Cứ sân khấu hóa, nhưng đừng làm méo mó di sản!

Khác với các hình thức văn hóa phi vật thể khác luôn ở trong tình trạng dễ bị mất đi, vì không còn người kế truyền, thì nghi lễ hầu đồng lại ở tình trạng bùng nổ. Hăng hái nhất là các nghệ sĩ đã dày công dàn dựng các vở diễn, giá hầu để đưa lên sân khấu. Nhưng cũng có nhiều lo ngại, khi nghệ sĩ sân khấu hóa không khéo, có thể làm sai lệch, biến dạng di sản.

Hình ảnh trong chương “Chầu Đệ Nhị“ trong vở diễn “Tứ phủ“ của đạo diễn Việt Tú. Ảnh: Viettheatre

Là người tâm huyết trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, bà Trần Thị Hoàng Mai - Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - đã có những nhìn nhận về vấn đề này.

Di sản là để bảo tồn

Sau sự kiện “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO tôn vinh, các hình thức biến tướng đã bùng phát mạnh mẽ hơn. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Việt Nam đã có 11 di sản được UNESCO công nhận. Đó là con số mơ ước với nhiều nước trong khu vực. Xét về khía cạnh văn hóa, đây là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo quan điểm của UNESCO, bất cứ một danh mục nào được UNESCO công nhận di sản thì điều đầu tiên là nhằm mục đích bảo tồn. Với việc xếp hạng di sản, mục tiêu số một là muốn mọi người thấy, cũng như nhắc nhở rằng đó là thứ quý giá đối với loài người, cần phải bảo vệ. Tiếp sau đó mới để tự hào, chiêm ngưỡng và bước sau cùng mới để phát triển bền vững. Việc các di sản nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng sống tốt và sống khỏe trong cộng đồng là tín hiệu đáng mừng. Nó chứng tỏ người dân đã tìm về với di sản và trân trọng vẻ đẹp, giá trị của nó.

Nhưng nói đến tín ngưỡng thờ Mẫu, lâu nay người dân vẫn nghĩ đến hầu đồng, hầu bóng và luôn xảy ra tranh cãi, cho rằng đó là hoạt động “mê tín dị đoan”?

- Đó cũng vì ranh giới mong manh giữa tín ngưỡng văn hóa và “buôn thần bán thánh”. Điều đó thể hiện ở cách thực hành tín ngưỡng của người dân. Phần đông người Việt có thể thấy xa lạ khi nghe tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ, nhưng nhắc lên đồng ai cũng biết. Trong số hệ thống các nghi lễ, thì lên đồng là nghi lễ được trao truyền mạnh mẽ nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Sức sống của nó không chỉ nằm ở phần lễ hội, tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ mẫu trong đời sống, mà ngày càng có nhiều hình thức thể hiện. Vấn đề gây tranh cãi ở đây là cách thực hành tín ngưỡng như thế nào? Nhiều khi cũng là thực hành, chỉ với lễ đơn sơ, thành tâm là được. Nhưng nhiều người lại làm quá xa hoa, cầu ước những điều không hợp đạo lý, hoặc làm biến dạng nghi lễ để thu tiền… Điều đó cần lên án.

Cần phải làm gì để hạn chế điều đó, giữ đúng vị trí và vẻ đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu, thưa bà?

- Cần hiểu đúng giá trị để biết tự hào và biết cách bảo vệ. thờ Mẫu thì có ở rất nhiều nơi, nhưng tại sao ở Việt Nam lại được UNESCO vinh danh là di sản? Đó là vì những giá trị văn hóa của “tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” rất phong phú, sống động, đặc sắc và nhân văn, thể hiện qua điệu múa, lời hát, trang phục… Đó là bảo tàng sống sinh động của văn hóa Việt. Ở đó còn chứa đựng giá trị đoàn kết cộng đồng và đề cao hình tượng người phụ nữ.

