Củng cố liên minh Mỹ-Nhật: Đôi bên cùng có lợi

Một trong những sự kiện quốc tế đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong tuần qua, là cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng.

Một trong những sự kiện quốc tế đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong tuần qua, là cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng. Sự kiện này được cho là sẽ xác định tương lai quan hệ giữa hai nước đồng minh Nhật-Mỹ trong bối cảnh mới. Chính vì thế, cả Nhật bản và Mỹ đều chọn cho mình một cách tiếp cận mới trong cuộc gặp thượng đình lần này.

Một trong những tuyên bố đáng chú ý được đưa ra sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh cho Nhật Bản; đồng thời sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn sử dụng cụm từ “sâu sắc” để mô tả mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Điều này khác hẳn với những tuyên bố cứng rắn mà ông Donald Trump đưa ra trước đây với việc quan hệ Mỹ-Nhật phải được xây dựng trên cơ sở “cân bằng về lợi ích thương mại và tránh thiệt thòi cho nước Mỹ”.

Thế nhưng, hình ảnh hai nhà lãnh đạo Nhật-Mỹ bắt tay nhau, cùng nhau lên chuyên cơ đi nghỉ cuối tuần và chơi golf ở bang Florida mới khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Việc nhiều hãng tin lớn đăng tải hình ảnh này, và việc báo chí quốc tế bình luận về cái bắt tay kéo dài tới 19 giây giữa hai nhà lãnh đạo Nhật-Mỹ, mà theo mô tả của họ, là “dài nhất và đặc biệt nhất” trong lịch sử ngoại giao quốc tế, đã khiến mối quan hệ Mỹ-Nhật đã nóng-nay càng thêm nóng. Báo chí Nhật bản đã không ngần ngại nhận định rằng “đây là một thắng lợi ngoại giao” của Thủ tướng Abe, với mong muốn tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hữu nghị với tân tổng thống Mỹ cũng như gửi đi thông điệp rằng mối quan hệ đồng minh lâu năm Mỹ-Nhật là không thể thay thế.

Món quà khủng từ Nhật bản

Đã có không ít câu hỏi đặt ra xung quanh chuyến thăm này. Điều đó là dễ hiểu trong bối cảnh Nhật bản đang đứng trước nhiều thách thức an ninh mới, chẳng hạn như việc Trung Quốc đơn phương gia tăng các tuyên bố chủ quyền và đẩy mạnh căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông. Song, điều khiến Nhật bản lo ngại hơn cả là câu hỏi về thái độ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nhật bản. Đây là lý do thôi thúc Thủ tướng Shinzo Abe chủ động đến thăm Tổng thống Donald Trump khi ông vừa mới đắc cử và nay thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Washington. Với chuyến thăm lần này, Nhật bản không dấu diếm mong muốn Mỹ cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng của Nhật bản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nếu Mỹ còn thực thi chính sách xoay trục ở đây; và Mỹ-dưới thời Tổng thống Donald Trump cần tiếp tục sát cánh cùng Nhật bản trong các vấn đề bảo đảm an ninh và kinh tế.

Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe va Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhau nồng hậu trong chuyến thăm.

Như vậy, với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật lần này, một lần nữa người ta đã chứng kiến những cung bậc khéo léo nhất trong các mối quan hệ ngoại giao quốc tế. Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cùng chơi golf, động thái gợi nhớ lại một dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Nhật-Mỹ trước đây. Trong chuyến công du đến Mỹ năm 1957, cố Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi, ông ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe, cũng từng chơi golf với Tổng thống Mỹ đương thời Dwight Eisenhower, sự kiện được truyền thông đánh giá là một “chiến thắng ngoại giao” giữa hai cựu thù, đồng thời mở đường cho Nhật bản và Mỹ thiết lập liên minh quân sự như ngày nay.

Tất nhiên, Thủ tướng Nhật bản cũng không đến Mỹ với hai bàn tay không. Trong chuyến thăm, ông Abe đã đề xuất “Sáng kiến tăng trưởng và việc làm Mỹ-Nhật” gồm các gói hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng tiên tiến nhất; nghiên cứu và phát triển robot và trí tuệ nhân tạo; hợp tác trong các lĩnh vực không gian và mạng; hợp tác về việc làm và quốc phòng, với kỳ vọng tạo ra 700.000 việc làm và 450 tỷ USD trong 10 năm tới. Động thái trên nhằm đáp ứng kỳ vọng thúc đẩy số việc làm tại Mỹ, và thể hiện thiện chí của Nhật bản sát cánh với Mỹ; và rằng “Nhật bản không có âm mưu gì gây lũng đoan nền kinh tế Mỹ”.

Có lẽ, với thành công của chuyến thăm, Thủ tướng Abe có thể tạm yên tâm về tương lai quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật những ngày tới.

Tất nhiên, về phần mình nước Mỹ cũng sẽ không thiệt thòi khi tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh thân thiết với Nhật bản. Xét về lợi ích, Nhật bản không chỉ là thị trường khổng lồ về kinh tế mà còn là cơ sở vững chắc hỗ trợ Mỹ củng cố sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Quan trọng là, nếu không có những đồng minh lớn như Nhật bản, một mình Mỹ làm sao có thể giữ vững vị trí siêu cường? Dĩ nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rất rõ điều đó và ông đã không để lỡ cơ hội.

Rõ ràng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật lần này đang thể hiện một cách tiếp cận mới của các hai nước. Nó cũng cho thấy sự thực dụng khi lợi ích quốc gia của từng bên có thể bị tác động bởi các yếu tố biến động bên ngoài chi phối.

N.Quang

((Theo CNN, BBC, Kyodo))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cung-co-lien-minh-my-nhat-doi-ben-cung-co-loi-n127960.html