Cung cấp dịch vụ phòng, chống lao và HIV tại tuyến y tế cơ sở

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV trên toàn cầu. Nguy cơ mắc lao ở đối tượng nhiễm HIV cũng cao gấp 19 lần so với người không nhiễm HIV.

Người nhiễm lao/HIV cũng là đối tượng nguy cơ cao trong kháng đa thuốc và siêu kháng thuốc. Ở nước ta, số người bệnh đồng nhiễm lao/HIV mới mắc trong cùng năm là 5.500 người. Phối hợp phòng, chống lao/HIV là một thành phần quan trọng của các chiến lược phòng, chống lao và HIV ở nước ta.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thực hiện mô hình một điểm lồng ghép quản lý và cung cấp dịch vụ phòng, chống lao và HIV tại tuyến huyện và xã ở 18 tỉnh, thành phố có gánh nặng bệnh lao và HIV cao. Mục đích của việc lồng ghép là làm giảm lây nhiễm vi khuẩn lao và HIV; giảm tỷ lệ mắc và chết do lao, do HIV và các bệnh liên quan đến HIV; cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe của y tế cơ sở; tăng cường quản lý đồng nhiễm lao/HIV theo tiêu chí lấy người bệnh là trung tâm. Mô hình này đã được xây dựng và thí điểm tại hai huyện đầu tiên (Nho Quan-Ninh Bình và Hưng Hà-Thái Bình) vào năm 2013-2015 và mở rộng thí điểm tại 12 tỉnh tiếp theo vào năm 2015-2016. Kết quả sơ bộ tại 18 tỉnh, thành phố đang triển khai cho thấy mô hình lồng ghép mang lại hiệu quả cao như: Góp phần làm tăng tỷ lệ người nhiễm bệnh lao được xét nghiệm HIV; tăng tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm lao/HIV được điều trị cả 2 bệnh; giảm tỷ lệ người bệnh bị mất dấu trong quá trình điều trị. Chất lượng dịch vụ cũng được tăng cường, nhất là trong chẩn đoán và điều trị sớm cho người bệnh. Những địa bàn triển khai mô hình cũng giảm được nhân lực, chi phí và cơ sở vật chất đầu tư cho triển khai các dịch vụ phòng, chống lao và HIV so với trước khi lồng ghép. Đặc biệt, mô hình cũng tạo sự thuận lợi cho người bệnh tiếp cận cả hai loại dịch vụ tại cùng một địa điểm, giảm chi phí gián tiếp trong sử dụng dịch vụ.

Khám bệnh cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Hà Vũ

Việc mở rộng mô hình lồng ghép đã được chuẩn bị khá sẵn sàng với những văn bản pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật đã được Bộ Y tế ban hành trong những năm gần đây, bao gồm: Khung kế hoạch phối hợp lao/HIV giai đoạn 2016-2020, các thông tư về sử dụng bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh lao và HIV. Mô hình lồng ghép theo khuyến cáo của WHO đã được thích ứng với thực tiễn ở nước ta. Quá trình đổi mới về cấu trúc hệ thống y tế chung và y tế dự phòng theo hướng tăng cường lồng ghép dịch vụ ở tuyến cơ sở cũng tạo thêm thuận lợi cho mở rộng mô hình. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của quỹ toàn cầu và một số tổ chức quốc tế, nhiều bài học kinh nghiệm tại một số tỉnh đang triển khai đã được chia sẻ. Trong đó, sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế, sự tích cực hoạt động của ban điều phối ở các tuyến tỉnh và huyện là những yếu tố quan trọng hàng đầu. Kết nối dịch vụ giữa tuyến huyện và tuyến xã, lồng ghép thực hiện với cơ sở vật chất và dịch vụ sẵn có góp phần tăng hiệu quả, tính bền vững của dịch vụ phối hợp.

Thời gian tới, dự án sẽ hoàn chỉnh công cụ giám sát, hệ thống báo cáo và kết nối dữ liệu giữa hai chương trình; tiếp tục mở rộng cấp phát thuốc ARV lồng ghép với cấp phát thuốc lao tại tuyến xã, phường; tăng cường vận động người bệnh mua thẻ và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho khám, chữa bệnh lao và HIV.

PGS, TS LÊ VĂN HỢI (Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/cung-cap-dich-vu-phong-chong-lao-va-hiv-tai-tuyen-y-te-co-so-507375