Cùng con vượt qua thời kỳ khủng hoảng mầm non

Những đứa trẻ lên ba đầy rắc rối và ngang bướng khiến cha mẹ bất lực tự hỏi “sao con mình cứng đầu đến vậy?” Tìm hiểu tâm lý và phương cách đồng hành cùng con là việc nên làm để giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng mầm non, thời điểm rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách ở trẻ.

Câu chuyện những đứa trẻ lên ba

Chị H.Anh (Lâm Đồng) lo lắng cho biết: “Con gái chị trước đây rất ngoan, nói gì là làm theo đó. Thế mà gần đây con bé trở nên ngang bướng một cách lạ kỳ. Tính khí thì thay đổi thất thường hay cáu giận, hờn dỗi mỗi khi không được đáp ứng yêu cầu”.

Anh Tuấn ở Bình Dương thì thắc mắc không lý giải được thằng bé thường ngày “gọi dạ, bảo vâng” bỗng “không, không” mỗi khi anh và vợ hỏi han, yêu cầu việc gì đấy. Nhiều khi nóng quá không kìm chế được anh đã phát vào mông thằng bé mà nó chẳng có thay đổi gì.

Một trường hợp khác ở TP.HCM. Dù chị Hoài đã tìm hiểu rất kỹ tâm lý trẻ từ các giai đoạn để có cách ứng phó, nhưng mỗi khi đối diện với tính xấu mới của con như ích kỷ, vô lễ với người lớn, giơ tay lên phản ứng lại mỗi khi không vừa ý là chị lại quên hết những kiến thức đã trang bị trước đó. Cảm thấy tức giận và lo lắng sợ rằng: Nhân cách xấu từ đó sẽ hình thành về sau này.

Chuyên gia tâm lý nói gì

Thạc sĩ Tô Nhi A - Giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM - cho biết: Cuộc đời của mỗi người đều trải qua ba giai đoạn khủng hoảng. Đó là khủng hoảng giai đoạn mầm non, giai đoạn dậy thì và giai đoạn về già. Trong đó, giai đoạn khủng hoảng mầm non được xem là dấu mốc quý giá, nền tảng hình thành nhân cách của trẻ về sau. Đây cũng là nền tảng để những giai đoạn khủng hoảng kia trải qua nhẹ nhàng hay khó khăn hơn.

Giai đoạn khủng hoảng mầm non hay còn gọi là khủng hoảng trẻ lên ba, nghĩa là trẻ có cột mốc khủng hoảng thay đổi tính cách vào tầm 3 tuổi. Có trẻ sẽ đến sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào sự phát triển tâm lý của mỗi đứa trẻ.

Cũng theo Thạc sĩ Tô Nhi A, đây là biểu hiện bình thường mà mọi đứa trẻ đều phải trải qua. Là giai đoạn trẻ bắt đầu bước ra khỏi môi trường gia đình, rời xa vòng tay bảo vệ của bố mẹ và tiếp xúc với môi trường bên ngoài, bắt đầu phát huy tính độc lập, thể hiện bản thân thông qua sự phát triển ý thức và ngôn ngữ cá nhân. Trẻ bắt đầu có những biểu hiện thay đổi khác thường so với trước đây như muốn chứng tỏ và khẳng định bản thân mà đôi khi những biểu hiện đó thường đối lập với mong muốn của người lớn. Khi đó, thay vì cáu gắt, la mắng, uốn nắn con theo ý muốn, cha mẹ cần tìm hiểu để biết cách đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Những biểu hiện thường gặp ở trẻ tuổi mầm non

Bướng bỉnh: trẻ thích làm theo ý mình, thái độ ngang ngạnh khó bảo, ngoan cố và kiên quyết làm theo ý thích của bản thân, đôi khi không phải vì thích mà là muốn người khác phải chịu thua, thỏa hiệp.

Ngang ngạnh: Khi những nhu cầu của bé không được thỏa mãn, trẻ có xu hướng phản kháng bằng cách gào khóc lên, mè nheo, lăn ra ăn vạ, đập đạp mọi thứ để đạt được mục đích.

Vô lễ với người lớn: không lễ phép, thường có những biểu hiện chống đối, không vâng lời người lớn như giơ tay đánh, nhéo người lớn khi không hài lòng điều gì đó.

Chuyên quyền, ích kỷ: trong các quan hệ xung quanh bé thường tỏ ra chuyên quyền ích kỷ, cái gì cũng muốn thuộc về mình, nhất là với những bé trong gia đình ít thành viên, bé là duy nhất.

