Cục Thú y giúp chăn nuôi phát triển bền vững và đáp ứng những đòi hỏi, thách thức trong thời kỳ hội nhập

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cục Thú y, NNVN có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y...

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cục Thú y, NNVN có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (ảnh) về những đóng góp quan trọng cho xã hội, bảo vệ sức khỏe động vật, giúp chăn nuôi phát triển bền vững và đáp ứng những đòi hỏi, thách thức trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thay đổi các tiếp cận trong phòng, chống dịch động vật

Trước tiên, xin được gửi lời chúc mừng tới cá nhân ông và những người làm công tác thú y nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Cục Thú y. Từ Nha Thú y - Mục súc - Ngư nghiệp đến Cục Thú y ngày nay đã có bề dày 71 năm xây dựng và phát triển. Một truyền thống rất đỗi tự hào mà không nhiều ngành ở nước ta có được. Và có lẽ, sự đóng góp lớn nhất của ngành Thú y là phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, thưa ông?

Việt Nam đã kiểm soát hoàn toàn bệnh dịch tả trâu bò, góp phần thanh toán dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu năm 2011.

Nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như cúm gia cầm, dại, nhiệt thán, tai xanh ở lợn, lở mồm long móng ở gia súc,…. hiện nay đã được kiểm soát tốt; các loại dịch bệnh thủy sản cũng đã được kiểm soát rất tốt; tạo điều kiện cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, cung cấp thực phẩm đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, mang về lượng ngoại tệ rất lớn cho đất nước.

Việc thanh toán, khống chế, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh đã nhiều năm “tàn phá” đàn gia súc, gia cầm và thủy sản đã góp phần rất quan trọng vào bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nước nhà?

Điều đó thể hiện rất rõ: Giai đoạn 2010-2015 so với giai đoạn trước năm 2010 đàn bò tăng gấp 2 lần, đạt 6,1 triệu con; đàn lợn tăng gấp 2,3 lần, đạt 27,6 triệu con; đàn dê cừu tăng gấp 3,7 lần, đạt 1,37 triệu con; đàn gia cầm tăng gấp 2,6 lần, đạt 280,2 triệu con; thịt bò tăng gấp 3 lần, đạt 292,5 ngàn tấn; thịt trâu tăng gần gấp 2 lần, đạt 86,8 ngàn tấn; thịt lợn tăng 2,4 lần, đạt 3.330,6 ngàn tấn; thịt gia cầm tăng 2,8 lần, đạt 828,2 ngàn tấn; sữa tươi tăng hơn 10 lần, đạt 549,5 triệu lít; diện tích nuôi trồng thủy sản bị bệnh giảm trên 50%, góp phần quan trọng cho việc xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch trung bình 7-8 tỷ đô la Mỹ/năm.

Thưa ông, hơn 10 năm chiến đấu phòng chống các loại dịch bệnh có sức tàn phá ghê gớm như CGC, LMLM,... ngành Thú y chắc hẳn đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm?

Bài học quan trọng nhất là thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt trong những năm gần đây, Cục Thú y đã tham mưu để Bộ NN- PTNT chỉ đạo chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn các cấp chủ động lập kế hoạch phòng, chống theo cách tiếp cận “Một sức khỏe”; chuyển từ bị động chống dịch sang chủ động phòng dịch; tăng cường giám sát và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Đối với những dịch bệnh quan trọng, nguy hiểm, tham mưu để có những chỉ đạo huy động toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp vào cuộc; đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan chuyên môn và trách nhiệm của chủ vật nuôi để bảo đảm triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống.

Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ cả về kỹ thuật và kinh tế của các tổ chức quốc tế và các nước giúp Việt Nam để tổ chức có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Tôi đã được chứng kiến ở một số địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nội thể hiện rất rõ sự thay đổi ấy. Họ phát hiện và dập dịch một cách nhanh chóng, tránh được lây lan và thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Chắc đến nay không còn địa phương nào lơ là, chủ quan, thụ động trong phòng, chống dịch nữa?

Thực tế vẫn còn nơi này, nơi kia chưa làm tốt công tác phòng, chống dịch động vật, còn thụ động, ỉ lại. Nhưng Luật Thú y có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016, quy định rõ trách nhiệm thì tôi cho rằng tư duy ấy buộc phải thay đổi.

Khẳng định này là có cơ sở vì thực tế trong những năm gần đây các địa phương cũng đã chủ động hơn rất nhiều trong công tác phòng, chống dịch bệnh như đề cập ở trên.

Năm 2008, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Thú y thực hiện nhiệm vụ thú y thủy sản. Thủy sản là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta, nhưng vấn đề dịch bệnh, kiểm soát thuốc thú y thủy sản vẫn “nóng”, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho nuôi trồng thủy sản phát triển, nâng cao giá trị gia tăng?

Có thể khẳng định hiện nay Bộ NN- PTNT đã yên tâm giao toàn bộ nhiệm vụ thú y thủy sản cho ngành Thú y. Với kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, ngành Thú y cũng đã tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản một cách bài bản xuyên suốt từ TƯ đến địa phương.

Quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và bảo đảm thực phẩm được chú trọng, bảo đảm động vật được giết mổ đáp ứng vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Các sản phẩm an toàn không những được sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada, các nước châu Á,….

Thực tế đã kiểm soát có hiệu quả các loại dịch bệnh, tạo điều kiện cho nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tăng sản lượng xuất khẩu những năm qua. Bộ NN- PTNT, chính quyền của nhiều địa phương và người nuôi trồng thủy sản đã đánh giá rất cao vai trò của ngành Thú y.

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ xuất khẩu

Mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới là cơ hội rất lớn để động vật, sản phẩm động vật của chúng ta đến với người tiêu dùng trên thế giới. Cục Thú y đã làm gì để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng này?

