Cúm A/H5N1 đã có sự thay đổi về kháng nguyên

Mới gần 3 tháng đầu năm cả nước đã có tới 5 người mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Các nhà khoa học nhận định: Virus cúm A/H5N1 đang tiến hóa với độc lực cao hơn và tỷ lệ tử vong từ 70% đến 100%... Viện vệ sinh dịch tễ cho biết hiện virus cúm A/H5N1 đã có sự thay đổi về kháng nguyên.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Thủy - 25 tuổi, thường trú tại xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, phát bệnh từ ngày 5/3 nhưng sau khi điều trị tại nhà không khỏi mới đưa đến bệnh viện. Trong khi đó các loại thuốc kháng virus đặc hiệu hiện nay chỉ có tác dụng trong 48 giờ. PGS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Điều trị tích, bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Theo đánh giá của các bác sĩ nguy cơ tử vong của bệnh nhân Thủy trên 90%. Trước tình trạng suy đa phủ tạng của bệnh nhân, sau khi hội chẩn các bác sĩ đã quyết định điều trị bằng kỹ thuật lọc máu". Các nhà khoa học nhận định dịch cúm A/H5N1 diễn biến rất phức tạp, đến nay vẫn chưa xác định được rõ ràng cơ chế lây truyền của virus cúm A/H5N1. Các chuyên gia đã phát hiện có ít nhất 7 nhóm kháng nguyên trên virus cúm gia cầm kể từ khi loại virus này có mặt tại nước ta. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng vì theo dự đoán của các nhà chuyên môn, một loại virus mới có thể xuất hiện từ sự tái tổ hợp của các chủng virus cũ và gây nên một đại dịch với mức độ khó lường. TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế cho biết, thời tiết Đông Xuân ở miền Bắc hiện nay thuận lợi cho virus phát triển, trong khi đó Việt Nam đang cùng lúc có sự tồn tại của virus cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 ở người và cúm gia cầm rất dễ làm cho dịch lan rộng ra nhiều địa phương. Vì vậy, người dân cần đề phòng không ăn gia cầm chết, gia cầm không rõ nguồn gốc và đặc biệt là khi có dấu hiệu sốt, ho mà có liên quan đến gia cầm cần tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Tác giả : Kim Xuân

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/cum_ah5n1_da_co_su_thay_doi_ve_khang_nguyen__3117943865.html