Cuộc cải tổ của quân đội Nga chỉ đem lại một 'con hổ giấy'?

Những lần động binh gần đây nhất như vụ can thiệp vào bán đảo Crimea và các chiến dịch quân sự hỗ trợ chính phủ đương nhiệm ở Syria đang cho Nga cơ hội phô trương sức mạnh quân sự sau một thời gian cải tổ. Vậy sức mạnh ấy ra sao?

Quân đội Mỹ thường xuyên có cơ hội thể hiện sức mạnh ở nhiều chiến trường. Tuy nhiên, đối thủ luôn được xem là đáng gờm số 1 của Mỹ là Nga thì không được như vậy. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và những khó khăn kinh tế đã khiến “gấu Nga” suy giảm sức mạnh. Hãy xem xét các đánh giá từ nhiều chuyên gia độc lập về sức mạnh thực sự của quân đội Nga.

Công cuộc hiện đại hóa quân đội của Nga khiến phương Tây lo ngại

Trên tạp chí Strategist, nhà nghiên cứu Mitchell Yates của Đại học Western Sydney (Australia) viết: “Trong hơn 5 năm qua, Tổng thống Putin đã chứng kiến sự hiện đại hóa và tái cấu trúc của các lực lượng vũ trang Nga, mang lại một liều thuốc bổ cho cả năng lực lẫn sự tự tin (của người Nga). Nhưng các nhà phân tích phương Tây đánh giá rằng cuộc cải tổ của quân đội Nga chỉ đem lại một “con hổ giấy”, hoặc nói cách khác là thất bại hoàn toàn.

Gấu Nga thức giấc

Theo Yates, những nhận xét tiêu cực như vậy về quân đội Nga vẫn có những điểm đáng lưu ý. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dù tiến trình cải tổ có khiếm khuyết, chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội do Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng thời điểm năm 2008 là Anatoliy Serdyukov khởi động đã củng cố năng lực của quân đội Nga, trong lúc quân đội của các thành viên NATO chủ chốt và đồng minh của họ đang phải cắt giảm ngân sách, thu hẹp quy mô.

Quân đội Nga hiện nay được trang bị tốt hơn, khả năng thực hiện các hoạt động tác chiến hiện đại tốt hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Điều này khiến nhiều nhà phân tích phương Tây ngạc nhiên.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều thứ cho giới chỉ trích khai thác: một chương trình siêu hàng không mẫu hạm không có các xưởng đóng tàu cần thiết, các phương tiện hỗ trợ đóng mới và bảo trì tàu; kế hoạch thiết kế phiên bản mới của loại máy bay ném bom chiến lược Tu-160 được mang ký hiệu Tu-160 M2 (M nghĩa là modernized- phiên bản hiện đại hóa) và kế hoạch sản xuất hơn 2.000 xe tăng Armata T-14 tối tân dường như khó thực hiện được. Bên cạnh đó là các kế hoạch cải tổ về nhân sự đang tỏ ra phức tạp hơn dự kiến. Với việc giá dầu giảm rất mạnh, rất có thể Nga không thể đáp ứng các cải tổ lớn hơn.

Tuy nhiên, trong cả thập kỷ qua, nhiều nước thành viên NATO giảm quy mô quân đội và sức chiến đấu cũng giảm xuống. Sự quyết đoán của Nga trong chuyện bán đảo Crimea và Syria đã khiến phương Tây phải đánh giá lại sức mạnh thực sự của Nga, cũng như của chính họ. Cũng cần biết rằng trong các nước thành viên của NATO ở châu Âu, chỉ mới đây mới có một thay đổi mang tính tích cực: Hà Lan cho về hưu xe tăng chủ lực và thay thế bằng thế hệ mới.

Tại thời điểm này, các hoạt động hải quân của Nga, đặc biệt là ở Hạm đội phương Bắc, đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991. Điều này khiến Mỹ phải tái triển khai các cơ sở quân sự của họ ở Keflavik (Iceland) để hỗ trợ các máy bay tuần thám P-8A P-8A Poseidon mới.

Các cuộc tập trận chớp nhoáng quy mô lớn kiểu Soviet gần đây được Bộ trưởng Quốc phòng Nga tái khởi động, như một chỉ dấu cho thấy sự sẵn sàng của quân đội Nga. Các máy bay ném bom chiến lược được tăng cường tần suất và tầm bay trong các chuyến tuần tra.

Công cuộc hiện đại hóa quân đội của Nga khiến phương Tây lo ngại

Các hoạt động hiệp đồng tác chiến quân binh chủng cũng như hoạt động của các lực lượng đặc biệt của Nga tại Syria cho thấy khả năng “phát hiện, tấn công và hậu cần” trên đất liền, ngoài biển và trên không. Đây là minh chứng rằng năng lực hiệp đồng tác chiến quân binh chủng của quân đội Nga đã hoàn thiện.

Gia tăng hiện diện

Với vị trí địa lý của mình, Nga vẫn là “tay chơi” đáng gờm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các cuộc tập trận quy mô lớn với Trung Quốc, thêm nhiều chuyến bay tuần tra của máy bay ném bom chiến lược ngoài khơi đảo Guam và thậm chí cả bờ biển phía tây nước Mỹ, các cuộc diễu võ của tàu chiến Nga ngang qua biển phía đông Australia trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã chứng tỏ điều này.

Thêm nữa, việc Nga thông báo hồi tháng 1/2016 rằng họ đã chuyển một số vũ khí, chưa rõ loại gì, cho quân đội Fiji chứng tỏ sự hiện diện của Nga tại nam Thái Bình Dương đang gia tăng.

Theo chuyên gia Yates, mặc dù xét về vị trí địa lý, Nga không có nhiều ảnh hưởng đến một nước xa xôi như Australia. Nhưng nay, với sự can dự của Nga vào Syria, các nhà hoạch định chiến lược quân sự của Australia đã phải nghĩ lại. Không lực Hoàng gia Australia đang bay trong các không phận mà nay có cả những chiếc chiến đấu cơ Su-35, Su-34, thậm chí cả hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumf của Nga ở khu vực Trung Đông.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cuoc-cai-to-cua-quan-doi-nga-chi-dem-lai-mot-con-ho-giay-post182512.html