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, Cục Thú y đã chủ động tham mưu triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế.

Cụ thể, Cục Thú y đã chủ trì xây dựng và trình phê duyệt để ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với hơn 25 nước trên thế giới; phối hợp xây dựng và tổ chức triển khai nhiều chương trình, dự án quan trọng nhằm hỗ trợ năng lực cho Thú y Việt Nam và kiểm soát dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản.

Đặc biệt, thiết lập và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như OIE, FAO, ... và các nước Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc, ASEAN,... Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) từ năm 1991 và đã được tổ chức này hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều. Do đó, vai trò và vị thế của Việt Nam về thú y luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đó là những cơ sở vững chắc để động vật và sản phẩm động vật của chúng ta xuất ngoại, nhưng người dân, DN cần hơn nữa, ở thời điểm này là hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), hỗ trợ xuất khẩu của Cục Thú y?

Những năm gần đây chúng tôi đã chủ động triển khai có bài bản, mang tính chiến lược các hoạt động XTTM, hỗ trợ và giúp đỡ các DN có nhu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản sang hàng chục nước trên thế giới.

Công tác kiểm dịch được cải tiến rõ rệt, áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu thủ tục phiền hà, thúc đẩy xuất, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật. Cụ thể: Giảm từ 7 ngày xuống còn 24 giờ thời gian cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu; Giảm từ 7 ngày xuống còn 24 giờ thời gian cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tạm nhập tái xuất; Giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày thời gian trả kết quả, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.

Cán bộ kiểm dịch Chi cục Thú y Đăk Nông phun tiêu độc khử trùng phương tiện

Kết quả là mỗi năm có hàng triệu quả trứng vịt muối, hàng nghìn tấn lợn sữa, hàng trăm ngàn tấn lợn thịt và thủy sản, hàng ngàn tấn mật ong,… được xuất sang thị trường các nước phát triển, có yêu cầu cao.

Thủy sản – mặt hàng chiến lược của chúng ta dường như vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính?

Một mặt, chúng tôi đang nỗ lực kiểm soát tốt các loại dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y thủy sản; mặt khác tăng cường trao đổi, trực tiếp đến các nước để đàm phán để vừa bảo đảm duy trì thị trường truyền thống, vừa mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới tiềm năng; đề nghị các nước cung cấp các yêu cầu cụ thể về thú y và có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp trong nước thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với yêu cầu nước nhập khẩu và thông lệ quốc tế, gia tăng xuất khẩu mặt hàng chiến lược này.

Giải quyết tồn tại, thách thức đáp ứng yêu cầu hội nhập

Trong thư của Bộ trưởng Cao Đức Phát gửi các thế hệ công chức, viên chức và người lao động Cục Thú y nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, Bộ trưởng cho rằng Cục Thú y cần chỉ rõ những tồn tại, thách thức nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Những thách thức ấy là gì thưa ông?

Đó là các hoạt động thương mại quốc tế gia tăng mạnh mẽ, động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu ngày càng gia tăng nên nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm lưu hành trên thế giới có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam.

Vì vậy, Ngành Thú y cần có các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát tốt dịch bệnh có khả năng xâm nhiễm qua hàng nhập khẩu, cũng như ở trong nước để chăn nuôi phát triển, tăng cường xuất khẩu những sản phẩm động vật trên cạn, nhất là thủy sản đang là thế mạnh của Việt Nam;

Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật đang được xã hội rất quan tâm, đòi hỏi ngành Thú y phải quyết tâm thực hiện, góp phần bảo vệ sức khỏe con người thông qua việc ngăn chặn dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người và bảo đảm VSATTP.

Ngoài ra, do tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán ngày càng rõ nét và tác động mạnh; dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật trong khu vực và trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng của Việt Nam.

Để giải quyết được những thách thức trên, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Ngành Thú y cần phải làm gì?

Một là, Luật Thú y số 79/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá, phù hợp với luật pháp quốc tế và tương đồng với các nước phát triển trên thế giới, quy định cụ thể trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động,…

Vì vậy cần phải có các hoạt động thiết thực, khoa học và hiệu quả để đưa hệ thống quy định pháp luật về thú y vào thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định còn thiếu, theo hướng đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính.

Hai là, hệ thống tổ chức thú y đã được xây dựng, duy trì và phát triển, song để đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, nhất là trước các mối nguy nêu trên, toàn bộ hệ thống cần được đầu tư, nâng cấp về trang thiết bị, dụng cụ và đội ngũ làm công tác thú y cần được chuyên môn hóa cao và hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy, cách tiếp cận theo hướng chủ động, bám sát thực tiễn sản xuất, đẩy mạnh xã hội hóa tối đa các hoạt động để cộng đồng và các DN cùng tham gia triển khai các hoạt động về thú y.

Bốn là, tiếp tục tăng cường, tận dụng tối đa sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế vừa để Việt Nam kiểm soát được các mối nguy, bảo vệ chăn nuôi trong nước, sức khỏe và môi trường sinh thái, đồng thời nắm chắc các cơ hội, hỗ trợ tối đa về kỹ thuật để động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam được xuất khẩu với số lượng và chất lượng ngày càng gia tăng.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tập thể Cục Thú y, các đơn vị và các cá nhân thuộc Cục được Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành khen thưởng với nhiều hình thức: 119 lần khen thưởng, từ Bằng khen cấp Bộ trưởng đến Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 218 lượt cá nhân được khen thưởng từ Bằng khen cấp Bộ trưởng đến Huân chương Lao động.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cuc-thu-y-giup-chan-nuoi-phat-trien-ben-vung-va-dap-ung-nhung-doi-hoi-thach-thuc-trong-thoi-ky-hoi-nhap-post169143.html