Cục trưởng chống tham nhũng: 'Chưa kiểm soát được lót tay, phong bì!'

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho rằng hiện mới chỉ kiểm soát được tiền lương của cán bộ chứ chưa thể kiểm soát được nguồn khác như lót tay, phong bì...

Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt.

Để tránh tính hình thức, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ, xử lý nếu việc kê khai tài sản của cán bộ không trung thực, cần có một cơ quan chuyên ngành để chuyên xác minh việc này.

Đó là ý kiến được ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đưa ra khi trao đổi với Báo Giao thông, xung quanh những bất cập khiến Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đây cũng là nội dung được rất nhiều ĐBQH quan tâm khi góp ý kiến vào Luật PCTN (sửa đổi), sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Kiểm soát thu nhập ngoài như lót tay, phong bì cách nào?

Vừa qua, rất nhiều ý kiến băn khoăn về con số trong hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, chỉ phát hiện được 3 trường hợp vi phạm. Con số này theo ông có thực chất?

"Vừa rồi, chúng ta có Quy định 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; có Quy định 86 về giám sát trong Đảng. Tức là việc kê khai, xử lý và giám sát việc kê khai của cán bộ do Bộ Chính trị quản lý vừa thực hiện theo pháp luật, vừa thực hiện theo quy chế, điều lệ của Đảng. Cái đó là đã phân cấp, như vậy là đã rõ trách nhiệm rồi. Tức là hơn 1.000 cán bộ của Đảng do Ủy ban Kiểm tra T.Ư chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc kê khai. Vậy bên dưới cũng phải có cơ quan có trách nhiệm như thế, phải có cơ chế giám sát rõ ràng”.

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt

Đúng là con số đó quá ít. Phải thừa nhận việc kê khai tài sản hiện nay rất hình thức và không mang lại hiệu quả cao trong việc PCTN. Lâu nay, kê khai tài sản là một biện pháp để quản lý tài sản của những cán bộ, ở những khu vực dễ phát sinh tham nhũng, nhưng thực ra biện pháp này mới dừng ở việc kê, chứ chưa khai, chưa xác minh, xử lý triệt để nên có người sẽ không trung thực và cũng rất khó phát hiện, phát hiện được lại khó xử lý.

Có một thực tế, cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó kiểm soát tài sản cán bộ, công chức như hiện nay là chúng ta đang chủ yếu lưu hành tiền mặt, dùng tiền mặt nhiều nên rất khó quản lý tài sản. Ví dụ, việc trả lương qua thẻ ATM được hầu hết các cơ quan áp dụng hiện nay là tốt, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc kiểm soát được tiền lương hàng tháng, còn những thu nhập ngoài như lót tay, phong bì, hối lộ lại khó có thể kiểm soát.

Ngoài ra, hiện nay, theo quy định của Luật PCTN, việc xác minh kê khai tài sản của cán bộ công chức chỉ được thực hiện khi có các điều kiện như: Có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; Khi xét thấy cần thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai; Khi có căn cứ cho rằng, việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; Khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Chúng ta xây dựng Luật PCTN trong điều kiện không kiểm soát được tài sản. Kê khai hình thức, rồi việc xác minh lại được giao cho những người không đủ khả năng và thẩm quyền nên không thể thực hiện được. Theo ông, làm sao giải quyết được câu chuyện này?

Để giải quyết, cũng là nhằm quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn tài sản của cán bộ công chức, lãnh đạo, Chính phủ đang trình Quốc hội dự Luật PCTN (sửa đổi) theo hướng cần có một cơ quan chuyên ngành, chuyên xác minh việc kê khai tài sản của cán bộ công chức.

Cùng với đó, cần quy định việc kê khai tài sản của cán bộ công chức của cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nếu xem xét và nhận thấy dấu hiệu bất thường so với thực tế trong bản kê khai của cán bộ của mình thì người đứng đầu phải có trách nhiệm cử người đi xác minh và yêu cầu cán bộ đó giải trình về nguồn gốc số tài sản có được.

Tuy nhiên, việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu chỉ là một phần, không thể xử lý triệt để được mà phải có sự thống nhất từ T.Ư đến địa phương, giao cho một cơ quan chuyên ngành.

Ví dụ, như hiện nay, với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì việc xác minh, kiểm soát là do Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Nhưng với cấp Chính phủ giao cho ai thì chúng ta cần tiếp tục tính và xem xét.

Nguồn gốc tài sản xây biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua

Xử lý hình sự thay kiểm điểm rút kinh nghiệm

Tức là nếu Luật PCTN sửa đổi vẫn quy định việc kê khai hay xác minh tài sản chủ yếu dựa vào sự tự giác của cán bộ thì vẫn chưa thể tạo ra bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng?

Trước đây, nguyên tắc kê khai tài sản thu nhập là tự nguyện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức. Nhưng lần này sửa luật, tôi cho rằng cần quy định đối tượng kê khai phải kê khai đúng tài sản của mình, nếu trường hợp nào không kê khai đúng và bị các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu của việc tham nhũng thì phải xử lý, thậm chí xử lý ở mức độ hình sự để răn đe, không dừng lại ở mức độ kiểm điểm và rút kinh nghiệm như hiện nay.

Tham nhũng là tội phạm ẩn, nhưng tất cả các biện pháp của chúng ta lại không phải là biện pháp đặc biệt mà hết sức thông thường, thanh tra thông thường, điều tra thông thường. Theo ông, chúng ta có cần cơ quan đặc biệt, trình tự, thủ tục đặc biệt để chống tham nhũng?

Được biết, hiện nay Ban Nội chính đang nghiên cứu, xem xét để đề nghị với T.Ư.

Ở các nước, họ kê khai tài sản, công khai, quản lý và kiểm soát rất tốt nhờ vào hệ thống pháp luật của họ. Ở ta, tất nhiên cũng có rất nhiều quy định, nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ con người thực hiện, nên cần lưu ý việc này.

Ở một số nước, khi tài sản tăng thêm mà cán bộ công chức không chứng minh được thì người ta tịch thu ngay, coi đó là tài sản phạm tội, nhưng ở nước ta thu làm sao được, vì có quy định nào cho phép làm như thế đâu? Ở ta, muốn tịch thu tài sản phải có phán xét của tòa án, phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp. Nếu không chứng minh được tài sản đó là tài sản tham nhũng hay do phạm tội mà có thì không thể tịch thu.

Không có phán quyết của tòa, cũng không có cơ quan hành chính nào dám tịch thu tài sản của người ta khi không chứng minh được họ phạm tội.

Cảm ơn ông!

Hoài Thu (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/cuc-truong-chong-tham-nhung-chua-kiem-soat-duoc-lot-tay-phong-bi-d225461.html