Có thể lý giải hiện tượng khủng hoảng tuổi lên ba ở trẻ với hai lý do sau:

Do sự phát triển nhanh mạnh về tâm sinh lý ở trẻ, từ việc nhận thức rõ về khả năng của bản thân mà trẻ khao khát được khẳng định mình, muốn được làm người lớn, muốn độc lập, tự chủ trong mọi việc mà không cần phụ thuộc vào người lớn. Thế nhưng, do khả năng của trẻ còn hạn chế, trẻ chưa thể làm được những điều mong muốn, khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ chưa hoàn thiện, nên dễ rơi vào trạng thái tâm lý cáu bẳn, ấm ức hay la hét, mè nheo khi mọi chuyện diễn ra không như ý muốn.

Do mâu thuẫn quan hệ giữa trẻ với người lớn. Trẻ có nhu cầu độc lập, muốn làm những điều mình muốn mà không biết được rằng điều đó không nên hay không an toàn với mình. Trong khi đó, người lớn thì cấm đoán, áp đặt, điều khiển trẻ vì nghĩ trẻ còn nhỏ, chưa làm được việc gì hay nguy hiểm với sức khỏe của con… Điều đó càng khiến trẻ có thái độ ngang bướng, khó bảo và chống đối lại người lớn.

Cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng mầm non

Theo thạc sĩ Chung Vĩnh Cao - Giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH TP.HCM, khủng hoảng tuổi mầm non là hiện tượng phổ biến và có tính chuyển tiếp, tạm thời. Những biểu hiện ấy có thể dần mất đi khi trẻ lớn lên, vì thế bố mẹ không nên quá lo lắng sợ con hư mà ngăn cấm con nghịch ngợm hay đánh mắng trách con. Bởi làm như vậy chỉ khiến tình trạng này diễn ra theo chiều hướng tiêu cực hơn mà thôi. Để giúp con vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, cha mẹ cần tìm hiểu tâm lý và nhu cầu của bé để có cách ứng xử phù hợp.

Tôn trọng, tạo điều kiện và khuyến khích bé tự làm những việc vừa sức trong khả năng có thể như tự xúc cơm, thay quần áo, đi giầy dép và một số việc giúp đỡ người khác như: rót nước, cất đồ dùng… Khi bé hoàn thành công việc, nên có lời khen ngợi, tán thưởng, khuyến khích, động viên để bé biết việc làm của mình được mọi người công nhận.

Có thái độ nhẹ nhàng, giải thích rõ ràng cho trẻ hiểu mỗi khi yêu cầu bé làm việc gì, tránh áp đặt, ép buộc, ra lệnh khiến bé cảm thấy mình không được tôn trọng, dễ sinh tính gang bướng, cáu bẳn và chống đối.

Thay vì ngăn cấm, bao bọc trẻ trước những tình huống, đồ vật nguy hiểm, cha mẹ dạy cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, đặt ra vài tình huống để bé có điều kiện trải nghiệm và xử lý.

Khi trẻ có những biểu hiện ngang bướng, ăn vạ, xấc láo, cha mẹ phải giữ bình tĩnh, đừng quá nóng giận mà có những hành động và lời nói không hay. Lúc này, cha mẹ nên nhẹ nhàng dùng lời nói để giải thích, khuyên bảo, thể hiện sự kiên quyết không hài lòng với những hành động của con như: “Con không nên có hành động như thế...”, “Mẹ không vui khi con làm như vậy”; đồng thời hướng trẻ đến sự chú ý khác. Khi trẻ vui trở lại thì giải thích cho con hiểu những điều nên và không nên làm.

Cùng với đó, cha mẹ cần tránh nuông chiều con thái quá, đòi gì được náy, quá chú ý đến sự có mặt của trẻ. Điều này vô tình khiến trẻ nghĩ mình là “trung tâm của vũ trụ”, dễ hình thành tính cách ương bướng, ích kỷ. Tránh nạt nộ, đe dọa, cấm đoán không cho bé không gian tự do để khám phá thế giới, lâu dần khiến trẻ trở nên thụ động, nhút nhát và chậm chạp.

Sinh con, nuôi con đã khó, hiểu và dạy dỗ con còn khó hơn gấp trăm, ngàn lần. Ở giai đoạn phát triển chưa toàn diện về tâm sinh lý, điều cần thiết nhất là sự hỗ trợ đồng hành từ cha mẹ. Ngoài việc thấu hiểu, khuyên răn, dạy dỗ con theo những phương pháp phù hợp, thì tấm gương của người lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách ở trẻ. Trẻ thường có xu hướng học theo những biểu hiện tính cách của những người gần gũi với chúng. Bởi vậy, hành động và thái độ trong chừng mực trước mặt con trẻ là điều mà cha mẹ cần chú ý thay đổi. Tất cả sẽ giúp trẻ vượt qua giai này một cách nhẹ nhàng hơn.

Xem thêm:

Anh Duy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/cung-con-vuot-qua-thoi-ky-khung-hoang-mam-non