Để người dân hiểu đúng được những nét đẹp trên của tín ngưỡng thờ Mẫu, tôi nghĩ việc đầu tiên là cần giáo dục, tuyên truyền. Việc được UNESCO công nhận đó chính là để đánh vào nhận thức của người dân Việt Nam. Mỗi người cần ý thức được giá trị của tín ngưỡng, hiểu đúng được vẻ đẹp của nó, từ đó có cách ứng xử phù hợp.

Tiếp theo là cần có chế tài, cơ sở pháp lý, quy định để răn đe người dân, xử lý nghiêm những cá nhân lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi. Muốn làm được điều này tôi nghĩ cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý văn hóa. Các nhà quản lý cần xây dựng những kế hoạch cụ thể và có cơ chế giám sát việc thực hành tín ngưỡng trong cộng đồng.

Rồi ngay ở địa phương, các đền phủ cũng cần có những quy định cụ thể trước khi cho người dân tới hầu đồng, như không được nhét tiền vàng vào tay tượng, không được đốt nhiều vàng mã để tránh lãng phí.

Mỗi một thành viên trong cộng đồng người Việt cũng đều cần nâng cao ý thức và trách nhiệm giám sát của mình, cùng với báo chí tích cực lên án những cá nhân, những nơi làm biến tướng di sản.

Lo hầu đồng sẽ bị sân khấu hóa quá mức

Năm 2012, UNESCO từng có cảnh báo việc sân khấu hóa phá hỏng di sản văn hóa, trong khi vài năm nay không riêng gì “Tín ngưỡng thờ Mẫu”, mà nhiều di sản khác được sân khấu hóa rất mạnh mẽ ở nước ta. Bà có lo ngại điều này?

- Với những di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO vinh danh, nhiều người dân thường có tâm lý muốn di sản của mình ngày càng hoành tráng hơn để xứng tầm “di sản văn hóa thế giới”. Trong quá trình đó sẽ dẫn tới hiện tượng “sáng tạo truyền thống”, nếu làm không khéo sẽ tạo ra sự lệch lạc trong việc bảo tồn.

Sân khấu hóa cũng là một biện pháp để đưa di sản đến gần hơn với những người không có cơ hội thực hành đúng di sản gốc. Tôi nghĩ đó là cách làm hay, nhưng cũng rất lo hầu đồng sẽ bị sân khấu hóa quá mức. Vì có hiện tượng các nghệ sĩ thích nghệ thuật hóa hơn, đôi khi làm sai lệch giá trị của di sản. Tôi mong họ làm gì thì làm, cũng đừng sáng tạo quá mức để làm méo mó, biến dạng di sản.

UNESCO đã từng rút danh hiệu di sản thế giới nào do không tuân thủ yêu cầu bảo tồn chưa, thưa bà?

- Nước Đức có kinh nghiệm về di sản bị tước danh hiệu. Ủy ban di sản thế giới của UNESCO năm 2009 đã gạt tên thung lũng Dresden Elbe tại nước này khỏi danh sách di sản thế giới vì chính quyền địa phương đã xây dựng một cây cầu dân sinh 4 làn đường giữa cảnh quan văn hóa được công nhận năm 2004, với lý do di sản không “giữ được sự giá trị nổi bật toàn thể như đã được đánh giá”. Rất nhiều di sản khác, nếu bảo tồn không tốt, hay việc đưa vào khai thác du lịch ồ ạt phá vỡ cảnh quan, cấu trúc của di sản sẽ đều bị nhắc nhở.

Nói thế để thấy, một đất nước nhiều di sản cũng giống như sở hữu nhiều kho báu, nhưng không phải lúc nào kho báu cũng được bảo vệ và phát huy giá trị đúng cách. Nếu không hiểu biết, làm không đúng, di sản có thể bị lợi dụng để trục lợi, làm biến dạng và mất đi nét đẹp văn hóa. Để bảo vệ được di sản, tôi nghĩ cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Xin cảm ơn bà!

LAN TRẦN thực hiện

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/pho-tong-thu-ky-uy-ban-quoc-gia-unesco-viet-nam-tran-thi-hoang-mai-cu-san-khau-hoa-nhung-dung-lam-meo-mo-di-san-656156.bld