.

Khi đã trúng tuyển, thí sinh nên xem xét những yếu tố để chọn trường học. Ví dụ, sinh viên nên ưu tiên học ở những trường gần nhà để giảm bớt chi phí đi lại, ăn ở. Nếu muốn có việc làm để tăng thêm thu nhập, sinh viên nên lựa chọn những trường ở khu vực có nhu cầu về việc làm, không nên chọn các trường ở nơi quá hẻo lánh, kém phát triển.

TS Phạm Mạnh Hà cũng thông tin thêm nhu cầu tuyển dụng bậc cao đẳng, đại học, trên đại học hiện nay là 30%. Nhiều cử nhân ra trường không có việc làm, gây lãng phí cho xã hội.

“Dù là học bậc nào, các em thấy thích và quan trọng là có năng lực, tác phong chuyên nghiệp thì sẽ luôn được các nhà tuyển dụng lựa chọn”, TS Hà nói.

Quan niệm sai lầm: Học nghề không vào được cơ quan Nhà nước

Đồng tình với TS Phạm Mạnh Hà về quan điểm chọn nghề không nhất thiết phải học đại học, ông Đỗ Văn Giang, Phó cục trưởng Cục dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, người có hơn 30 năm kinh nghiệm về đào tạo dạy nghề, khuyên thí sinh nên cân nhắc khi lựa chọn học nghề hay cao đẳng, đại học.

Ông Đỗ Văn Giang, Phó cục trưởng Cục dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Quyên Quyên.

Theo thống kê của quý III/2016 (số liệu từ bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), hơn 202.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 8,36%, tăng mạnh so với quý trước; tiếp theo là nhóm đại học trở lên 4,22% .

Ông Giang phân tích xã hội, phụ huynh còn nặng nề về bằng cấp, việc suy nghĩ chỉ có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mới lập nghiệp được là hoàn toàn sai lầm.

Thị trường lao động hiện nay đòi hỏi người đáp ứng ở các vị trí lao động chứ không chỉ nhìn vào các em có bằng cấp. Có bằng đại học chưa chắc đã có việc nhưng có tay nghề tốt sẽ “đắt giá” nếu cá nhân có kỹ năng thực thành, đáp ứng được công việc.

Hiện tại, cơ hội xin việc mở rộng hơn với thí sinh học trường nghề khi các trường này đào tạo 70% là thực hành.

“Thực hành nghề không phải trình độ cao hay thấp mà là kỹ năng, kỹ xảo, làm nhanh hay chậm, làm tốt hay xấu. Một người chỉ cần một kỹ năng giỏi như vẽ tranh đẹp, viết chữ đẹp đều có thể nổi tiếng”, ông Giang nói.

Phó cục trưởng Cục dạy nghề chính quy khuyên thí sinh, phụ huynh nên cân nhắc việc học và chọn nghề sao cho hợp lý.

Theo ông Giang, hiện nay, ở nhiều trường đào tạo nghề, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao. Nhiều trường nghề cũng đổi mới chương trình để gắn với yêu cầu về nhân lực, cả về số và chất lượng, đặc biệt chú trọng đào tạo người học để có kỹ năng hành nghề tốt.

Ngoài ra, quy định tuyển dụng của Bộ Nội vụ do Nhà nước quy định không kể trình độ, từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Vì vậy, quan niệm “học nghề không vào được cơ quan Nhà nước” như nhiều người suy nghĩ là hoàn toàn sai lầm.

Ông Đỗ Văn Giang cho rằng sinh viên đừng nghĩ vào Nhà nước mới có thể lập nghiệp, năng lực của mỗi người thể hiện ở chuyên môn, kỹ năng mềm để đáp ứng được cơ quan đã tuyển dụng.

“Chỉ có sự tự tin, can đảm, thể hiện đam mê của mỗi cá nhân mới có thể lập nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào”, ông Giang khuyên thí sinh.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cu-nhan-khong-co-viec-lam-vi-do-xo-vao-dai-hoc-post764053.html