Của cho - Cách cho

Cả tháng nay, người dân cả nước một lòng hướng về miền Trung với tinh thần nhường cơm sẻ áo, “lá lành đùm lá rách”, chia sẻ đến hàng vạn số phận khốn khổ trước thiên tai của bà con miền Trung. Ngoài tiền, quà cứu trợ của các ban, ngành, đoàn thể, đã có hàng trăm lượt cá nhân, bà con tiểu thương, các đoàn tự phát... tổ chức các chuyến thiện nguyện, cứu trợ đến với người dân miền Trung.

Như “truyền thống” hàng chục năm qua, quà cứu trợ đến miền Trung, đa phần là mì gói, bánh, quần áo mà thôi. Tấm lòng là rất quý, rất đáng trân trọng. Nhưng dường như là quán tính, người đi cứu trợ chỉ nhắm đến cái mục đích làm thiện nguyện cho “thỏa” cái tâm, cái bụng mình mà thôi, chứ ít quan tâm đến người dân vùng bão, lụt đang thật sự cần đến cái gì. Mì gói có thể ăn “vã” (không nấu, nhưng đây là loại thực phẩm rất “háo” nước, ăn không rất mau khát nước, nhưng người dân vùng lụt lấy nước đâu ra mà uống).

Trong nhiều trường hợp, người dân vùng lụt, bão đành phải uống nước sông, suối, vốn bị ô nhiễm rất nặng (vì xác động vật chết và bùn dơ, chất thải bị lũ cuốn về). Từ đây phát sinh ra dịch bệnh rất nhiều. Sống trong tình cảnh nước ngập trắng trời, nhưng tình trạng thiếu nước sạch để uống và đun nấu của người dân nơi đây là có thật. Nếu trong những thùng quà từ thiện có thêm một bình nước 20 lít hoặc chí ít là 10 lít thì hay hơn cho người dân rất nhiều. Đây là nhu cầu rất thiết yếu mà lâu nay ít người làm thiện nguyện để ý đến. Nhỏ thôi nhưng lại quá cần. Đó là chuyện cái hộp quẹt (bật lửa) gas. Nước lũ kéo về hạ nguồn biết bao nhiêu là củi nhưng khổ nỗi, bà con bị ngập không “bói” đâu ra “miếng lửa” để được “ăn chín, uống sôi”, để mà có lửa để sưởi ấm, hong khô cho bớt cái lạnh. Đây là những điều quan trọng để bà con “ấm lòng”, giữ được sức khỏe, bớt đi biết bao nhiêu bệnh tật. Trong phần quà có thêm 1 lít dầu hỏa (dầu lửa, dầu hôi) thì càng hay, càng quý.

Thứ đến, người dân miền Trung khác hẳn người miền Tây mỗi mùa lũ về là không phải nhà nào cũng có chiếc xuồng. Ở miền Trung, nước lên đến đâu là người dân rút lên cao đến đấy, rồi ngồi... cố thủ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chịu chết, không cục cựa, không đi đâu được. Có nhiều trường hợp, người dân phải trổ nóc nhà và ngồi chịu trận dưới mưa, bão vài ngày trời vì chạy lên cao không kịp khi lũ về quá nhanh. Và chính những người dân trong vùng ngập nặng, vùng rốn lũ là khổ nhất. Họ hầu như trắng tay, không còn một chút gì khi lũ, bão ập đến. Nhưng rất nhiều đoàn từ thiện, họ chỉ đi đến vùng trung tâm xã, huyện là hết, là bắt đầu tổ chức phát quà.

Ai cũng khổ trước thiên tai nhưng với người dân gần trung tâm xã, huyện vẫn ít khổ hơn với người dân vùng rốn lũ, ngập nặng. Và chính họ, lại là người có điều kiện và phương tiện đi đến điểm phát quà nhiều nhất. Nên chăng, địa phương bố trí thêm ca nô, xuồng cỡ lớn để người làm từ thiện có điều kiện đưa quà đến vùng rốn lũ, ngập nặng để người dân bớt cơ cực.

Sau khi lũ, lụt qua đi, đa phần người dân vùng sâu là mất nhà vì rất nhiều nhà nơi đây là tranh, tre, nứa, lá. Các đoàn từ thiện cũng cần tập trung nguồn lực, kêu gọi phát quà cho người dân bằng gạch, cát, xi măng, tôn lợp... để người dân mất nhà có thể xây lại cho mình một căn nhà cấp 4, tuy sơ sài nhưng kiên cố, có khả năng chịu được bão lũ, để người dân vẫn còn một “cơ ngơi” mà tập trung đi kiếm cái ăn sau mùa bão, lũ. Đây là những thứ thiết yếu nhất để người dân miền Trung có thể chống chọi và có cơ may thoát cảnh trắng tay mỗi mùa bão, lũ về. Còn tặng tiền thì xin đừng, bởi họ, một vài trăm hoặc một vài triệu trong tay cũng chẳng biết đi đâu và mua gì trong tình cảnh nước ngập trắng trời. Có chăng họ chỉ có thể dùng được sau cơn bão, lũ.

Quốc Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/cua-cho--cach-cho-d48870.html