Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập

Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Ra mắt nền tảng trực tuyến đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật trên điện thoại thông minh.

Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn; nhiều người khuyết tật sống ở vùng sâu, vùng xa, nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người khuyết tật. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Các hoạt động xã hội hóa trợ giúp người khuyết tật được các cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức người khuyết tật đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật. Theo thống kê, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 1,6 triệu người khuyết tật; đến năm 2023, hơn 90% số người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời…

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người khuyết tật đặc biệt nặng; vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…; mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp; số người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn.

Hiệu quả hoạt động của một số tổ chức người khuyết tật chưa cao. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, thuộc trách nhiệm của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội; vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật; một số nơi công tác tổ chức thực hiện Luật Người khuyết tật và các chính sách về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện.

Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) năm 2024 được Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) đưa ra chủ đề “Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập”. Đây là thông điệp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật Việt Nam; thúc đẩy một xã hội tiếp cận và nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật. Có thể nói, cùng với việc để người khuyết tập tiếp cận được đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề… thì việc làm cho người khuyết tật chính là “con đường” bền vững giúp họ thật sự hòa nhập xã hội, tạo dựng cuộc sống độc lập.

Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, năm 2019 phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm…

Theo thống kê của Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), mỗi năm có khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt hơn 50%, khoảng gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, so với thực tế, số người khuyết tật được tiếp cận và tạo việc làm vẫn còn thấp…, điều đó đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp.

Hiện nay, các địa phương đều đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp, tạo cơ hội để người khuyết tật khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên học văn hóa, học nghề và việc làm để giúp họ tự lực trong cuộc sống. Hội Người khuyết tật Hà Nội luôn hợp tác và phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Bảo trợ-Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tổ chức sàn giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật… thu hút nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật. Các phiên giao dịch việc làm đã mang lại cho người khuyết tật nhiều cơ hội có việc làm, được tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy của các đơn vị tuyển dụng, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực việc làm của người khuyết tật, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng về khuyết tật, giúp chúng ta nhìn thấy ở họ khả năng tự lập, đóng góp cho gia đình và xã hội...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cung-hanh-dong-de-nguoi-khuyet-tat-tiep-can-va-song-doc-lap-post805287.html