Cụ thể hóa trách nhiệm kiểm soát hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại

Qua đường dây nóng của Báo Hải quan, bạn đọc đã phản ánh tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa đang có dấu hiệu bùng phát tại một số điểm “nóng” trên địa bàn Lạng Sơn.

Báo Hải quan đã xác minh và phản ánh rõ thực trạng (*). Để tìm hiểu nguyên nhân và những giải pháp mà chính quyền tỉnh Lạng Sơn sẽ triển khai, Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn.

Thưa ông, nguyên nhân nào khiến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn Lạng Sơn có xu hướng gia tăng?

Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có diễn biến tăng giảm tùy theo thời điểm, địa bàn nhưng chỉ mang vác nhỏ lẻ qua biên giới. Trong đó, địa bàn hoạt động của các đối tượng buôn lậu chủ yếu qua các đường mòn thuộc khu vực Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Đồi 386, Hang Dơi thuộc xã Tân Mỹ; khu vực Đồi Cao, Nà Han, Rọ Bon thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng; khu vực đường mòn mốc 05, 06, khe Bà Đen, Thác Nước thuộc địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; một số đường mòn qua biên giới thuộc xã Yên Khoái, Tú Mịch, huyện Lộc Bình...

Hàng nhập lậu chủ yếu là những mặt hàng có thuế suất NK cao, hàng cấm NK hoặc NK có điều kiện như hàng quần áo may mặc sẵn, hàng điện tử, điện dân dụng, thực phẩm... trong đó cũng có nhiều mặt hàng là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng cấm, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm... Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu vẫn là mang vác nhỏ lẻ hàng hóa theo các đường mòn, lối mở qua biên giới, sau đó sử dụng hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa hàng lậu vận chuyển bằng ô tô khách, xe tải nhỏ, xe mô tô mang logo thương binh theo quốc lộ 1A, 1B vào nội địa tiêu thụ.

Để xảy ra tình trạng gia tăng hoạt động buôn lậu thời gian qua, nguyên nhân là do trước đây lực lượng Biên phòng- Hải quan đã xây dựng nhiều điểm chốt chặt nên buôn lậu trên địa bàn giảm rất nhiều, nhưng thời gian gần đây, Biên phòng- Hải quan rút các điểm chốt chặn, do đó, tình hình lại gia tăng. Điều kiện về địa hình, vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động trốn tránh mang vác, vận chuyển hàng hóa, khó khăn trong hoạt động kiểm soát nên tình hình buôn lậu vẫn diễn ra tại những điểm không có lán chốt chặn trên biên giới. Trên thị trường, nhiều nhóm mặt hàng sản xuất trong nước chưa cạnh tranh được với hàng hóa của Trung Quốc về mẫu mã, chủng loại và giá cả. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ mùa Đông những tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán.

Vậy để diễn ra tình trạng buôn lậu qua một số điểm “nóng” thì trách nhiệm thuộc về ai?

Theo quy định tại Nghị định số 01/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, và các văn bản hiện hành thì trên địa bàn biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan là trách nhiệm của cơ quan Hải quan, ngoài phạm vi địa bàn Hải quan là trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng; trong khu vực nội địa là trách nhiệm của cơ quan Công an, cơ quan Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan khác. Do đó, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 01/2015/NĐ-CP, thời gian qua tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa bùng phát tại một số điểm nóng thuộc địa bàn của lực lượng nào thì lực lượng đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có biện pháp gì để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả phối hợp, thưa ông?

Để kiểm soát tối đa tình trạng này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp chống buôn lậu giữa các cơ quan chức năng trong tỉnh, chính quyền địa phương các cấp địa bàn tỉnh Lạng Sơn đảm bảo chặt chẽ theo quy định; chỉ đạo các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện ký kết Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trên các tuyến, địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ.

Do vậy, từ đầu năm đến nay, các lực lượng trong toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 2.413 vụ, giảm 8,43% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, hàng cấm, hàng nhập lậu 1.628 vụ; gian lận thương mại 707 vụ và hàng giả 78 vụ. Tiền phạt vi phạm hành chính 11,779 tỷ đồng; truy thu thuế bổ sung, thu lợi bất hợp pháp do vi phạm hành chính 9,460 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu khoảng 29,207 tỷ đồng. Khởi tố 216 vụ, 316 đối tượng, tăng 74,19% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu là các tội danh về buôn bán, vận chuyển ma túy, pháo nổ, tiền giả.

Mặc dù đạt được kết quả khích lệ nhưng các đối tượng buôn lậu lợi dụng điều kiện, đêm tối và tranh thủ giờ giao ca của các lực lượng chức năng nên vẫn xảy ra tình trạng vận chuyển hàng lậu qua biên giới trên một số đường mòn thuộc khu vực Cốc Nam, Khơ Đa thuộc xã Tân Mỹ, Rọ Bon, Nà Han thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, đường mòn 05, 06, Thác Nước thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc... Việc nhập lậu một số mặt hàng cấm như ma túy, tiền Việt Nam giả, pháo nổ qua địa bàn..., vẫn luôn luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn để đối phó cơ quan chức năng. Để sát hơn nữa công tác này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi tình trạng vận chuyển hàng lậu tại một số điểm nêu trên. Đặc biệt, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ giao trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng tăng cường kiểm soát chặt từ biên giới đến nội địa.

Đồng thời, chủ động chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn để kịp thời nắm chắc diễn biến phát sinh trên thị trường, những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu để từ đó đưa ra những biện pháp, giải pháp xử lý cho phù hợp với tình hình mới.

Có ý kiến cho rằng, sự phối hợp của các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn chưa hiệu quả, theo ông cần phải có giải pháp gì trong thời gian tới?

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Quy chế phối hợp về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo quy định tại Quyết định 19/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và giữa các ngành chức năng để kịp thời hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống buôn lậu trong tình hình mới.

Xin cảm ơn ông!

(*) Xem bài: Buôn lậu ở Lạng Sơn: Những góc khuất đăng trên Báo Hải quan số 108, phát hành ngày 8-9-2016

Hồng Nụ (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cu-the-hoa-trach-nhiem-kiem-soat-hoat-dong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai.aspx