Cuba tiến hành cải cách kinh tế mạnh mẽ

Chính phủ Cuba ngày 25-11 thông báo áp dụng một số quy định mới trong lĩnh vực tín dụng và ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân. Cuba ngày càng chứng tỏ quyết tâm cải cách mạnh mẽ và toàn diện, tạo nên một diện mạo mới đầy hứa hẹn.

Tiếp tục mở cửa

Báo Granma của Cuba cho biết, quy định trên là bước cụ thể hóa những chính sách kinh tế xã hội được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI (diễn ra tháng 4 vừa qua), nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển và hoạt động hiệu quả hơn.

Theo đó, từ ngày 20-12 tới, mọi đối tượng tham gia hoạt động kinh tế cá thể, kể cả nông dân cá thể hoặc những người được nhà nước giao đất hoang để canh tác, đều có quyền vay vốn ngân hàng để thanh toán hàng hóa, thiết bị và nguyên liệu cần thiết phục vụ công việc sản xuất kinh doanh của mình. Mục tiêu là tạo 1,5 triệu việc làm trong 5 năm tới.

Hình ảnh Cuba thân thiện và mở cửa ngày càng tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư nước ngoài.

Động thái trên tiếp nối việc Quốc hội Cuba hồi tháng 8 phê chuẩn các kế hoạch cải cách nền kinh tế do Chủ tịch Raul Castro đề cập trong văn kiện “Đường lối chính sách kinh tế, xã hội”. Hơn 300 đề xuất cải cách đang dần được cân nhắc đưa vào thực hiện, cho phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân trong khi bao cấp của nhà nước về hàng hóa và dịch vụ sẽ bị xóa bỏ. Ngoài ra, đẩy mạnh giảm nhân sự trong bộ máy hành chính (dự kiến cắt giảm 1,3 triệu lao động trong 5 năm tới), khuyến khích đầu tư nước ngoài, dần tiến đến bãi bỏ hệ thống phân phối thực phẩm hàng tháng.

Bên cạnh đó, từ ngày 10-11 vừa qua, thị trường bất động sản lần đầu tiên được thành lập sau 50 năm đã mở rộng cửa cho công dân Cuba và người nước ngoài thường trú tại đây. Họ có thể mua bán và chuyển nhượng tự do quyền sở hữu nhà ở thay cho việc chỉ được phép trao quyền sở hữu cho con cháu hay chuyển đổi thông qua hệ thống thủ tục phức tạp như trước đây.

Chính phủ Cuba cũng đang làm việc để điều phối sự hiện đại hóa trong các chính sách về di trú. Người Cuba hiện muốn đi nước ngoài đều phải được chính quyền cho phép.

Một lĩnh vực quan trọng mà Chính phủ Cuba chú trọng là cải cách nông nghiệp. Kể từ khi điều hành đất nước vào tháng 2-2008, Chủ tịch Raul Castro đã đưa ra nhiều biện pháp như giao đất hoang cho nông dân, tăng giá thu mua nông phẩm, mở cửa hàng cung cấp nguyên liệu sản xuất cho nông dân… với nỗ lực khuyến khích người lao động tham gia sản xuất nông nghiệp. Hiện ở Cuba có hơn 350.000 gia đình làm nghề nông, cung cấp 57% lương thực phục vụ cho cả nước.

Song song với việc áp dụng những cải cách, Chính phủ Cuba khẳng định nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Mục tiêu của các biện pháp cải cách là nâng cao mô hình kinh tế Cuba và đảm bảo tính kế thừa chủ nghĩa xã hội.

Sức sống kinh tế mới

Tờ Cuba Standard cho biết, nước này đang chuẩn bị thành lập một loạt đặc khu kinh tế với vốn đầu tư nước ngoài mà đặc khu đầu tiên nằm ở cảng biển Mariel rộng 400km² với vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD của Brazil. Những đặc khu phát triển này không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn mở ra những khu vực công nghệ cao và cung cấp hàng hóa chất lượng phục vụ xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm, mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho Cuba.

Mới đây, nhân Hội chợ quốc tế thường niên lớn nhất tại Cuba La Habana lần thứ 29 (FIHAV 2011) diễn ra từ 31-10 đến 5-11, các công ty của Cuba cũng vừa ký kết nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hơn 300 triệu USD với một số công ty nước ngoài. FIHAV 2011 đã thu hút được 1.500 công ty và doanh nghiệp đến từ 57 nước trên thế giới. Khoảng 350 công ty Cuba trong các lĩnh vực như y tế, công nghiệp thực phẩm, điện tử, xây dựng và dịch vụ tham gia sự kiện này. Đây là kết quả cho thấy đường lối kinh tế mới của Cuba đang đi vào cuộc sống.

Báo Tương lai Mỹ Latinh nhận định công cuộc cải cách mang tính quyết định đối với đất nước từ hệ thống sở hữu tập thể sang nền kinh tế nhiều thành phần, từ một nền kinh tế dựa chủ yếu vào mía đường sang nền kinh tế đa dạng đã và đang thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không đánh mất tính định hướng XHCN. Kết quả nhìn thấy rõ qua các chỉ số tăng trưởng.

Nhà kinh tế gốc Cuba Arturo Lopez-Levy hiện đang dạy tại Đại học Denver khẳng định đây là cuộc cải cách kinh tế mạnh mẽ nhất ở Cuba và nó đang tác động một cách tích cực và trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân Cuba.

NHƯ QUỲNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2011/11/274500/